Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trạm y tế lưu động - “điểm tựa” cho F0 cách ly tại nhà
Mộc An - 13/09/2021 20:14
 
Cùng với những cơ sở y tế thuộc tháp 3 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19, các trạm y tế lưu động đang đồng hành giúp các F0 vượt qua đại dịch.
Trạm Y tế lưu động phường Tân Vĩnh Hiệp hoạt động 24/24 hỗ trợ, xử lý các tình huống khẩn cấp liên quan đến sức khỏe người dân
Trạm Y tế lưu động phường Tân Vĩnh, Hiệp Bình Dươnghoạt động 24/24 hỗ trợ, xử lý các tình huống khẩn cấp liên quan đến sức khỏe người dân

Hoạt động 24/24 giờ

7 giờ 30 phút ngày 26/8, Trạm Y tế lưu động phường 7 (đặt tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, số 77 - Nguyễn Du, phường 7, Gò Vấp, TP.HCM) nhận thông tin nhà số 72/717B Nguyễn Văn Nghi có trường hợp bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà cần hỗ trợ. Lập tức, Tổ Cấp cứu gồm bác sĩ Tạ Văn Mạnh, phụ trách Trạm Y tế lưu động cùng 2 điều dưỡng mang theo bình ô-xy và vật dụng y tế đến ngay. Sau khi đo SpO2, hỗ trợ thở ô-xy và thực hiện thao tác cấp cứu ban đầu, bệnh nhân đã cảm thấy dễ thở hơn.

Cũng tại quận Gò Vấp, Trạm Y tế lưu động phường 5 có trụ sở mượn tạm của một nhà dân tại số 22 - Huỳnh Khương An, hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Trạm có 3 chiến sỹ Học viện Quân y hỗ trợ cùng 3 tình nguyện viên là các giáo viên mầm non và đoàn viên thanh niên. Bên cạnh việc hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà, trung bình mỗi ngày, Trạm tiếp nhận, tư vấn cho hơn 100 trường hợp qua điện thoại.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tùng, học viên năm cuối của Học viện Quân y phụ trách Trạm Y tế lưu động phường 5 cho biết, dù công việc mới mẻ và vất vả, nhưng được sự giúp đỡ, hỗ trợ của người dân, anh cảm thấy vui, hạnh phúc.

Chia lửa cùng trạm y tế cố định, bác sĩ Trương Ngọc Nam, phụ trách Trạm Y tế lưu động 13 Nhà Bè (TP.HCM) thông tin, Trạm đang chăm sóc, quản lý gần 200 F0 tại nhà. Khi nhận được danh sách ca mắc, Trạm liên lạc ngay với họ để đến tận nhà cấp phát thuốc, tư vấn cách sử dụng và để lại số điện thoại của y, bác sĩ để F0 gọi khi cần.

Theo bác sĩ Hồ Đăng Thanh Hải, Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động số 2 phường Bình Thuận (quận 7, TP.HCM), Trạm kết nối chặt chẽ với các F0 qua danh sách, số điện thoại, quản lý qua phần mềm Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19 cùng ứng dụng Khai báo y tế điện tử. Tính đến nay, Trạm đã thăm khám tại nhà cho 271 trường hợp, tư vấn trực tuyến cho 371 trường hợp là người dân sinh sống trên địa bàn phường Bình Thuận.

Còn tại Bình Dương, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên cho hay, mỗi phường điểm nóng về Covid-19 đang được tổ chức 3 trạm y tế lưu động, trong đó, 1 trạm trung tâm cố định tiếp nhận “cuộc gọi nóng” để điều phối ứng cứu. Các trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19.

Trung bình mỗi trạm tiếp nhận khoảng 15 - 25 cuộc gọi cấp cứu, có ngày cao điểm lên tới 50 cuộc gọi, bất kể đêm, ngày. Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, các trạm phân công cán bộ y tế tiếp cận nhà dân để ứng cứu. Các trường hợp bình thường thì cấp cứu tại chỗ, những trường hợp nặng sẽ chuyển ngay lên tuyến trên.

Ngoài ra, trạm y tế lưu động cũng hỗ trợ các cơ sở cách ly y tế trong việc cấp cứu các trường hợp cần sự hỗ trợ y tế khẩn cấp, đồng thời phụ trách việc theo dõi, hướng dẫn người đã điều trị khỏi bệnh vừa về địa phương.

Nhân rộng mô hình

Nhờ phát huy hiệu quả các trạm y tế lưu động, nhiều người bệnh tại TP.HCM và Bình Dương đang cách ly tại nhà đã vượt qua Covid-19. Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, người được Bộ trưởng Bộ Y tế giao hỗ trợ TP.HCM thiết lập và vận hành các trạm y tế lưu động tại TP.HCM cho biết, chiến lược thành lập các trạm y tế lưu động là phù hợp, hiệu quả. Do vậy, việc thành lập thêm nhiều trạm y tế lưu động trong bối cảnh cơ sở quá tải, tăng cao bệnh nhân là cần thiết.

Ngoài việc tư vấn, các trạm y tế lưu động còn phối hợp xác định F0 và phát túi thuốc. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) thông tin, sau khi test nhanh, xác định có kết quả dương tính, cán bộ của Trạm sẽ tiến hành sàng lọc, lập hồ sơ và làm xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR, từ đó, lập danh sách F0 đủ điều kiện ở nhà theo từng ấp, rồi chuyển cho trạm y tế lưu động để phát thuốc và chăm sóc.

Dù đánh giá cao hiệu quả trong chăm sóc và điều trị F0 tại nhà mà các trạm y tế đang đạt được, song ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng không quên nhắc nhở các lực lượng cần phối hợp nhịp nhàng với  nhau.

Theo đó, tổ y tế, nhân viên y tế từ các trạm y tế lưu động cần sàng lọc thật tốt các F0. Khi thấy dấu hiệu F0 tại nhà ho, khó thở, cần sẵn sàng cấp cứu ngay và có phương án chuyển lên tuyến cao hơn. Các F0 tuổi cao, nhiều bệnh nền, thì nên vận động đưa vào các cơ sở thu dung tập trung hoặc bệnh viện dã chiến. Bởi vì, nếu các bệnh nhân này chuyển nặng, thì diễn biến sẽ rất nhanh. Cùng với đó, y tế tuyến phường phải sẵn sàng ô-xy, máy đo SpO2, các thiết bị y tế cần thiết để xử lý khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các F0.

Về phía cơ sở, theo lãnh đạo Trạm Y tế phường 2 (quận 5, TP.HCM), việc phối hợp giữa lực lượng lưu động và cố định được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, với số lượng khoảng 15.000 người dân được giao phụ trách, thì lượng nhân viên này vẫn còn mỏng. Có nhân viên liên tục từ sáng đến đêm vừa tư vấn sức khỏe, vừa tiếp nhận, xử lý các yêu cầu hỗ trợ từ người bệnh, nên rất áp lực và quá tải. Do vậy, đại diện các trạm y tế kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nhân lực.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ sẽ hỗ trợ thêm, nhưng cũng yêu cầu các cơ sở phải tiết kiệm nhân lực, sử dụng có hiệu quả. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các trạm y tế lưu động phải gắn với hoạt động quản lý, theo dõi, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế chăm sóc, điều trị F0 của tuyến xã, phường. 

F0 cách ly tại nhà cần làm gì để tránh stress?
Theo Bộ Y tế, để tránh căng thẳng tinh thần, F0 điều trị tại nhà không sử dụng rượu/bia, thuốc lá, các loại thức ăn nước uống có chất kích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư