Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tranh luận về việc cách ly F1
D.Ngân - 10/11/2021 21:36
 
Hiện nay tại các địa phương chưa có sự thống nhất trong quy định cách ly tập trung F1 dẫn đến nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đoàn Đại biểu quốc hội Quảng Bình nêu việc hiện một số địa phương, điển hình là Hà Nội vẫn áp dụng chính sách cách ly tập trung trường hợp tiếp xúc gần (F1).

Hiện nay tại các địa phương chưa có sự thống nhất trong quy định cách ly tập trung F1 dẫn đến nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Đại biểu cho rằng, việc này gây lãng phí nguồn lực, tổn hại về tinh thần cho người dân và gia tăng khả năng lây nhiễm chéo, không phù hợp tình hình thực tiễn. Đại biểu Cường đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu quan điểm vấn đề này.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua Bộ Y tế căn cứ trên Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, về việc cách ly những trường hợp đi từ những vùng dịch trở về đối với cấp độ 3 và cấp độ 4 được phân ra làm nhiều quy định.

Theo đó, đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin thì chỉ cần theo dõi y tế ở nhà 7 ngày và xét nghiệm ngày thứ nhất, đối với người đã khỏi bệnh cũng tương tự như vậy, đối với người đã tiêm một mũi vắc-xin thì cách ly tại nhà là 7 ngày, đối với người chưa được tiêm về phải cách ly tại nhà 14 ngày.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương và trong khuyến cáo của Bộ Y tế là tùy mức độ, tùy địa phương, nhất là vấn đề về việc đảm bảo an toàn cho phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao như những chung cư hay là những khu vực có nhiều người dân sinh sống mà chưa có tiêm phòng vắc-xin thì chúng ta cố gắng làm sao đảm bảo việc cách cách ly một cách linh hoạt để đảm bảo tính an toàn.

Đối với trường hợp chung cư rất đông người mà tỷ lệ tiêm chủng chưa cao thì chúng ta buộc là phải áp dụng hình thức cách ly tập trung hoặc là cách ly tại nhà.

Bộ trưởng Long cũng đề nghị các địa phương áp dụng triệt để hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly theo phân cấp nguy cơ đối với người tiêm 2 mũi, 1 mũi, chưa tiêm, F0 khỏi bệnh để phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Ông cho biết khi chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn thì các địa phương cần quản lý rủi ro, tạo sự ổn định, thống nhất đồng bộ trên cả nước.

Đối với người từ các địa phương đến Hà Nội, Bộ Y tế xác định là nhóm nguy cơ, nên phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề nghị địa phương thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, cản trở việc đi lại.

"Chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn thì không thể không có ca nhiễm, nhưng quan trọng là chúng ta kiểm soát rủi ro về nguy cơ tăng nặng ca bệnh, nguy cơ tử vong", Bộ trưởng lý giải.

Về vấn đề cách ly F1, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho hay, hiện tại Hà Nội chưa cần thiết cách ly F0, F1 tại nhà. Hà Nội chỉ tính đến cách ly tại nhà khi số lượng người cách ly gia tăng quá cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội đặc thù đất chật người đông, không đảm bảo đủ an toàn khi cách ly tại nhà, vì vậy F0 nhẹ, không triệu chứng vẫn cần điều trị tập trung.

Trước lo lắng của người dân ở chung cư khi chỉ vô tình đi chung thang máy với F0, có thể trở thành F1 và bị đưa đi cách ly, ông Tuấn khẳng định, theo quy định, F1 tiếp xúc trực tiếp với F0 sẽ được đưa đi cách ly tập trung. 

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy vết, nếu những trường hợp liên quan đi cùng thang máy nhưng có giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tiếp xúc sẽ được phân loại và có thể sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, nguy cơ của F1 trở thành F0 tại các khu tập trung rất thấp vì các quy định cách ly chặt chẽ, người thực hiện cách ly được giám sát, nằm trong tầm kiểm soát. “Mục đích của việc đưa F1 đi cách ly để bảo đảm an toàn cho cộng đồng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Liên quan tới việc cách ly tập trung F1 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết Chính phủ và Bộ Y tế thời gian qua đều đã khuyến khích địa phương cho phép người dân cách ly tại nhà. Thậm chí, F0 không có hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ cũng có thể tự theo dõi và cách ly tại nhà.

“Đây là một trong những giải pháp phù hợp khi chúng ta đã quyết định sống chung an toàn với SARS-CoV-2”, ông khẳng định.

Chuyên gia này cho rằng hiện nay, trừ một số trường hợp công nhân, người lao động quá khó khăn, đa số gia đình tại Việt Nam đủ điều kiện để tự cách ly như phòng riêng, có người chăm sóc. Do đó, chúng ta nên tạo điều kiện để người dân tự lựa chọn hình thức cách ly phù hợp.

Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội,cho rằng, Hà Nội cần phát huy vai trò của cả hệ thống y tế, thực hiện tập dượt, tránh để xảy ra quá tải như TP.HCM thời gian qua. Việc để quá tải rồi mới triển khai cách ly tại nhà là quá muộn.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), có cùng quan điểm khi cho rằng thời gian qua, dịch Covid-19 tại thành phố diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều F0, từ đó nảy sinh lượng lớn F1. Do vậy, chúng ta cũng phải tính đến phương án cách ly tại nhà để thích ứng với điều kiện hiện nay, đồng thời tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh việc để người dân lựa chọn nơi cách ly cần có sự hài hòa. Trường hợp người dân chọn cách ly tại nhà vẫn phải đảm bảo điều kiện cần thiết mới được xem xét.

Chuyên gia: Hà Nội nên tính tới cách ly F1 tại nhà
Theo ý kiến của một số chuyên gia Hà Nội nên tính tới phương án cho F1 cách ly tại nhà thay bằng cách ly tập trung như hiện nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư