Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao: Nỗi lo của nhiều cha mẹ Việt
D.Ngân - 05/07/2022 13:27
 
Theo các bác sĩ, việc trẻ chậm phát triển chiều cao đang là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi đến khám vì phát hiện chậm tăng trưởng chiều cao. 

Theo các bác sĩ, việc trẻ chậm phát triển chiều cao đang là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh.

PGS.TS. Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nội tiết, chuyển hóa, di truyền và liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, các nghiên cứu cho thấy việc chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ là khi chiều cao thấp dưới -2SD so với chiều cao trung bình của trẻ cùng tuổi, giới, cùng chủng tộc.

Chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ có thể do một số nguyên nhân như suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng… 

Cũng theo chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương, mức tăng trung bình khi trẻ được đáp ứng đủ các yếu tố về dinh dưỡng và hormone cần thiết là 4 đến 7,0 cm mỗi năm (tính từ sau 4 tuổi đến trước dậy thì 2-3 năm, tầm 9 tuổi).

Dưới 5 tuổi, mức biến động chiều cao của trẻ lớn hơn nhiều, cụ thể là: 0-1 tuổi: tăng trung bình 25 cm; 1-2 tuổi: tăng trung bình 12 cm; 2-3 tuổi: tăng trung bình 8,0 cm/năm.

1.000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ được mang thai cho đến 24 tháng tuổi là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất và đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai.

Tuy nhiên, ngoài những trẻ đạt được các mốc chiều cao phù hợp với độ tuổi thì còn rất nhiều trẻ chưa đạt chuẩn chiều cao, thậm chí là kém tăng trưởng, thấp hơn nhiều so với con số cần có.

Nguyên nhân của chiều cao thấp có thể do sự khác nhau của thể trạng mỗi người, do di truyền của gia đình hoặc chiều cao thấp vô căn. 

Ngoài ra, còn xảy ra bởi các bệnh lý về dinh dưỡng (cung cấp năng lượng thiếu, hấp thu kém, viêm ruột mãn tính, bệnh Coeliac), bệnh lý về nội tiết (thiếu hụt GH đơn thuần hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone yên, bao gồm cả sau xạ trị, suy giáp bẩm sinh, hội chứng Cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp);

Các hội chứng bẩm sinh (bất thường nhiễm sắc thể: hội chứng Turner, Down; các hội chứng khác Noonan, Russell - Silver; các khuyết tật bẩm sinh khác/chậm phát triển về tinh thần);

Hậu quả của nhỏ so với tuổi thai, các bệnh về xương (loạn dưỡng sụn, còi xương, achondroplasia/hydrochondroplasia), các bệnh mãn tính/ các bệnh chuyển hóa (thận, tim, gan, hô hấp, miễn dịch, tiểu đường kiểm soát kém, bệnh dự trữ thể tiêu bào, các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh), các khối u.

PGS.TS. Vũ Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên nhân bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng. Theo đó, dù nguyên nhân này chiếm một tỷ lệ rất thấp 1/4000 - 1/10.000 nhưng lại là một trong trở ngại lớn khiến trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao.

Thiếu hormone tăng trưởng (gọi tắt là hormone GH - Growth hormone) là tình trạng cơ thể trẻ không sản xuất hoặc phóng thích đủ hormone tăng trưởng để đáp ứng cho việc phát triển chiều cao đúng chuẩn theo tuổi và giới.

PGS.TS. Vũ Chí Dũng cho hay, thông thường, các ca thiếu hormone tăng trưởng thể nhẹ không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí thông minh của trẻ.

Tuy nhiên, chiều cao quá thấp đặc biệt ở độ tuổi trưởng thành sẽ khiến trẻ dễ mặc cảm, tự ti với bạn bè đồng trang lứa, cũng như gây ra những hạn chế cho các hoạt động sinh hoạt và công việc đòi hỏi về chiều cao.

Chính vì vậy, cha mẹ cần hỗ trợ và định hướng cho trẻ những thói quen tốt trong đời sống hằng ngày, nhằm nuôi dưỡng chiều cao cho trẻ. 

Cụ thể, bên cạnh chế độ dinh dưỡng và hoạt động vận động (là những yếu tố có thể can thiệp và thay đổi được) thì bố mẹ cần cho bé đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và đúng tư thế. Điều này sẽ có lợi cho sự phát triển và tăng trưởng của chiều dài xương.

Tuyến yên của con người tiết ra hormone tăng trưởng GH cả ngày, nhưng vào ban đêm, lượng hormone này được giải phóng cao hơn gấp nhiều lần.

Thậm chí đạt cao nhất nếu trẻ đi ngủ trong “khung giờ vàng” là từ 21 giờ tối đến 2 giờ khuya và từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng.

Đồng thời, nếu trẻ ngủ ở tư thế thoải mái, cơ thể thả lỏng hoàn toàn, xương và sụn không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ áp lực hay sức ép nào thì sẽ rất có lợi cho sự phát triển của chiều cao.

Ngoài ra, trong quá trình theo dõi con, nếu nghi ngờ trẻ có vấn đề về tăng trưởng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa nội tiết nhi để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất, không tự ý sử dụng các hormone tăng trưởng khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Về mặt chẩn đoán, cần lưu ý, không bao giờ được chẩn đoán trẻ thiếu hụt hormone tăng trưởng chỉ dựa vào các xét nghiệm, mà bên cạnh đó, phải luôn luôn xem xét các triệu chứng lâm sàng. 

Ở giai đoạn sơ sinh, những triệu chứng lâm sàng sẽ biểu hiện như hạ glucose máu, vàng da kéo dài, dương vật nhỏ ở bé trai. 

Còn đối với trẻ lớn, tình trạng thiếu hormone tăng trưởng càng nặng thì trẻ chậm tăng trưởng càng sớm, ngoài ra còn kèm theo biểu hiện ở các triệu chứng xuất phát từ nguyên nhân thiếu hụt hormone GH như u sọ hầu, các u khác của não.

Một trong những ca lâm sàng được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận là bệnh nhi sơ sinh có dấu hiệu vàng da kéo dài, xuất hiện từ ngày thứ 5 sau sinh và nhập viện trong tình trạng vàng sẫm toàn thân, tăng cân chậm (200gr/ 1,5 tháng), da khô, táo bón. 

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị hormon thay thế (hormone tuyến giáp thay thế, hormone GH khi có bằng chứng rõ chậm tăng trưởng).

Khi tiến hành điều trị, trẻ có thể đuổi kịp tăng trưởng và duy trì tốc độ tăng trưởng bình thường, đạt đỉnh tăng trưởng tuổi dậy thì, đạt chiều cao trưởng thành và chuyển hóa.

Được biết theo điều tra dinh dưỡng năm 2021 do Bộ Y tế công bố, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% - mức <20% - được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%).
Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Về chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam, đã có sự thay đổi mạnh ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), nữ năm 2020 đạt 156,2cm (năm 2010: 154,8cm).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư