Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trị vấn nạn “thổi giá” thiết bị y tế
Dương Ngân - 23/12/2021 07:26
 
“Thổi giá” thiết bị y tế là vấn nạn trầm kha trong ngành y tế. Giới chuyên gia kỳ vọng, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, về quản lý trang thiết bị y tế sẽ giúp thị trường minh bạch.
Bộ kit test Covid-19 do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất được xác định đã “thổi giá”
Bộ kit test Covid-19 do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất được xác định đã “thổi giá”.

Kẽ hở trong quản lý giá

Thời gian qua, việc xét nghiệm Covid-19 với tần suất quá dày, chi phí xét nghiệm cao đã khiến doanh nghiệp và người dân khốn đốn. Hiện nay, khi cơ quan công an bắt đầu bóc gỡ việc “thổi giá” xét nghiệm, những tảng băng chìm mới dần hé lộ.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, để xảy ra nhiều vụ việc “thổi giá” thiết bị y tế, một phần do giá mặt hàng này chưa được quản lý. Từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, hàng triệu test nhanh của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) đã được bán cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của các tỉnh, thành phố với giá “trên trời”. Vụ việc đang gây “nóng” dư luận khi nhiều cán bộ của Công ty Việt Á và Giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố. Thông tin từ cơ quan điều tra, Bộ Công an, còn nhiều địa phương khác cũng liên quan tới vụ việc và đang được điều tra, làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện CDC Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch, CDC Hà Nội từng sử dụng kit xét nghiệm của nhiều đơn vị cung cấp, trong đó có Công ty Việt Á. Song, đại diện CDC Hà Nội khẳng định, cơ quan này không trực tiếp đàm phán hợp đồng mua bán từ doanh nghiệp này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sau vụ việc nhiều cán bộ của Công ty Việt Á và Giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố liên quan đến việc “thổi giá” test nhanh Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, trước kia, thiết bị y tế không phải là mặt hàng phải quản lý giá, nên các doanh nghiệp chỉ cần công khai giá lên Cổng Công khai y tế và chịu trách nhiệm về thông tin mà mình công khai.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định, với các sai phạm cụ thể, ai, cá nhân, tổ chức nào làm sai, làm trái nguyên tắc, thì phải chịu trách nhiệm.

“CDC Hà Nội nhận được kit xét nghiệm từ đơn vị tài trợ thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội. Đơn vị tài trợ đàm phán mua từ Việt Á, sau đó tài trợ cho CDC Hà Nội. Chúng tôi không đàm phán trực tiếp để mua từ doanh nghiệp này”, thông tin chính thức từ CDC Hà Nội nêu.

Tại CDC Hà Nội từng xảy ra vụ việc “thổi giá” thiết bị y tế. Theo đó, từ đầu tháng 2/2020, Giám đốc CDC Hà Nội khi đó là Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết với các đối tượng, thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế cho CDC Hà Nội trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Cũng liên quan tới sai phạm đấu thầu thiết bị y tế, vụ việc chấn động xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tim Hà Nội đã khiến 2 giám đốc của 2 bệnh viện này vướng vòng lao lý. Trước đó, rất nhiều vụ việc sai phạm liên quan tới việc “thổi phồng” giá thiết bị y tế tại các sở y tế, bệnh viện nhằm trục lợi đã bị phanh phui.

Đề cập vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho hay, các cơ quan pháp luật, Bộ Y tế cần phải vào cuộc để tìm hiểu vấn đề này thật kỹ. Nhưng, điều quan trọng nhất là, sau mỗi sai phạm cần rút ra được bài học kinh nghiệm, chẳng những để xử lý, phán quyết đối với cá nhân sai phạm, mà điều quan trọng hơn là tạo hành lang pháp lý để những doanh nghiệp làm ăn chân chính có cơ hội phát triển, không bị đánh đồng, dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), việc mua vật tư y tế phải được diễn ra quy củ hơn, đấu thầu minh bạch, công khai và có phản biện. “Không nên để một người vừa làm chuyên môn y tế, vừa kiêm nhiệm các vấn đề về kinh tế, mua sắm thiết bị vật tư. Như vậy, sẽ đối diện nhiều rủi ro, kể cả khách quan và chủ quan”, bác sĩ Khanh nói.

“Kim bài” ngăn loạn giá

Trước tình trạng tham nhũng liên quan tới giá thiết bị y tế nhức nhối thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ đã có văn bản đề nghị các tỉnh tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các tỉnh phải chỉ đạo sở y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại kế hoạch mua sắm đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại phù hợp với tình hình mới; thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 8/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Giới chuyên gia đánh giá, đây là văn bản quan trọng, đưa sản phẩm thiết bị y tế vào danh mục quản lý giá, nhằm chấm dứt tình trạng “loạn giá”, “thổi giá”.

Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề quản lý giá thiết bị y tế đã cho biết, cơ quan này đang xây dựng, lấy ý kiến các cơ quan liên quan để sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 98.

Theo lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Nghị định số 98 đã thay đổi hoạt động cấp phép lưu hành từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chú trọng thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính, đồng thời bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế. Theo đó, trang thiết bị y tế là mặt hàng phải kê khai giá; cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.

Nghị định cũng thay đổi quy trình cấp đăng ký lưu hành theo hướng minh bạch toàn bộ quá trình cấp phép lưu hành, phân cấp cho các đơn vị chuyên môn thực hiện đánh giá hồ sơ kỹ thuật, kiểm soát chất lượng. Dựa trên kết quả đánh giá của các đơn vị này, Bộ Y tế sẽ thực hiện việc cấp phép sau khi rà soát hồ sơ hành chính.

Công ty Việt Á và CDC lách luật đấu thầu ra sao?
Có luồng dư luận cho rằng, Công ty Việt Á là tư nhân, định giá Kit test Covid-19 và bán bao nhiêu là quyền Công ty và "thuận mua vừa bán". Tuy nhiên bản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư