Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn
Thiên Phúc - 17/08/2023 22:09
 
3 tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đã thu hồi 1.194,71/1.382,38ha (86,42%), di chuyển 7.000/16.929 ngôi mộ (41,35%) để thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, nhưng công tác GPMB đối với phần đất ở còn chậm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các địa phương tập trung cao độ để hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Công tác giải phóng mặt bằng phần đất ở còn chậm

Ngày 17/8, tại tỉnh Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã tổ chức Hội nghị Giao ban đôn đốc tình hình triển khai Dự án.

Báo cáo tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, về cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được thực hiện bám sát tiến độ. Đến nay, 3 tỉnh, TP đã thu hồi 1.194,71/1.382,38ha (86,42%), di chuyển 7.000/16.929 ngôi mộ (41,35%).Tuy nhiên, công tác GPMB đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là việc đầu tư các khu tái định cư.

Đến nay, TP. Hà Nội đã giải ngân trên kế hoạch vốn được giao là 5.148,604/ 6.754,84 tỷ đồng, đạt 76,22%; Tỉnh Hưng Yên đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân 742,98 tỷ đồng, đạt 40%; Tỉnh Bắc Ninh đền bù, hỗ trợ GPMB là 988,19/1.370 tỷ đồng, đạt 72,13%.

Về tiến độ, sẽ tập trung thực hiện công tác GPMB đối với các phần diện tích còn lại, phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2023. Triển khai đồng loạt thi công trên toàn tuyến, phấn đấu thông xe Dự án tháng 12/2025, đưa vào khai thác năm 2026.

Tuy nhiên, hiện tại, các địa phương mới hoàn thành GPMB chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Đối với phạm vi đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức…chưa được hoàn thành để bàn giao; công tác xây dựng các khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành. 

Trên địa bàn 3 tỉnh, TP vẫn còn 9.929 ngôi mộ chí chưa được di chuyển, đề nghị các địa phương đảm bảo hoàn thành di chuyển trong năm 2023. 

Đối với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh rà soát, kiểm tra và chủ động có văn bản gửi UBND các tỉnh lân cận có mỏ vật liệu chấp thuận danh mục các mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng là các mỏ không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và chỉ phục vụ Dự án, làm cơ sở áp dụng cơ chế đặc thù.

Tập trung cao độ để hoàn thành Dự án 

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, đây là dự án độc lập GPMB đầu tiên của Tỉnh nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chỉ trong vòng 23 ngày, công tác GPMB trên địa bàn đã đúng mức và vượt mức đề ra, đến nay đạt 83,5%. 

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đang cơ bản hoàn thành khu tái dịnh cư, phấn đấu đến 30/10, sẽ hoàn thành xây dựng Khu tái định cư, khu nghĩa trang, trên tinh thần có điểm tiếp nhận đến đâu sẽ di dời mộ đến đấy để đảm bảo tiến độ đề ra.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, hiện có 17 doanh nghiệp có Dự án Vành đai 4 đi qua, do đó, Tỉnh gặp khó khăn trong định giá tài sản vì chưa có quy định. Để giải quyết, Tỉnh sẽ mời tư vấn; bố trí địa điểm khác để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. 

Về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo  cơ quan có thẩm quyền cho phép Tỉnh áp dụng Điều 62 của Luật Đất đai, thu hồi đất của hộ gia đình sau đó giao đất, cho thuê đất lại đối với các doanh nghiệp di dời để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Về cơ bản, Tỉnh không có mỏ vật liệu, vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đề xuất tạo điều kiện cho Tỉnh tiếp cận với 2 mỏ cát để sớm thỏa thuận về nguồn cung vật liệu.  

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, Tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai đảm bảo tiến độ thi công. Đến nay, đã phê duyệt phương án và thu hồi đất 307,88/369,08 ha, đạt 83,42%. 

Về khó khăn, hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 là 2.479 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị tổng mức đầu tư thực tế dự kiến khoảng 5.354 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 2.874 tỷ đồng) do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường. 

Mặt khác, qua hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu, trữ lượng các mỏ vật liệu cung cấp cho Dự án cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, các mỏ có thể khai thác và sử dụng ngay thì có cự ly vận chuyển xa; các mỏ có cự ly vận chuyển gần hơn thì hiện nay mới có trong quy hoạch, chưa được cấp phép khai thác.

Do đó, bà Nguyễn Hương Giang đề nghị UBND TP. Hà Nội báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giá trị tổng mức đầu tư thực tế làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của Dự án; Đề nghị Ban Chỉ đạo Dự án sớm làm việc cụ thể với các địa phương có mỏ vật liệu để chấp thuận danh sách các mỏ vật liệu, cam kết cung cấp đủ khối lượng vật liệu cho Dự án, đồng thời nâng công suất, cấp phép mỏ vật liệu có trong quy hoạch hoặc mỏ vật liệu mới (nếu cần). 

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, hiện giá vật liệu xây dựng thực tế cao hơn giá được phê duyệt gây khó khăn cho các nhà thầu và kiến nghị các cấp thẩm quyền ban hành giá tiệm cận với thị trường. Đồng thời, có cơ chế đặc thù về chỉ định khai thác các điểm mỏ đề xuất và nghiêm túc thực hiện việc khai thác, sử dụng các mỏ vật liệu chỉ phục vụ cho Dự án đường Vành đai 4. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, đây là Dự án trọng điểm Quốc gia, đi qua 3 địa phương, quy mô chia làm 3 tiểu dự án thành phần, nhưng cũng là các dự án lớn nhất của các địa phương.

Thời gian tới, đề nghị tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kết, cơ sở dự toán để xây dựng dự án thành phần 2.2, 2.3 để lựa chọn nhà thầu, khởi công vào cuối tháng 9.

Cùng với đó, tập trung cao độ vào công tác GPMB các khu tái định cư, bố trí đất ở cho người dân, trong đó, đồng chí lưu ý phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng để tạo thuận lợi cho người dân với tinh thần “nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. 

Đồng thời, tập trung hoàn thành công tác di chuyển mồ mả vào dịp cuối năm; giải quyết các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn như đường điện lớn và phấn đấu hoàn thành GPMB bảo đảm 100% vào cuối tháng 12 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị rà soát lại các mỏ vật liệu và cần phải xác định rõ về nhận thức là vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường Vành đai 4. 

Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục để tránh thất thoát, lãng phí, không để xảy ra tiêu cực. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các địa phương tập trung cao độ để hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; phối hợp tốt hơn nữa, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Dự án PPP thành phần 3, vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Rà lại phương án tài chính
Phương án tài chính, nguồn cung vật liệu là hai cụm vấn đề trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án PPP thành phần 3, vành đai 4 - Vùng Thủ đô cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư