Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Triển vọng kinh doanh kém khả quan tại Lixco
Lâm Vũ - 14/09/2021 09:32
 
Diễn biến phức tạp của Covid -19 khiến tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Bột giặt LIX (Lixco) gặp nhiều khó khăn, khi 2 trong 3 nhà máy nằm tại các tâm dịch.

Doanh thu, lợi nhuận giảm trong nửa đầu năm

Sau khi kết thúc năm 2020 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 14,9% và 28,5% so với thực hiện năm 2019, nhờ nhu cầu về nước rửa tay và chất tẩy rửa khác tăng đột biến do tác động của dịch bệnh Covid-19, bước sang năm 2021, tình hình kinh doanh của Lixco cho thấy bức tranh kém khả quan hơn.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, báo cáo tài chính của Lixco cho biết, doanh thu thuần đạt 1.355,6 tỷ đồng, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận gộp giảm mạnh về 20,9% so với mức 29,5% trong nửa dầu năm 2020 khiến lợi nhuận gộp giảm đến 38,9%, đạt 284,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 84,16 tỷ đồng, giảm 24,9% dù trong kỳ, các chi phí bán hàng, quản lý và chi phí tài chính đều được tiết giảm.

Riêng trong quý II/2021, doanh thu thuần của Lixco đạt 656,7 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; sau khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế còn lại đạt 40 tỷ đồng, giảm 16,7%. Đây là quý thứ hai liên tiếp, Công ty bị sụt giảm về lợi nhuận, đồng thời là quý có mức lợi nhuận thấp nhất trong 9 quý gần đây.

Sự sụt giảm kết quả kinh doanh của Lixco được ghi nhận đồng thời ở cả mảng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong đó, thị trường nội địa - nguồn thu chủ yếu, giảm 12,9% về doanh thu và giảm 38,3% về lợi nhuận gộp. Riêng mảng xuất khẩu giảm lần lượt 17% và 41,2%. Những kết quả này là hệ quả của bối cảnh tình hình sản xuất - kinh doanh của Công ty trong nửa đầu năm nay có nhiều khó khăn hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, chi phí sản xuất, nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất chất tấy rửa là LAS - chiếm khoảng 85% chi phí nguyên liệu, là sản phẩm được chiết suất từ dầu mỏ, do đó giá biến động theo giá dầu.

Trong năm 2020, giá dầu sụt giảm mạnh đã giúp biên lợi nhuận gộp của Lixco tăng mạnh, đặc biệt là trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, giá nguyên vật liệu bắt đầu tăng trở lại theo đà hồi phục của giá dầu thế giới, thậm chí xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp, đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của Công ty.

Việc chính phủ các nước thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt phòng chống dịch khiến sản lượng xuất khẩu của Lixco giảm. Chẳng hạn, tại thị trường Campuchia, sản lượng 6 tháng giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020 (riêng nhãn Lix giảm 37%). Tại Philippines, sản lượng tiêu thụ giảm 16%. Giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh cũng làm giảm sức cạnh tranh về giá so với sản phẩm nội địa của nước nhập khẩu.

Kế hoạch thận trọng trong nửa cuối năm

Theo kế hoạch kinh doanh quý III/2021 được Hội đồng Quản trị Lixco thông qua giữa tháng 8 vừa qua, Công ty dự kiến doanh thu thuần 548 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng. So với thực hiện cùng kỳ năm ngoái, kế hoạch lợi nhuận giảm đến 50% và so với quý liền trước kế hoạch cũng giảm 40%.

Diễn biến phức tạp của đợt lây lan dịch bệnh thứ 4 được đánh giá là nguyên nhân chính khiến Ban lãnh đạo Công ty phải thận trọng khi 2 trong số 3 nhà máy của Lixco đang nằm tại TP.HCM và Bình Dương, đều là các tâm dịch và chính quyền địa phương thực hiện giãn cách, phong tỏa mạnh tay để kiểm soát dịch bệnh.

Thông tin từ Lixco cho biết, để đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất, Công ty đã sử dụng phương án “3 tại chỗ” cho công nhân và tổ chức xét nghiệm Covid-19 bằng hình thức PCR hàng tuần cho toàn bộ lao động. Chi nhánh Bắc Ninh đã triển khai phương án “3 tại chỗ” từ đầu tháng 6/2021 và đã kết thúc sau 20 ngày thực hiện. Đến đầu tháng 7/2021, Công ty tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho 2 nhà máy tại Thủ Đức (TP.HCM) và Bình Dương.

Trong báo cáo triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2021, Bộ phận Phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa. Các nhà máy hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” phải chịu chi phí vận hành rất lớn và phải giảm 40-50% công suất. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đang mang đến nhiều rủi ro gián đoạn đối với hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất.

Trong khi đó, giá dầu dù có phần hạ nhiệt, nhưng vẫn đang neo ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái, còn tình hình logistics toàn cầu vẫn còn khó khăn, giá cước vận tải dự báo neo ở mức cao cho đến cuối năm nay cũng tiếp tục gây sức ép lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Ban lãnh đạo Lixco đã khá thận trọng khi đặt kế hoạch kinh doanh năm nay, với chỉ tiêu doanh thu giảm 8,6% so với thực hiện năm 2020, đạt 2.652 tỷ đồng; còn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 23,1%, xuống còn 225 tỷ đồng. Dù so với kế hoạch đề ra, kết thúc nửa đầu năm, Công ty đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 46,7% kế hoạch lợi nhuận, nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời điểm có thể giảm dần các biện pháp, phong tỏa còn bị đặt dấu hỏi, thì triển vọng về đích kế hoạch năm của Lixco vẫn bị bỏ ngỏ.

Bột giặt Lix lãi 112 tỷ đồng nhờ dung dịch sát khuẩn, gel rửa tay
Công ty cổ phần Bột giặt Lix (Lixco, mã: LIX) ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 112 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư