Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Triển vọng thuốc điều trị Covid-19
Dương Ngân - 14/12/2021 20:29
 
Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng, thực hiện nhượng quyền một số loại thuốc điều trị Covid-19. Nếu thuận lợi, chúng ta có thể chủ động được nguồn thuốc điều trị trong nước trong thời gian sớm nhất.
Các nhà nghiên cứu đang chịu áp lực đáng kể trong cuộc đua tìm ra phương pháp chữa trị Covid-19, nhằm ngăn các ca Covid-19 trở nặng và giảm áp lực lên các cơ sở y tế.
Nước ta đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong ảnh: Các bác sĩ chuẩn bị cho một ca điều trị bệnh nhân Covid-19

Nhộn nhịp nhượng quyền

Thời gian qua, một số công ty dược lớn trên thế giới công bố báo cáo khả quan về các cuộc thí nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid-19. Bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến với Covid-19 là thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược Merck (Mỹ) trở thành thuốc điều trị Covid-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới, sau khi Anh khuyến nghị sử dụng thuốc này cho những người mắc Covid-19 vừa và nặng.

Theo báo cáo từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng, thuốc Molnupiravir (có tên thương mại là Lagevrio) giảm khoảng 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở các bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, Paxlovid - thuốc kháng virus dạng viên của Pfizer đã chứng minh giảm tới 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với những người trưởng thành có nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Cả 2 loại thuốc này đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Để đảm bảo lâu dài, chủ động nguồn thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ, điều trị sớm, giảm nguy cơ tăng nặng, Bộ Y tế đã cấp 78 đơn hàng nguyên liệu Molnupiravir cho 34 công ty, 55 đơn hàng nguyên liệu Favipiravir cho 26 công ty để phục vụ nhu cầu nghiên cứu sản xuất thuốc.


Bộ Y tế cũng đang xây dựng các mức dự trù sử dụng thuốc, trong đó chấp nhận mua thuốc với số lượng đáp ứng nhu cầu cho kịch bản dịch có diễn tiến xấu, vì có khả năng dư thừa thuốc khi dịch được kiểm soát tốt.

Việt Nam cũng đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19, như thuốc ức chế sự nhân lên của virus, gồm Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir. Ngoài ra, thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Cụ thể, từ tháng 8/2021, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng. Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Về việc tìm kiếm nguồn cung thuốc điều trị Covid-19, vừa qua, sau khi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có công văn gửi Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam về việc nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc điều trị Covid-19, đến nay, đã có 6 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thuốc Molnupiravir. Nếu thuận lợi, các nhà máy trong nước có thể sớm chủ động được nhu cầu thuốc chứa Molnupiravir.

Với thuốc Ritonavir, ngày 20/11, Cục Quản lý Dược có công văn gửi Công ty Pfizer đề nghị hỗ trợ các cơ sở sản xuất dược phẩm của Việt Nam trong việc trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện của Pfizer sản xuất thuốc chứa phối hợp PF-07321332 và Ritonavir. Đây là thuốc kháng virus mới có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19. Đề xuất này của Việt Nam đã nhận được đồng thuận của Pfizer và các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên lạc với Quỹ Bằng sáng chế thuốc (MPP) để đăng ký trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện sản xuất.

Kỳ vọng thuốc nội

Mới đây, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu tổng hợp thành công hợp chất Nitazoxanide ở quy mô thí điểm dùng để bào chế thuốc điều trị Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình.

GS-TS. Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học cho biết, quy trình tổng hợp Nitazoxanide đạt hiệu suất cao qua chỉ 2 bước phản ứng từ nguyên liệu giá rẻ. Đây là loại thuốc generic với giá thành thấp, sử dụng đường uống, an toàn và phù hợp để thực hiện ở Việt Nam. Hợp chất Nitazoxanide có ưu điểm vượt trội là an toàn, giá rẻ, có hoạt tính kháng virus phổ rộng, diệt được nhiều loại virus khác nhau.

Đặc biệt, thuốc có hoạt tính chống lại SARS-CoV-2 được nuôi cấy trên tế bào vero cell6 với IC50 2 µM. Ngoài ra, Nitazoxanide có khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch, cải thiện phổi và các tổn thương trên nhiều cơ quan của cơ thể, nên thuốc có thể được sử dụng hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh đi kèm, đặc biệt là hội chứng “cơn bão cytokine”.

Viện Hóa học cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc để chuyển giao công nghệ cho một doanh nghiệp và đề xuất thử nghiệm lâm sàng thuốc Nitazoxanide giá rẻ để điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình tại nhà.

Hiện nay, trên thế giới có 29 thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân Covid-19 đã và đang được thực hiện, trong đó có 8 thử nghiệm đã kết thúc và chứng minh, Nitazoxanide có thể được sử dụng an toàn để điều trị sớm Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình, làm giảm tải lượng virus, giảm số bệnh nhân phải nhập viện. Nitazoxanide cũng được chứng minh sử dụng hiệu quả để điều trị bệnh nhân mang thai và điều trị dự phòng với các nhân viên y tế.

Thông tin về triển vọng thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Cục Quản lý dược, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đang hoàn thiện hệ thống pháp lý để tạo cơ chế pháp lý thuận lợi cho việc nhập khẩu, sản xuất thuốc và cấp phép lưu hành.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam về việc nhượng quyền tự nguyện để sản xuất thuốc Molnupiravir tại Việt Nam; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ, các đơn vị nghiên cứu, các nhà sản xuất trong nước nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc điều trị Covid-19.

“Bộ Y tế đang xem xét trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép thuốc trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn. Nếu được đồng ý, Molnupiravir do các công ty dược trong nước sản xuất sẽ sớm được cấp phép sử dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Dù có nhiều triển vọng trong lĩnh vực thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19, song ở một góc nhìn khác, giới khoa học cũng bày tỏ quan ngại về khả năng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người bệnh sẽ kháng thuốc. Đây cũng là mối quan ngại đặt ra đối với việc phát triển phác đồ điều trị các bệnh do virus mãn tính gây ra, trong đó có cả thuốc kháng virus của hãng Pfizer. Do vậy, giới khoa học cho rằng, các hãng dược cần nghiên cứu các loại thuốc mới để có thể sử dụng cùng với các loại thuốc điều trị Covid-19 dạng viên hiện có, qua đó ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

Novartis và Bộ Y tế ký hợp tác về cung cấp phi lợi nhuận thuốc điều trị COVID-19
Novartis và Bộ Y tế Việt Nam vừa ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm cung ứng phi lợi nhuận các thuốc điều trị các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư