Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Trời lạnh, quần áo rét đắt hàng, thiết bị sưởi ấm vắng khách
 
Tại các cửa hàng bán quần áo rét lượng khách đến mua khá đông, trong khi đó thị trường các thiết bị sưởi ấm chống rét có phần ảm đạm.
Các mặt hàng chống rét năm nay khá vắng khách.
Các mặt hàng chống rét năm nay khá vắng khách.

Mấy ngày nay, tại Hà Nội, thời tiết chuyển sang rét đậm, thị trường các mặt hàng phục vụ chống rét mùa Đông đã được bày bán nhiều. Tại các cửa hàng bán quần áo rét, lượng khách đến mua khá đông, trong khi đó, thị trường các thiết bị sưởi ấm chống rét có phần ảm đạm.

Xuất hiện sớm nhất trên thị trường đón mùa lạnh là mặt hàng thời trang. Năm nay, xu hướng của người tiêu dùng là vẫn ưu tiên lựa chọn hàng “Made in Vietnam”, trong đó, lựa chọn nhiều nhất vẫn là đến mua sắm tại các cửa hàng thời trang xuất khẩu.

Tại các cửa hàng thời trang Made in Vietnam trên các tuyến phố Bà Triệu, Kim Liên, Cầu Giấy… lượng khách đến mua khá đông. Năm nay, các loại áo phao, măng tô, dạ, len, áo gió với mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Giá của những mặt hàng này dao động từ 350.000 – 700.000 đồng/chiếc. Cùng với quần áo, những mặt hàng phụ kiện như khăn, mũ… đã được bày bán nhiều.

Chị Nguyễn Thanh Nga, một khách hàng cho biết, mẫu mã các mặt hàng thời trang năm nay có nhiều thay đổi, tiện dụng, thoải mái, thiên về chất liệu len mềm, kaki, thô mềm rất dễ mặc, dễ mua. Giá cũng vừa phải và có nhiều lựa chọn cho khách hàng, giá cả vẫn giữ nguyên không biến động.

Ngoài thương hiệu “Made in Vietnam”, các cửa hàng có thương hiệu trong nước quen thuộc như Nem, Canifa, Blue Exchange… cũng khá đông khách. Trong đó, hàng Việt Nam chiếm 80 đến 90% lượng quần áo với giá cả hợp lý.

Nhiều cửa hàng đã có chương trình khuyến mại, giảm giá vì thời điểm giao mùa là cơ hội để các cửa hàng bày bán, thanh lý các mặt hàng quần áo từ năm trước với mức giá rẻ để có vốn nhập hàng mới về. Hầu hết các sản phẩm đều được giảm giá khoảng 40%.

Chị Trần Thị Thu, chủ một cửa hàng quần áo trên phố Bà Triệu cho biết, vào những ngày rét này, lượng quần áo bán ra tăng mạnh, trung bình tăng từ 50 - 100 chiếc áo rét.

“Thường vào những ngày rét đậm, cửa hàng bán được số lượng nhiều hơn. Cửa hàng luôn cập nhật xu hướng thời trang, mẫu mới và xu hướng mới về màu sắc để khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn. Giá bán quần áo năm nay nhìn chung ổn định, chênh lệch ít so với năm ngoái. Xu hướng người dùng năm nay thiên về quần áo dày và quần bò, áo nỉ”, chị Thu cho biết.

Trời lạnh, thị trường quần áo sôi động là vậy, nhưng tại nhiều cửa hàng và siêu thị điện máy, các mặt hàng chống rét như quạt sưởi, máy sưởi lại khá vắng khách. Tại một số siêu thị điện máy, cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Giảng Võ, Cầu Giấy... nhiều loại quạt sưởi trong nước sản xuất như Nagakawa, Komasu, Saiko, các loại quạt sưởi dầu, sưởi điện cao cấp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore với giá từ hơn 500.000 đến hơn 1 triệu đồng/chiếc, thời điểm này số lượng hàng bán được rất ít.

Thị trường máy sưởi năm nay phong phú về mẫu mã, chủng loại, xuất xứ. Nhiều nhất vẫn là sản phẩm đèn sưởi hồng ngoại lắp đặt trong nhà tắm với nhiều nhãn hiệu khác nhau như Kottmann, Hans, Braun… công nghệ Đức, Nhật…

Chị Phạm Thu Trang, chủ một cửa hàng bán đồ điện lạnh trên phố Hai Bà Trưng cho biết, thiết bị sưởi ấm mùa Đông năm nay cửa hàng chưa bán được hàng nhiều, thiết bị sưởi nhiệt có xu hướng chững lại từ mấy năm nay khi thời tiết lạnh không kéo dài.

Điểm đáng chú ý là đa số các sản phẩm hàng chống rét trên thị trường năm nay đều ít tăng giá so với năm trước. Tuy nhiên có sự chênh lệch giá cả giữa cùng 1 mặt hàng tại các cửa hàng, siêu thị khác nhau, đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến. Chính vì vậy, để tránh bị mua “hớ”, người tiêu dùng nên khảo sát giá cả, chất lượng sản phẩm trước khi mua./.

Nhiều ưu đãi trong Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2017
Hưởng ứng Tháng Khuyến mại Hà Nội 2017, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) - nhà tài trợ đồng của chương trình đã chuẩn bị nhiều chương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư