Thứ Ba, Ngày 22 tháng 07 năm 2025,
Trồng lúa phát thải thấp mở đường cho nông nghiệp xanh và thị trường carbon
Linh Nguyễn - 22/07/2025 15:34
 
Từ những cánh đồng lúa quen thuộc, nông dân bắt đầu làm quen với khái niệm “giảm phát thải” và “tín chỉ carbon”. Mỗi hạt gạo là biểu tượng cho nông nghiệp xanh, hiện đại và có trách nhiệm với khí hậu.

Trên cánh đồng Khó Ngoài, thôn Giang Triều (xã Ứng Hòa, Hà Nội), giữa cái nắng đầu tháng 7, những luống lúa được chăm sóc theo kỹ thuật hoàn toàn khác biệt so với cách canh tác truyền thống. Đây là nơi đang diễn ra thí điểm mô hình trồng lúa phát thải thấp gắn với tín chỉ carbon, một trong những bước đi đầu tiên của Hà Nội trong chiến lược nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Mô hình được UBND xã Ứng Hòa phối hợp triển khai cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội và Công ty TNHH Faeger Việt Nam với diện tích 0,3 ha. Kỹ thuật được áp dụng là tưới luân phiên khô - ướt (SRI - AWD), giúp giảm phát thải khí metan (CH4) và nitrous oxide (N2O), đây là hai loại khí nhà kính chính từ ruộng lúa. Mỗi tuần, mẫu khí được lấy một lần, liên tục từ tháng 6 đến tháng 10/2025 để đo đạc và đánh giá hiệu quả giảm phát thải.

Mô hình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính gắn với tín chỉ carbon tại xã Ứng Hoà, Hà Nội. Ảnh: Phùng Lương

Phương pháp tưới AWD (Alternate Wetting and Drying, xen kẽ khô và ngập nước) không mới trên thế giới, nhưng đang dần chứng minh hiệu quả vượt trội tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Kết hợp với mô hình canh tác lúa cải tiến SRI (System of Rice Intensification), kỹ thuật này cho phép cây lúa sinh trưởng tốt hơn, rễ khỏe hơn, đồng thời cắt giảm tới 30 - 40% lượng nước tưới.

Điều đáng nói, theo các chuyên gia Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, lượng khí metan sinh ra từ quá trình phân hủy yếm khí trong ruộng lúa ngập nước. Việc để ruộng khô có kiểm soát sẽ giúp giảm quá trình sinh khí này mà không làm ảnh hưởng đến năng suất.

Số liệu từ thuyết minh dự án tại Ứng Hòa cho thấy, phương pháp canh tác mới giúp giảm khoảng 10% lượng khí nhà kính phát thải, đồng thời tiết kiệm 30% chi phí đầu vào và tăng 50% tỷ suất lợi nhuận. Quan trọng hơn, nông dân có thể tiếp cận thị trường tín chỉ carbon. Cơ chế này đang được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, và gần đây bắt đầu mở rộng sang nông nghiệp.

Theo tính toán, nếu đạt chứng nhận quốc tế, tín chỉ carbon từ ruộng lúa có thể bán với giá 50 - 60 USD/tấn CO2. Công ty TNHH Faeger Việt Nam cam kết chia sẻ 40% doanh thu tín chỉ (tương đương 20 - 25 USD/tấn) cho nông dân và chính quyền địa phương, thanh toán hàng năm sau khi hoàn tất xác minh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện Công ty Faeger cho biết: “Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, chúng tôi đang cùng người nông dân khai phá một kênh tài chính mới từ chính hoạt động canh tác thân thiện môi trường. Nếu quy mô mở rộng, nguồn thu này sẽ trở thành nguồn lực tái đầu tư bền vững cho nông nghiệp xanh”.

Theo kế hoạch, nếu mô hình đạt hiệu quả, địa phương sẽ xây dựng lộ trình mở rộng quy mô ứng dụng, từng bước chuyển đổi vùng canh tác truyền thống sang mô hình phát thải thấp gắn với tín chỉ carbon. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Trong đó, nông nghiệp là ngành phát thải lớn thứ hai cả nước được xác định là lĩnh vực trọng điểm cần chuyển đổi.

Ông Nguyễn Tiến Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Ứng Hòa chia sẻ: “Ứng Hòa là vùng nông nghiệp trọng điểm của Thủ đô, nằm trong quy hoạch vành đai xanh, có nhiều tiềm năng canh tác. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, không thể tiếp tục chạy theo sản lượng. Mô hình này là bước thử nghiệm quan trọng, trước khi nhân rộng ra các cánh đồng lớn”.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sản xuất lúa chiếm khoảng 75 - 80% tổng lượng khí metan của toàn ngành nông nghiệp. Việc nhân rộng mô hình canh tác giảm phát thải, đặc biệt tại các vùng lúa lớn như Đồng bằng sông Hồng, có thể giúp hiện thực hóa các mục tiêu quốc gia về phát thải ròng.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đang thí điểm mô hình khử carbon trong rừng trồng, cà phê và tiêu bền vững, nhưng lĩnh vực lúa gạo vẫn còn mới. Nếu được chuẩn hóa và định danh sớm, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về xuất khẩu tín chỉ carbon từ nông nghiệp.

Dù mới chỉ bắt đầu trên diện tích nhỏ nhưng mô hình tại Ứng Hòa đang mang lại thông điệp lớn rằng nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ kỹ thuật mới, tham gia thị trường tín chỉ carbon và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Để mô hình nhân rộng, các chuyên gia đề xuất cần có chiến lược quốc gia về tín chỉ carbon trong nông nghiệp, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường phát thải, thiết lập hệ thống xác minh minh bạch và xây dựng cơ chế phân phối lợi ích công bằng giữa doanh nghiệp, nông dân và địa phương.

Nâng cao khả năng theo dõi lượng khí thải carbon trong các chuỗi cung ứng toàn cầu
GoNetZero, một tổ chức toàn cầu hỗ trợ khử cacbon trong lĩnh vực quản lý carbon và mua sắm năng lượng sạch, trân trọng thông báo thỏa thuận hợp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư