Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Trong tôi có hai người lính
Lã Quý Hưng - 27/07/2013 08:01
 
Công ty TNHH 27/7 Tiền Phong có được thành tích và vị thế như hôm nay, phần lớn nhờ vào thuyền trưởng, Giám đốc Hoàng Quốc Lập, một thương binh, cựu chiến binh. Trong anh có hình ảnh một người lính hơn 11 năm lăn lộn trên chiến trường ác liệt, đồng thời cũng là một chiến sĩ thời bình vật lộn với các điều kiện thử thách không kém phần khốc liệt của thương trường.
TIN LIÊN QUAN

Kỷ niệm chiến trường không thể nào quên

Sau hàng chục năm, vào những ngày tháng 7 này, Giám đốc Hoàng Quốc Lập mới nhận lời trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư để tâm sự về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường và những ngày tháng chống chọi trên thương trường.

Tháng 4/1972, mới 17 tuổi, chàng trai Lập đã xung phong vào bộ đội. Do thấp bé nhẹ cân, nên trước khi nhập ngũ, Lập được Đoàn thanh niên đưa đi “vỗ béo” cho đủ tiêu chuẩn.

Vào bộ đội, anh trở thành lính Trung đoàn 8, Quân khu III sau chuyển sang Trung đoàn 36 B, Sư đoàn 308, tăng cường cho mặt trận Quảng Trị.

Sau khóa huấn luyện, anh cùng đồng đội hành quân bộ từ Hải Phòng đến Hà Tây, tiếp xuống ga Phủ Lý.

Từ đó, cả đoàn đi tàu hỏa tới Gia Viễn (Ninh Bình), rồi tiếp tục hành quân bộ về đóng quân tại Nông Cống (Thanh Hóa). Sau 2 tháng, đơn vị anh lại tiếp tục hành quân vào Vĩnh Linh.

Anh được phiên chế sang Sư đoàn 341 thực hiện nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Bắc sông Bến Hải và tham gia đánh địch ở Quảng Trị, đúng theo kiểu “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”.

Tháng 12/1974, Hoàng Quốc Lập cùng sư đoàn 341 - “Quả đấm thép” của bộ đội ta được lệnh hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trận đầu, Trung đội trưởng Lập chỉ huy 36 chiến sĩ chiến đấu ở chốt quận Chơn Thành, Bình Dương. Trong trận này, anh bị mảnh đạn pháo cắt sát thái dương, may mắn vết thương không nặng.

Sau trận đánh, đơn vị anh được trang bị thêm súng 12 ly 7, một máy điện đàm thực hiện tác chiến độc lập bảo vệ phía Đông đường 13. Hoàng Quốc Lập còn nhớ, một ngày vào khoảng 8h sáng, thủy quân lục chiến địch cùng máy bay, pháo binh, hỏa lực mạnh tấn công hòng lấy lại chốt. Lập trực tiếp chỉ huy hỏa lực khẩu 12 ly 7. Dù tương quan lực lượng không cân sức, song với quyết tâm “còn người còn chốt”, cuối cùng, trung đội dưới sự chỉ huy của anh đã hoàn thành nhiệm vụ, tiêu diệt nhiều địch, bảo vệ chốt.

Với khí thế này vào những ngày cuối tháng 4/1975, Hoàng Quốc Lập tiếp tục cùng đơn vị tham gia đánh địch mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến đánh Chi khu Trảng Bom và giải phóng Tổng kho Long Bình. Sau ngày 30/4, anh làm nghiệp vụ quân quản tại quận 11, Thành phố Sài Gòn - Gia Định. Năm 1976, anh được về phép thăm nhà, rồi lại vào Nam tiếp tục làm nhiệm vụ.

Anh Lập kể lại: “Trong trận đánh Tổng kho Long Bình, anh cùng một đồng đội đang nằm hai bên, giữa là luống sắn tàu thì một quả đạn pháo rơi chính giữa. Rất may là quả pháo không nổ. Một buổi chiều, khi vừa nằm nghiêng người thì mảnh pháo chụp xuyên qua mái nhà rơi đúng chỗ anh nằm. Thư anh viết về nhà bị thất lạc, nên mẹ và gia đình còn nghe phong thanh có tin anh đã hy sinh. Thương con đau thắt ruột, nhưng là đảng viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, mẹ anh cắn răng không nói câu gì”.

Còn kỷ niệm chiến trường còn lưu lại của anh là bức ảnh khổ lớn (ghi lại giây phút ngày 30/4/1975, đơn vị anh trên những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 22 xe tăng, Quân đoàn 4 có mặt tại Dinh Độc Lập) mà anh đang treo ở vị trí trang trọng nhất trong phòng giám đốc.

Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam

Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Hoàng Quốc Lập lại cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 341 có mặt đầu tiên. Cuộc chiến đấu không kém phần ác liệt. Hơn 3 năm chiến đấu, Lập bị thương nhiều lần. Hiện trong bắp chân vẫn còn một mảnh đạn. Chính vì thế, nên trong chuyến sang Mỹ thăm con của mình, khi anh đi qua máy kiểm tra an ninh sân bay của Mỹ, tín hiệu báo phát hiện có kim loại kêu om lên. Anh phải giải thích mãi họ mới cho qua.

Kể đến đây, Lập xúc động nói: “Tôi không thể quên được bao đồng đội đã hy sinh. Chính tay tôi đã đưa vào bao ni lon xác Đại đội trưởng Nguyễn Cảnh Hồi- quê Đông Triều, Quảng Ninh. Anh được phát 1 bao thuốc, mới hút một điếu đã bị đạn địch thấu tim, máu đẫm cả bao thuốc lá Vàm Cỏ. Và còn biết bao câu chuyện đau buồn nữa mà không thể kể thành lời…”. Anh cũng tự hào, được chứng kiến 2 sự kiện, 2 thời khắc thiêng liêng của dân tộc: giải phóng Sài Gòn và giải phóng Phnom Penh, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Năm ngoái, anh cùng vợ con thăm chiến trường xưa, nghe kể lại những trận đánh trên cánh rừng thốt nốt, cả nhà ai cũng cảm phục tinh thần chiến đấu hy sinh của bộ đội tình nguyện Việt Nam năm xưa.

Chiến sĩ thời bình trên mặt trận kinh tế:

Giám đốc Hoàng Quốc Lập tâm sự, khó khăn nhất của đa số người lính sau chiến tranh là không có kinh nghiệm kinh doanh, trình độ văn hóa thấp và sức khỏe yếu. Như anh, năm 1983 ra quân trong tình trạng sức khỏe vừa là thương binh, vừa là bệnh binh. Anh bắt đầu học sơ cấp, trung cấp kế toán và về làm tại HTX Thương mại tổng hợp bến xe.

Năm 1988, Nhà nước xoá bỏ cơ chế bao cấp, anh phải bươn chải với cuộc sống, gặp gì làm nấy, miễn là có tiền nuôi con. Đến năm 1998, anh hợp tác cùng với một người bạn doanh nghiệp làm cung ứng vật tư cho công trình làm đường, san lấp mặt bằng. Thật buồn là toàn bộ số tiền hơn 500 triệu đồng (anh tích góp được sau nhiều năm) dồn vào vụ cung cấp vật tư cho công trình xây dựng Quốc lộ 10 đoạn qua Thái Bình, đến nay sau 10 năm vẫn chưa lấy lại được.

Anh Lập kể tiếp, tháng 3/2004, anh thành lập Công ty TNHH 27/7 Tiền Phong (trong đó có 4 thương binh, 9 con em của các cựu chiến binh đồng đội và đối tượng chính sách), với ngành nghề: thu gom rác thải xây dựng, san lấp, xây dựng công trình...

Sau 9 năm nhìn lại, Công ty TNHH 27/7 Tiền Phong đã vững vàng và khẳng định vị thế trên thương trường của những người thương binh làm kinh tế. Công ty đã tham gia xây dựng nhiều công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng, các khu đô thị, đường xá, cầu cống... Công trình do Công ty xây dựng luôn đảm bảo đúng tiến độ thời gian, chất lượng đạt tiêu chuẩn, khẳng định thương hiệu 27/7 Tiền Phong.

Hiện Công ty đang thi công một số công trình xây dựng; đang làm tổng thầu Dự án Nhà máy Nước phía Đông Thái Thụy do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, với nguồn vốn trên 100 tỷ đồng.

9 năm qua, doanh thu của Công ty năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân hàng năm 25 - 40 tỷ đồng, đóng góp ngân sách hàng năm trên 1 tỷ đồng, đảm bảo lương và các chế độ cho cán bộ, nhân viên Công ty. Ngoài ra, Công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, có thời điểm cao lên tới gần 1.000 người. Đến nay, Công ty đã có trụ sở khang trang, với vốn pháp định 21 tỷ đồng, với trang thiết bị xe, máy đủ năng lực thi công các công trình.

Được biết, Công ty 27/7 Tiền Phong còn là DN tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, như ủng hộ xây dựng Đài tưởng niệm của Sư đoàn 341; hàng năm, dành những phần quà ủng hộ cho các gia đình đồng đội còn gặp khó khăn, các đối tượng chính sách, quỹ nạn nhân chất độc gia cam, hội khuyến học…

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Giám đốc Lập cho biết, Công ty đã lập dự án xây dựng nhà máy nước trên diện tích 10.000 m2, tổng vốn đầu tư 52 tỷ đồng, phục vụ cho 30.0000 nhân khẩu 6 xã, khu công nghiệp của huyện Đông Hưng. Và ngày 18/7 vừa qua, dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư. Giám đốc Lập rất vui vì đây là dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch thiết thực phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương anh.

Trò chuyện với cựu chiến binh, giám đốc Hoàng Quốc Lập

Là một thương binh, bệnh binh, anh có suy nghĩ gì về ngày 27/7?

Đây là một ngày có ý nghĩa vô cùng to lớn. Vì thế, mà tôi lấy tên của Công ty là Công ty 27/7. Ngày này nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về cái giá phải trả bằng máu xương để giành được độc lập, tự do cho đất nước; về sự hy sinh vô giá của các anh hùng, liệt sĩ, các thương bệnh binh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các nạn nhân chất độc da cam… Từ đó, mỗi người đều phải cố gắng sống, lao động cho xứng đáng với những người đã khuất.

Là người lính, anh nghĩ gì về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, về đồng đội?

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là bản thiên anh hùng ca bất tử không sách bút nào có thể ghi chép, hay kể hết được. Trái tim tôi vẫn lưu giữ muôn vàn kỷ niệm về sự hy sinh của đồng đội. Tôi luôn luôn tự hào đã từng là lính của Sư đoàn 341, Đoàn bộ binh Sông Lam 2 lần Anh hùng.

Giờ đây, thương trường cũng khốc liệt không kém gì chiến trường ngày nào. Các năm tháng chiến đấu ở chiến trường đã cho anh những bài học gì có thể vận dụng trong cạnh tranh trên thương trường?

Chiến trường đã rèn luyên và hun đúc cho tôi ý chí, bản lĩnh, lòng dũng cảm và tinh thần không sợ khó, sợ khổ. Qua những năm lăn lộn ở chiến trường, tôi đã chiêm nghiệm và rút ra nhiều bài học bổ ích có thể vận dụng, như từ thế “Hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” chuyển thành “Rủi ro phân tán, lợi nhuận tập trung”, rồi doanh nghiệp phải chuyên sâu, nhưng cũng phải đa kênh...

Và để có được thành công hôm nay, tôi cũng đã phải trả giá nhiều.

Mục tiêu làm doanh nghiệp, làm giàu của anh là gì?

Sau khi đã giải phóng đất nước, đương nhiên người lính cũng phải tham gia xây dựng đất nước mạnh giàu. Từ đó, làm giàu chân chính cho mình, cho gia đình và cán bộ, nhân viên Công ty, đóng góp vào ngân sách nhà nước, có điều kiện tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư