Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Trung Quốc đang và sẽ làm gì với nhân dân tệ?
Chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn II với gói đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc và tăng lên 25% vào đầu năm 2019. Điều dư luận quan tâm lúc này là diễn biến của nhân dân tệ (NDT) sẽ như thế nào trong thời gian tới.

Để có cái nhìn khái quát toàn bộ diễn biến câu chuyện, chúng ta hãy quay ngược thời gian vào giữa tháng 6/2018, lúc cuộc chiến ở giai đoạn I khi Mỹ áp gói thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

1 USD đổi 7 NDT sẽ là lằn ranh đỏ của phá giá NDT?

Ngay những ngày đầu tháng 7/2018, khi NDT phá mốc 6,7 NDT đổi 1 USD, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phát tín hiệu khẳng định, đồng nội tệ vẫn ổn định do các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn vững mạnh. Bất chấp luận điểm này, ngày 20/7, Tổng thống Donald Trump lên Twitter khẳng định, Trung Quốc vẫn là quốc gia số một đang cố tình tiến hành thao túng tiền tệ (phá giá).

Trung Quốc không muốn các nhà đầu tư mất niềm tin vào NDT. Ảnh: S.T
Trung Quốc không muốn các nhà đầu tư mất niềm tin vào NDT. Ảnh: S.T

Cuối tháng 7, NDT phá mốc 6,7 NDT/USD và có xu hướng tiến đến mốc 6,8 NDT/USD, PBOC ngay lập tức sử dụng công cụ hoán đổi ngoại hối (FX swap) để chặn đứng đà giảm giá NDT. Chiến thuật này có hiệu quả ngay lập tức. Tỷ giá kỳ hạn NDT một năm sau lên giá 6,8064 NDT/USD, so với mức tỷ giá giao ngay hiện tại 6,8330 NDT/USD. Chính quyền phát tín hiệu cho thấy họ không chấp nhận việc NDT có thể bị phá giá sâu hơn nữa.

Dù vậy, NDT vẫn có xu hướng mất giá sau đó. Ngày 24/8, PBOC tái khởi động “công cụ phản chu kỳ” để ngăn chặn đà mất giá của NDT. Cho đến giờ, Trung Quốc vẫn chưa công bố bất kỳ chi tiết nào về nội hàm của công cụ phản chu kỳ, ngoại trừ các khuyến cáo rằng, họ sẽ không chấp nhận bất kỳ các hành vi đầu cơ một chiều (giá xuống) đối với NDT. Công cụ phản chu kỳ đã từng được áp dụng vào năm 2015.

Với các hành động liên tiếp trên, sau đó nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, Trung Quốc dường như không có ý định làm cho NDT giảm giá sâu thêm. Nhưng vấn đề là họ cũng không quyết liệt để làm điều này. Giới kinh doanh tiền tệ nhận định, 6,9 NDT đổi 1 USD có khả năng là mức giới hạn đỏ mà NDT không thể giảm sâu hơn.

NDT sẽ ra sao vào giai đoạn II của cuộc chiến thương mại?

Khởi đầu giai đoạn II cuộc chiến thương mại, Trung Quốc lập tức trả đũa bằng việc áp thuế ở 2 mức 5% và 10% lên hàng hóa Mỹ nhập vào nước này. Câu hỏi đặt ra: ngoài thuế quan, liệu họ có phản công mạnh hơn bằng vũ khí hóa NDT?

Những động thái mới nhất cho thấy, Trung Quốc dường như vẫn chưa muốn sử dụng vũ khí NDT. Chỉ vài giờ sau khi tuyên bố áp dụng biện pháp thuế trả đũa Mỹ, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Thiên Tân là họ sẽ không sử dụng NDT để cạnh tranh thương mại. Sau tuyên bố này, NDT vẫn ở mức 6,8535 NDT/USD.

Như vậy, cho đến thời điểm này, các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đều có những tuyên bố và hành động trong một chừng mực đủ để giới quan sát, nhất là Mỹ, không có cớ cho rằng, họ đang và sẽ có ý định vũ khí hóa NDT. Có hai yếu tố hỗ trợ cho nhận định này.

Thứ nhất, Trung Quốc không muốn các nhà đầu tư mất niềm tin vào NDT, vì điều này sẽ kích hoạt dòng vốn tháo chạy khỏi nước này như đã từng xảy ra vào năm 2015.

Thứ hai, cuộc chiến thương mại đang tạo ra cơ hội cho Trung Quốc quyết tâm tăng tốc quá trình quốc tế hóa NDT về đích sớm hơn. Giờ đây, các quốc gia đã bắt đầu nhận thấy việc sử dụng USD trong thanh toán quốc tế đang bị rủi ro cao hơn, nhất là với tính khí khó lường (và khó lượng) của Tổng thống Donald Trump. Một xu hướng chuyển dịch tự nhiên vì vậy sẽ diễn ra trong thanh toán quốc tế. Theo đó, các quốc gia sẽ đa dạng hóa thanh toán quốc tế bằng các đồng tiền mạnh khác, trong đó có NDT.

Trong bối cảnh này, không lý gì Trung Quốc lại hủy hoại thanh danh của NDT bằng việc phá giá sâu thêm. Nếu NDT phá mốc 6,9 hoặc 7 NDT/USD, cuộc chiến tiền tệ toàn cầu có lẽ chính thức khai hỏa.

Cho đến giờ, tất cả mọi thứ đều tùy thuộc vào cách thức mà Trung Quốc đáp trả. Bây giờ chúng ta giả dụ kịch bản xấu nhất có khả năng xảy ra là sau khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa (thậm chí bằng mọi cách), Mỹ sẽ kích hoạt ngay lập tức toàn bộ gói đánh thuế 25% lên 267 tỷ USD hàng hóa còn lại cuối cùng nhập từ Trung Quốc. Tức là toàn bộ kim ngạch hàng hóa xuất sang Mỹ đều bị đánh thuế cao.

NDT có thể vượt lằn ranh đỏ?

Cho đến giờ, một mặt từ các dòng chính, Chính phủ Trung Quốc vẫn liên tục phát tín hiệu không phá giá NDT thêm nữa. Nhưng mặt khác, ở các dòng phi chính thức, một số nhà kinh tế tên tuổi lại liên tục kêu gọi Chính phủ phải thực hiện các biện pháp tiền tệ và tài khóa quyết liệt hơn nữa để đối đầu với Mỹ. Có 3 trận tuyến mà họ sẽ dàn quân đồng đều trên toàn mặt trận.

Thứ nhất là nới lỏng tiền tệ mạnh hơn, thậm chí, nhiều nhà kinh tế uy tín còn nói thẳng là Bắc Kinh cần phải “in tiền” thêm nhiều hơn.

Thứ hai, họ còn kêu gọi Chính phủ Trung Quốc phải tăng cường chi tiêu tài khóa mạnh hơn, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích chính quyền địa phương phát hành trái phiếu nhiều hơn để đầu tư vào hạ tầng kích thích nền kinh tế (mặc dù chủ trương này hoàn toàn trái ngược với việc Chính phủ cam kết trước đó là họ đang trong quá trình giảm nợ toàn bộ nền kinh tế).

Át chủ bài cuối cùng, được xem như mạnh nhất và có hiệu lực nhanh nhất là Trung Quốc sẽ bán ào ạt khoảng 1.200 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ để gây rối loạn thị trường tài chính toàn cầu, cho dù với cách này, cả hai đều bị thiệt hại lớn. Họ sẽ tính toán mức độ để hành động này đủ làm cho NDT giảm giá đúng bằng các thiệt hại do việc Mỹ áp đặt thuế lên hàng hóa của Trung Quốc. Đây gọi là hành động phá giá có kiểm soát.

Tính khả thi của giải pháp cuối cùng đến đâu? Có 2 vấn đề cần được xem xét.

Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, phá giá có kiểm soát là một trong những công việc khó nhất mà các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể quản lý (các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng nên lưu ý vấn đề này). Giả dụ kịch bản xấu nhất là Trung Quốc sẽ bán từng phần, phần lớn hoặc toàn bộ trái phiếu chính phủ Mỹ thì điều gì sẽ đến?

Tác động lớn nhất là chúng sẽ làm cho nguồn cung trái phiếu chính phủ Mỹ (cú sốc) bất chợt tăng lên. Khi đó, mặt bằng giá của các tài sản có thu nhập cố định định danh bằng USD trên thị trường đồng loạt giảm. Giá trái phiếu sụt giảm làm cho lợi tức trái phiếu tăng, kéo theo mặt bằng lãi suất USD tăng lên. Chi phí vay mượn của khu vực hộ gia đình, doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ vì vậy cũng trở nên đắt đỏ hơn trước. Kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhiều khả năng là Trung Quốc phải trả giá đắt hơn Mỹ. Chiến thuật bán trái phiếu chính phủ Mỹ được GS. Reinhart của Trường Harvard Kennedy School nhận định “giống như một người tự chĩa súng vào đầu mình và nói với người khác rằng họ đang giữ một con tin”. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc cũng bị mất hàng tỷ USD do giá bán trái phiếu chính phủ Mỹ sụt giảm. Ngoài ra, có khả năng hành động này góp phần làm cho USD mất giá và hỗ trợ thêm nữa cho xuất khẩu của Mỹ.

Thứ hai, ngoài việc Trung Quốc đang nắm giữ 3.100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất hiện có vị thế tài sản nước ngoài ròng trên 500 tỷ USD và Công ty CIC (Quỹ Đầu tư chủ quyền thuộc sở hữu của chính phủ) đang nắm giữ 270 tỷ USD danh mục tài sản nước ngoài.

Ngoài ra, tổng khối nợ quốc gia của Trung Quốc hiện lên đến 1.500 tỷ USD. Với một vị thế tài sản nước ngoài và khoản nợ quốc gia quá lớn như thế, làm sao Trung Quốc có thể kiểm soát hết những kịch bản và tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nếu việc phá giá NDT vượt tầm kiểm soát.

Khi một kỹ thuật phá giá có kiểm soát, rất khó quản lý và đầy bất định mà nó vẫn được sử dụng thì cũng có nghĩa là Trung Quốc tự phát tín hiệu rằng mình đã hết cách. Lúc đó, kỳ vọng phá giá NDT sẽ đi vào vòng xoáy tự hủy diệt.

Những phân tích trên cho thấy, rất khó để vượt mốc 7 NDT đổi 1 USD. Ít nhất nhận định này có thể giữ vững từ nay đến cuối năm. Trong bối cảnh đó, từ người dân, doanh nghiệp cho đến các nhà hoạch định chính sách Việt Nam không nên bị xoáy quá mạnh vào yếu tố tâm lý NDT sắp bị phá giá như là một biến số chính để thiết lập các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang: Trung Quốc khó khăn khi cạn dư địa đánh thuế?
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đẩy lên mức căng thẳng mới sau khi hai bên tuyên bố đánh thuế đối với hàng nhập khẩu của nhau vào ngày 24/9...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư