Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Trung ương giao gần 250 tỷ đồng cho Đà Nẵng từ nguồn đầu tư công trung hạn
Hà Minh - 26/12/2019 08:20
 
Nguồn vốn trên thuộc Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 được bố trí cho 02 tiểu dự án: Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng) - Tiểu dự án 1 và Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh trú bão của âu thuyền Thọ Quang, khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của Đà Nẵng (Tiểu dự án 2).

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Quyết định số 2012/QĐ-BKHĐT về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 cho hai tiểu dự án: Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng) và dự án Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh trú bão của âu thuyền Thọ Quang, khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng. Đây là nguồn vốn thuộc Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 (Dự án) trên cơ sở Quyết định số 1802/QĐ-TTg ngày 13/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Sông Cổ Cò-tuyến du lịch đường sông cụ thể hóa sự liên kết giữa
Sông Cổ Cò-tuyến du lịch đường sông cụ thể hóa sự liên kết giữa Đà Nẵng-Quảng Nam

Theo quyết định số 2012/QĐ-BKHĐT và 1802/QĐ-TTg: nguồn vốn được giao cho hai tiểu dự án trên của Đà Nẵng là 245,704 tỷ đồng, trong đó, giao năm 2019 là 60 tỷ đồng; số còn lại là 185,704 tỷ đồng được giao trong kế hoạch vốn năm 2020 theo quy định hiện hành.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng thì hai tiểu dự án trên có tổng vốn đầu tư là 585,824 tỷ đồng, trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ 245,704 tỷ đồng và ngân sách thành phố là 340,12 tỷ đồng.

Đối với tiểu dự án 1 có vốn đầu tư là 486,123 tỷ đồng (Nạo, vét thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò qua địa phận Đà Nẵng) được giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án. Phần ngân sách trung ương trong dự án này là 146,003 tỷ đồng và số còn lại từ ngân sách thành phố là 340,120 tỷ đồng, trong đó một phần vốn ngân sách thành phố được bố trí từ nguồn thu hồi cát thuộc dự án theo chủ trương của UBND thành phố tại Công văn số 2261/UBND-SXD ngày 10/4/2019.

Tiểu dự án 2 có vốn đầu tư gần 100 tỉ đồng (Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh trú bão của âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng) được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm Chủ đầu tư kiêm quản lý dự án.

Việc Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí vốn cho Đà Nẵng thực hiện các dự án đã hỗ trợ đắc lực cho thành phố từng bước hoàn thành các chương trình, mục tiêu theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, giúp Đà Nẵng chủ động phòng, chống lụt bão, nước dâng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, góp phần bảo vệ và phát triển và cải tạo môi trường sinh thái.

Đồng thời, kết hợp giữa nhiệm vụ chống lụt, bão, lũ một cách chắc chắn, lâu dài với yêu cầu phục vụ khai thác tối đa tiềm năng khu vực, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo, góp phần hoàn thiện mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, đối với tiểu dự án 1 còn đảm bảo cải tạo cảnh quan khu vực, góp phần phát triển tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Hội An và đồng bộ với dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp, chống xâm thực nhập mặn sông Cổ Cò đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam và hiện thực hóa liên kết phát triển du lịch giữa Đà Nẵng-Quảng Nam hướng đến mục tiêu hình thành sản phẩm du lịch mới, đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa du lịch, một trong các trụ cột phát triển kinh tế của thành phố.

Trong khi đó, tiểu dự án 2 sẽ nâng công suất Âu thuyền Thọ Quang, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền các tỉnh miền Trung trong mùa mưa bão, nâng cao năng lực tiếp nhận, mở rộng giao thương thủy, hải sản, khai thác các dịch vụ, hậu cần nghề cá... đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, dự án khi đưa vào sử dụng năm 2021 sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tham gia một phần vào việc xử lý nước thải góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân xung quanh dự án và phù hợp với định hướng xây dựng Đà Nẵng theo tiêu chí thành phố môi trường.

Âu thuyền Thọ Quang sẽ được nâng công suất và cải thiện môi trường
Âu thuyền Thọ Quang sẽ được nâng công suất và cải thiện môi trường

Theo lý giải của Sở Kế hoạch-Đầu tư TP Đà Nẵng thì để có nguồn vốn bố trí cho hai tiểu dự án, các đơn vị liên quan đã tốn khá nhiều thời gian trong việc thực hiện và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

“Trước đây Dự án có tên đầu tư là Đê kè Mân Quang (đoạn nối tiếp đê kè Bạch Đằng Đông). Thực hiện chủ trương của thành phố và Trung ương, Tiểu dự án nạo, vét thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng) được chấp thuận, bổ sung để thay thế cho Tiểu dự án Đê kè Mân Quang (đoạn nối tiếp đê kè Bạch Đằng Đông). Dự án cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm bổ sung vào Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh”.

Trên cơ sở chỉ đạo của các cấp, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, phối hợp các đơn vị có liên quan của Trung ương và địa phương để hoàn thành thủ tục đầu tư Dự án theo quy định. Dự án cũng đã được Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ra Nghị quyết số 226/NQ-HĐND ngày 17/5/2019 và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt dự án đầu tư theo Quyết định số 5020/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 và đã được bố trí vốn triển khai thực hiện.

Dự án khơi thông sông Cổ Cò: Lo ngại xâm nhập mặn vào sâu đất liền
Dự án khơi thông sông Cổ Cò khiến xâm nhập mặn diễn ra mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thị xã Điện Bàn (tỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư