Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Trước khi Gapo ra mắt, nhiều mạng xã hội Việt dính cảnh "mới khai sinh đã khai tử"
Hữu Tuấn - 30/07/2019 15:35
 
Hàng loạt mạng xã hội Việt Nam với tham vọng cạnh tranh với Facebook, Twitter, Instagram… đã đuối dần đều sau khi ra mắt.
Ngày đầu tiên ra mắt mạng xã hội Gapo đã gặp phải tình trạng truy cập quá lớn khiến nhiều người không thể đăng ký sử dụng
Ngày đầu tiên ra mắt mạng xã hội Gapo đã gặp phải tình trạng truy cập quá lớn khiến nhiều người không thể đăng ký sử dụng

Đua nhau cung cấp mạng xã hội…

Chỉ trong vòng 2 tháng, 2 mạng xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam liên tiếp ra mắt. Tháng 6/2019, Hahalolo trình làng đã tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook, đạt 2 tỷ người dùng vào năm 2024 và lên sàn chứng khoán tại Mỹ vào năm 2025. Mới đây, ngày 23/7, Gapo ra mắt, cho biết quỹ G-Captital đầu tư dự kiến lên đến 500 tỷ đồng, tương đương 21,5 triệu USD, đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt 50 triệu người dùng. Trước đó, tháng 8/2018, mạng xã hội BizTime ra mắt và tuyên bố đã có khoảng 100.000 người sử dụng thường xuyên…

Chưa hết, một ông lớn khác là VCCorp đang xây dựng một mạng xã hội riêng, với sự đầu tư khá lớn đến từ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Dự kiến, cuối năm 2019, mạng xã hội này sẽ chính thức ra mắt.

Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho viết, đến thời điểm hiện tại đã có 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép, trong đó cấp mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép. Tính đến hết tháng 6/2019, Facebook công bố số lượng người dùng mạng xã hội này hàng tháng tại Việt Nam khoảng 60 - 65 triệu người. Trong khi đó, số lượng người dùng của các mạng xã hội Việt Nam kém hơn rất nhiều. Zalo, một ứng dụng OTT hoạt động tương tự mạng xã hội, có số lượng người dùng hàng tháng vào khoảng 46,7 triệu. Còn Mocha, có số lượng người dùng  hàng tháng vào khoảng 4,8 triệu.

Số mạng xã hội có tên tuổi, có lượng người dùng vượt trên 1 triệu, hiện chỉ mới có Zalo, Mocha, còn lại các mạng xã hội nhỏ “vô danh” thì nhiều không đếm xuể.

Và chết như ngả rạ

Tầm Tay là mạng xã hội đầu tiên được cấp phép vào năm 2007, “mở màn” cho làn sóng xây dựng mạng xã hội tại Việt Nam. Nhưng 11 năm sau, đầu năm 2018, Tầm Tay chính thức “khai tử”, dừng hoạt động. 

Năm 2008, Yume.vn ra đời cũng thu hút sự chú ý của người dùng, tạo ra một thế hệ blogger đầu tiên. Cả 2 mạng xã hội này đều nhằm thay thế cho nền tảng Yahoo!360 của Yahoo sau khi họ tuyên bố đóng cửa nền tảng này.

Năm 2009, Facebook bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam và từ đó, mạng xã hội Việt Nam gần như “mới khai sinh đã khai tử”.

ZingMe của VNG, Go.vn của VTC là những cái tên đáng chú ý nhất lúc đó, được hậu thuẫn và đầu tư nguồn lực mạnh mẽ của các doanh nghiệp vừa có nền tảng công nghệ tốt, vừa có tài chính hùng hậu.

Phần lớn các mạng xã hội đều không thành công, không thể đua tranh nổi với Facebook. Có nhiều lý do chính khiến mạng xã hội Việt sớm èo uột và thậm chí khai tử là nền tảng công nghệ thua kém, thiếu sáng tạo trong nội dung và tài chính không đủ để đầu tư. Cùng với đó là cơ chế thiếu bình đẳng “bảo hộ ngược” cho các doanh nghiệp xuyên biên giới như Facebook, Google, trong khi lại kiểm soát chặt chẽ, kìm hãm sự phát triển của mạng xã hội Việt. Chính vì vậy, dù có hàng trăm mạng xã hội ra đời, nhưng đã lâm vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” nhanh chóng bị quên lãng.

“Cửa sống” cho mạng xã hội Việt

Doanh nghiệp Việt muốn thành công, đừng cạnh tranh với “quái vật” Facebook, bởi đó là một nền tảng ưu việt về công nghệ, giàu vô đối về tài chính và có quyền lực vô hình khắp thế giới. Tuy nhiên, điểm mạnh và cũng là điểm yếu của Facebook là một nền tảng dùng chung cho tất cả mọi người, cả thế giới. Bởi thế, “khe cửa hẹp” cho các mạng xã hội Việt là xây dựng những mạng chuyên biệt cho mình như mạng xã hội chuyên về sức khỏe, thể thao, du lịch, mua sắm…

“Khe cửa hẹp” cho các mạng xã hội Việt là xây dựng những mạng chuyên biệt như mạng xã hội chuyên về sức khỏe, thể thao, du lịch, mua sắm…

Mặt khác, công nghệ luôn có vòng đời của nó. Theo ông Nguyễn Huy Dũng, quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), theo xu hướng phát triển của công nghệ thì Facebook và các mạng xã hội sẽ không thoát khỏi vòng luân hồi “sinh, lão, bệnh, tử”, không có một công nghệ nào có thể sống mãi, mà luôn có những công nghệ mới, thay thế cho những công nghệ cũ. Giống như Yahoo đã bị khai tử khi mà mạng xã hội phát triển, Facebook hiện trong giai đoạn thoái trào.

“Nhiều nhu cầu thông tin của người Việt Nam, Facebook chưa đáp ứng được. Do đó, mục đích của Nhà nước là tạo ra một mạng xã hội Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin tốt hơn của người dân Việt Nam, cung cấp những thông tin lành mạnh, thông tin có ích”, ông Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp nhận định, các doanh nghiệp nội dung số trong nước vẫn có cơ hội giành lại thị trường, giành lại chủ quyền thông tin từ nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Bởi vì, các nền tảng nước ngoài tuy mạnh và độc quyền, nhưng vì đặc trưng của họ chỉ là phân phối mà không có sản xuất nội dung, nên các nhà sản xuất nội dung Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lấy lại chủ quyền thông tin. Nếu các bên có nội dung mạnh thì có thể đàm phán và chiếm lợi thế.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, định hướng phát triển các mạng xã hội Việt Nam là phải có cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook. Mô hình mạng xã hội mới là giá trị tạo ra của người dùng phải được chia sẻ, luật chơi phải có sự tham gia của khách hàng.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng để mạng xã hội Việt không “đầu voi đuôi chuột” chết yểu được nhiều doanh nghiệp Việt đề xuất là cơ chế chính sách. Họ mong muốn chính sách dành cho doanh nghiệp nội dung số không bị trói chân tay, bị nhiều rào cản khi cạnh tranh với mạng xã hội xuyên biên giới.

Việt Nam cần mạng xã hội đủ sức thay thế Facebook
Sự cố Facebook gặp trục trặc khiến khoảng 60 triệu tài khoản tại Việt Nam lúng túng đã đặt ra sự cấp thiết phải có mạng xã hội riêng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư