Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Từ "cổ phiếu quốc dân" đến "doanh nghiệp quốc dân: Hòa Phát và khát vọng dựng xây đất nước
Thanh Hương - 01/05/2025 11:22
 
Từ danh hiệu “cổ phiếu quốc dân” với số lượng cổ đông lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, giờ đây Tập đoàn Hòa Phát đang vươn mình trở thành “doanh nghiệp quốc dân” - mang trong mình sứ mệnh góp sức xây dựng tương lai đất nước.

Khát khao bứt phá

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long chia sẻ về một bước ngoặt mới, Nhà máy sản xuất thép ray - nền tảng cho dự án đường sắt tốc độ cao, sẽ được khởi công tại Dung Quất vào quý 2 và ra mắt sản phẩm đầu tiên vào tháng 5/2027.

Toàn cảnh khu liên hợp gang thép Dung Quất Hòa Phát.

Việc "chốt sổ" đặt nhà máy tại Dung Quất, thay vì Phú Yên như dự kiến trước đây, cho thấy sự quyết đoán của Hòa Phát trong việc tận dụng hạ tầng có sẵn, rút ngắn thời gian triển khai, sẵn sàng đồng hành cùng những dự án trọng điểm quốc gia.

Trước thời điểm công bố này, Hòa Phát đã ký kết với Tập đoàn Primetals hợp đồng cung cấp dây chuyền đúc và cán thép hiện đại, công suất 500.000 tấn/năm.

Theo kế hoạch, dây chuyền cán dự kiến sẽ cung cấp những sản phẩm đầu tiên vào quý 3/2026 và dây chuyền đúc sẽ được đưa vào vận hành vào quý 4/2026.

Đặc biệt, dây chuyền tích hợp dự chờ cho module đúc phôi khổ lớn để sản xuất thép đường ray (bloom), và phôi beam blank để sản xuất các loại thép hình đến 800 mm phục vụ ngành kết cấu thép.

Dự kiến, những thanh ray đầu tiên sẽ chính thức lăn bánh khỏi dây chuyền từ tháng 5/2027, mở ra kỳ vọng hiện thực hóa đường sắt tốc độ cao “made in Vietnam”.

Cạnh mong muốn góp sức người, sức của tại Dự án đường sắt tốc độ cao, Hoà Phát cũng kỳ vọng sẽ hiện diện tại nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông khi hàng loạt các dự án đầu tư công được triển khai trong lĩnh vực hạ tầng hiện nay.

Sản xuất gang thép tại Dung Quất.

Để hiện thực hoá kế hoạch này, Hòa Phát cũng đã ký hợp đồng với tập đoàn MFL Group (Italy) - nhà cung cấp thiết bị sản xuất cáp thép dự ứng lực (PC Strand) lớn nhất thế giới nhằm đầu tư nâng gấp đôi công suất thép dự ứng lực. Đây cũng là vật liệu chiến lược cho các dự án hạ tầng như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hay Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ông Trần Đình Long cũng hào hứng cho hay, tại cuộc họp tháng 9/2024 do Thủ tướng chủ trì, Hòa Phát đã được giao nhiệm vụ sản xuất đường ray, dù đây là lĩnh vực “chưa từng có tiền lệ” tại Việt Nam.

Với tinh thần "nói được làm được", ông Long cam kết “tất cả các loại thép cho đường sắt từ nền trở xuống, Hòa Phát đều có thể sản xuất”.

Dự án thanh ray thép, quy mô đầu tư 14.000 tỷ đồng, sẽ dự kiến được khởi động ngay trong quý 2/2025 tại Dung Quất – Quảng Ngãi, song hành với việc hoàn thiện Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 - nền móng cho những tham vọng lớn lao.

Tổng giám đốc Hòa Phát: “Chúng tôi làm đường sắt vì trách nhiệm, không đặt nặng lợi nhuận”
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, với các dự án kinh doanh thông thường, bài toán hiệu quả tài chính luôn đặt lên hàng đầu.

Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng.

Tuy nhiên, đối với đường sắt tốc độ cao - dự án trọng điểm quốc gia - Hòa Phát xác định sứ mệnh tiên phong mới là ưu tiên số 1.
“Nếu giờ còn chờ, sẽ không kịp. Làm nhanh nhất cũng mất 20-22 tháng mới có sản phẩm. Chúng tôi phải bắt tay ngay,” ông Thắng nhấn mạnh.
Dù chưa biết mức giá cụ thể do cơ chế còn phụ thuộc vào Nhà nước quyết định nhưng Hòa Phát vẫn tự tin rằng, sản phẩm thép ray “made by Hòa Phát” sẽ có giá cạnh tranh và chất lượng vượt trội.
“Chính phủ đã khẳng định vai trò then chốt của kinh tế tư nhân. Chắc chắn Chính phủ sẽ có các cơ chế mua bán phù hợp để doanh nghiệp phát triển tốt. Hòa Phát tham gia với tinh thần tự tin và đầy khát vọng,” ông Thắng quả quyết.
 

"Doanh nghiệp quốc dân" trong trái tim người Việt

Sở hữu tới 194.000 cổ đông, Hòa Phát không chỉ là cái tên "hot" nhất sàn chứng khoán, mà còn là một biểu tượng niềm tin về một doanh nghiệp Việt lớn mạnh, tử tế và cống hiến.

Không chỉ ghi dấu trong lòng cổ đông, Hòa Phát còn được giới quản lý Nhà nước đánh giá cao. Trong chuyến thăm đầu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự khâm phục khi chứng kiến những thành tựu Hòa Phát đạt được tại Dung Quất chỉ trong vài năm ngắn ngủi.

Sản xuất thép tại Dung Quất.

Chỉ tính riêng ở Khu kinh tế Dung Quất, sau 8 năm hiện diện, Hòa Phát đã sản xuất hơn 25 triệu tấn thép, đóng góp gần 35.000 tỷ đồng vào ngân sách, tạo việc làm cho trên 17.000 lao động trực tiếp (hơn 80% là người địa phương), và hỗ trợ hàng chục nghìn lao động trong hệ sinh thái đối tác.

Khi Khu liên hợp Dung Quất 2 hoàn thiện, Hòa Phát sẽ nâng năng lực sản xuất thép lên hơn 14 triệu tấn/năm - bước tiến đưa doanh nghiệp tiến sát Top 30 tập đoàn thép lớn nhất thế giới.

Hiện tại, Hòa Phát đã là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam và nằm trong Top 50 thế giới, xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thành quả này là kết tinh của chiến lược phòng thủ chắc chắn, vận hành bài bản, cùng tinh thần vững vàng trước mọi biến động kinh tế toàn cầu.

Bất chấp những thách thức phía trước, ban lãnh đạo Hòa Phát tự tin cam kết mức tăng trưởng không dưới 15% mỗi năm từ nay tới năm 2030. Một lời hứa không chỉ dựa trên lạc quan, mà còn trên nội lực mạnh mẽ và sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tỷ phú Trần Đình Long cam kết thép đường ray cao tốc Hoà Phát thấp hơn nhập khẩu
Ủng hộ chủ trương làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cam kết, đảm bảo giá cạnh tranh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư