Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tư duy mới của giới đầu tư tại miền Trung
Ngọc Tân - 14/06/2016 20:24
 
Không đi theo tư duy bất chấp lợi nhuận, mà phải nhất quyết tạo ra được sản phẩm từ một quy trình công nghệ hiện đại, đảm bảo yếu tố môi trường, đó là ý thức hệ của những nhà đầu tư mới tại miền Trung.

Thay đổi ý thức

Thời gian qua, các địa phương tại miền Trung đã có thay đổi trong định hướng thu hút dự án đầu tư. Các dự án lớn nhưng không được đảm bảo môi trường không còn được ưu ái, mà chỉ những dự án được đầu tư bài bản, nghiêm túc về công nghệ, kiểm soát được tối đa tác động môi trường mới được chú trọng.

Với định hướng này, các nhà đầu tư cũng có những suy nghĩ tích cực hơn trong sản xuất, kinh doanh. Thay vì chú tâm vào những sản phẩm nhanh chóng thu lại vốn, họ chuyển sang chú trọng việc tạo ra sản phẩm có tác động tích cực đối với môi trường để xây dựng thương hiệu, uy tín cho doanh nghiệp.

Đầu tư công nghệ hiện đại là biện pháp đang được các nhà đầu tư tại miền Trung sử dụng để giảm thiểu những tác động về môi trường.
Đầu tư công nghệ hiện đại là biện pháp đang được các nhà đầu tư tại miền Trung sử dụng để giảm thiểu những tác động về môi trường.

Ông Đặng Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ - Điện - Môi trường Lilama (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) cho biết: “Năm 2007, Tổng công ty Lilama đang lắp ráp hệ thống máy cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trong quá trình thực hiện, nhận thấy chất thải công nghiệp, chất thải rắn, chất thải nguy hại là vấn đề rất nhức nhối cho địa phương, chúng tôi đã xin đầu tư nhà máy xử lý chất thải để giải quyết tình hình này. Ngoài ra, khi đi vào hoạt động, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng sẽ cần tới một nhà máy xử lý chất thải đi kèm, vì thế nhà máy này ra đời cũng để phục vụ cả Nhà máy Lọc dầu Dung Quất”.

Theo ông Lê Quang Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lộc Thiên Phú Quảng Trị (chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất viên năng lượng tái tạo Phát Đạt tại Cụm công nghiệp Hải Lăng - Quảng Trị), khi Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khối lượng lớn keo lai, tràm cho nông dân, giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định.

“Hiện các nhà máy nhiệt điện ở các nước đã chuyển sang sử dụng viên nén năng lượng thay cho nhiên liệu than đá nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, chúng tôi quyết tâm phải làm cho được sản phẩm này”, ông Hoà nói và phân tích, so với than đá, ưu điểm của viên nén năng lượng tái tạo là sử dụng tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào bao gồm phần thân, cây, lá, cành rễ, vỏ cây của các loại keo lai, tràm; khi cháy ở nhiệt độ 4.500 độ C, thì không tạo ra các-bon như đối với than đá, nên không gây ô nhiễm môi trường.

Về phần mình, ông Võ Hoàng Thông, Giám đốc Công ty TNHH Bê tông Phan Vũ Quảng Bình (Khu công nghiệp Hòn La - Quảng Bình - đơn vị chuyên sản xuất cọc bê tông) cho rằng, hiện nay, hệ thống dây chuyền công nghệ cao, hiện đại, kiểm soát được nguồn chất thải đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất - kinh doanh, bởi đây là yếu tố chính quyết định đầu ra cho một sản phẩm có chất lượng được thị trường chấp nhận.

Rất cần sự hỗ trợ

Theo ông Võ Hoàng Thông, kể từ ngày Công ty TNHH Bê tông Phan Vũ có mặt tại tỉnh Quảng Bình (năm 2013), Công ty đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiệt tình từ Ban Quản lý các khu kinh tế cũng như lãnh đạo địa phương. “Doanh nghiệp đầu tư rất tốn kém vào cơ sở hạ tầng, máy móc công nghệ, nên trong thời gian đầu, việc kinh doanh sản xuất chưa có lãi. Lúc này, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp là rất quan trọng, vì không chỉ gỡ khó cho doanh nghiệp, mà còn tạo động lực, niềm tin để doanh nghiệp an tâm sản xuất lâu dài”, ông Thông nói.

Ông Lê Quang Hòa cho biết, thời gian đầu, công đoạn xin giấy phép đầu tư đối với dự án sản xuất viên nén năng lượng của Công ty cổ phần Lộc Thiên Phú Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gỗ dăm tại địa phương có ý làm “khó”, tạo sức ép để Công ty không xin được giấy phép. Họ lo sợ sản phẩm gỗ dăm không thể cạnh tranh được với viên nén năng lượng tái tạo. Tuy vậy, hướng đi mới này của ông Hoà đã nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Công ty đã xin được giấy phép đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất viên năng lượng tái tạo Phát Đạt.

Theo ông Hoà, để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn đối với việc quyết định đầu tư các dự án công nghiệp sạch, thì vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng là rất quan trọng. “Các ngân hàng hãy cùng hợp tác với những doanh nghiệp như chúng tôi. Một bên cung cấp vốn thì một bên có thể yên tâm ổn định sản xuất. Chúng tôi có lợi nhuận thì sẽ tạo được công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương”, ông Hoà góp ý.

Liên quan đến vấn đề vốn, ông Đặng Văn Sỹ cho rằng, các dự án lựa chọn đầu tư công nghệ cao thường có thời gian thu hồi vốn dài, nhất là đối với lĩnh vực môi trường. Do vậy, để tạo chuyển biến trong đầu tư, Nhà nước cần phải tăng chi ngân sách cho lĩnh vực môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, có cơ chế hỗ trợ đối với các doanh nghiệp về vốn vay, tư vấn công nghệ… “Nhà nước phải làm sao tạo ra được sự an tâm cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có thể mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ môi trường”, ông Sỹ cho biết.

Ý kiến - nhận định:

Đòi hỏi công nghệ sản xuất phải hiện đại
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được trang bị phòng thí nghiệm rất hiện đại, với nhiều trang thiết bị tiên tiến nhất trong lĩnh vực khâu sau dầu khí để đảm bảo chất lượng các chủng loại sản phẩm làm ra đáp ứng các tiêu chí về môi trường của thế giới. Phòng Thí nghiệm có thể thực hiện được tất cả các phép thử cho toàn bộ sản phẩm lọc hóa dầu của Nhà máy.

Cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu ngày càng khốc liệt đòi hỏi BSR phải liên tục nâng cao chất lượng để duy trì sức cạnh tranh. Thông thường, đối với một nhà máy lọc dầu, việc thay đổi chỉ tiêu chất lượng sản phẩm đòi hỏi phải thay đổi cấu hình công nghệ, yêu cầu thời gian thực hiện dài từ 3 đến 7 năm.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng. Theo đó, sau khi hoàn thành dự án này vào cuối năm 2021, các sản phẩm xăng dầu của Nhà máy sẽ hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng EURO 5.

Đầu tư bất động sản phải gắn liền với bảo vệ môi trường
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng

Lâu nay, chúng ta quen nghĩ rằng, những dự án thân thiện với môi trường sẽ có mật độ cây xanh cao. Song có những yếu tố rất nhỏ cũng có thể tác động lớn đến môi trường, như đầu tư thiết bị xử lý nước thải để tận dụng nguồn nước ấy trong sinh hoạt; biến rác thải thành rác hữu cơ để tận dụng trong chăm sóc cây xanh...

Những dự án thân thiện với môi trường cũng có thể bắt đầu từ những hạng mục nhỏ như thay thế hệ thống đèn chiếu sáng từ dây đốt qua hệ thống đèn led để tiết kiệm năng lượng… Nhưng ở Đà Nẵng rất ít đơn vị làm được việc đó, một phần do kinh phí đầu tư lớn, một phần do... không chịu làm. Tương lai, khi cấp phép những dự án bất động sản nghỉ dưỡng, TP. Đà Nẵng cần đặc biệt quan tâm đến những yếu tố này.

Tại Furama Resort Đà Nẵng, việc xử lý nước thải luôn được chú trọng để đạt các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, hệ thống xử lý quá tải, nên chúng tôi đang đầu tư thêm khoảng 1 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống, đảm bảo có nguồn nước đầu ra an toàn.

Phát triển năng lượng sạch là xu hướng chung của thế giới
Ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân

Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đầu tư khai thác năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, Thiên Tân cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới là hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mà sạch thực sự. Tuy nhiên, để phát triển được các dự án này, ngay bây giờ, Nhà nước cần quy định giá bán điện để các doanh nghiệp có cơ sở tính toán đầu tư sao cho hiệu quả.

Còn với các địa phương, phải có cơ chế đặc thù cho loại hình đầu tư này, bởi những dự án này khi được xây dựng không ảnh hưởng đến dân sinh, không di dời dân, không giải tỏa, đền bù, vì vị trí lắp đặt thiết bị sản sinh ra điện năng có thể ở bất cứ đâu (trên mái nhà, các nhà máy, khu công nghiệp, trên núi đá...), nhưng đem lại hiệu quả rõ ràng.

Không những vậy, với lợi thế đi sau, việc thừa hưởng sự phát triển công nghệ từng ngày đổi thay trên thế giới sẽ kéo theo giá thành của thiết bị giảm, đem đến cho các nhà đầu tư lợi nhuận khi đầu ra ngày càng cạnh tranh hơn.

Phú Yên quyết cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh
Ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cho rằng, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Phú Yên năm 2015 thấp là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư