Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Tự hào người lính đặc công nước ba lần đánh chìm tàu địch
Dương Ngân - 01/05/2024 09:12
 
Ba lần ra khơi đánh tàu địch với những chiến công vang dội, người lính đặc công nước Đinh Đức Bình giờ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng tinh thần người lính cụ Hồ thì chưa bao giờ nhạt phai.
TIN LIÊN QUAN
Chiến sỹ đặc công Đinh Đức Bình 3 lần được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai vì thành tích đánh chìm tàu địch

Nhọc nhằn người lính đặc công nước

Có duyên được gặp người cựu chiến binh Đinh Đức Bình (xã Giao Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) và lắng nghe câu chuyện của người lính đặc công nước, tôi vô cùng cảm phục trước sự vất vả, hy sinh của thế hệ cha anh.

Khuôn mặt rắn rỏi, ánh mắt kiên định qua năm tháng không hề mất đi của người lính đặc công nhiều lần đánh chìm tàu địch, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc khiến bất kỳ ai gặp cũng cảm thấy yêu mến và quý trọng.

Nhớ lại tuổi trẻ, người cựu chiến binh vẫn không quên được cảm giác sung sướng, hồi hộp khi có tên trong danh sách xếp bút nghiên lên đường ra trận vào tháng 12/1970.

Đơn vị đầu tiên tiếp nhận chàng lính tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu khi ấy là Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng). Là lính đặc công nước trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, người lính trẻ và đồng đội được huấn luyện với những bài tập khắc nghiệt nhất, như tập trung rèn luyện khả năng chịu đựng sóng, gió, đến khi đạt yêu cầu mới thực hành kỹ năng bơi, lặn trên biển.

Tiếp đó là giai đoạn huấn luyện chuyên ngành, được bắt đầu từ huấn luyện ven bờ, nơi lặng sóng, độ sâu ít, đến huấn luyện xa bờ, tăng độ sâu, nơi sóng lớn, bám đuổi tàu thuyền. Cứ thế, người lính đặc công nước được tích lũy trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm bơi, lặn ở nhiều độ sâu khác nhau.

Sau một năm, Đinh Đức Bình được phân công tới đơn vị mới là Tiểu đoàn 471, Mặt trận 44 Quảng Đà.

Đến nay, đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng người lính đặc công nước vẫn chưa quên được những năm tháng huấn luyện vất vả trên thao trường ở mặt trận Quảng Đà. Đó là những lúc để mình trần ngâm bùn trong đêm giá rét, những lần tập bơi vài chục km từ đảo Sơn Trà về đèo Hải Vân và ngược lại, từ sáng sớm đến chiều tối.

Với lính đặc công nước, khó nhất là việc tập ống thở và đi dưới nước. Ống thở được làm bằng nhựa, được các chiến sỹ đặc công ngậm vào miệng để hít thở không khí khi vận động dưới nước. Điều quan trọng và khó khăn nhất khi đi dưới nước là phải giữ được thăng bằng, không được nhấp nhô thân mình, chỉ để ống thở nhô lên mặt nước chừng vài xăng-ti-mét. Vì nếu nhấp nhô khi di chuyển, chiếc ống thở nhô cao lên trên mặt nước sẽ dễ bị địch phát hiện; nếu để ống thở chìm hoàn toàn dưới mặt nước sẽ bị sặc nước và tình huống này cũng nguy hiểm không kém.

Bên cạnh đó, lính đặc công nước phải nắm vững nguyên tắc cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các loại phương tiện hàng hải, học cách trở thành  ngư dân, biết cách quăng chài, giăng lưới, nắm vững cách sơ cấp cứu trong tình huống bị thương.

Hành trình vẻ vang trên biển

Sau khi được trang bị những kỹ thuật khó nhất của lính đặc công, Đinh Đức Bình được cử đi đánh chìm tàu địch tại bán đảo Sơn Trà. Trận đánh đầu tiên và nhiều khó khăn là trận đánh ngày 28/4/1974.

Cùng với một thành viên khác, Đinh Đức Bình nhận nhiệm vụ đi đánh chìm tàu địch. Hai chiến sỹ đặc công nước tập kết ở chân đèo Hải Vân và sau đó bơi sang bán đảo Sơn Trà với khoảng cách 20 km để nhận vũ khí.

Sau khi nhận vũ khí, họ được tổ bám đường đưa đến chân đèo Hải Vân tập kết, để tối hôm sau bơi sang bán đảo Sơn Trà với khoảng cách 20 km và nằm chờ tàu địch. Các anh phải chờ mòn mỏi trong 5 ngày và sang ngày thứ 6 thì tàu địch cập cảng.

Ngay lập tức, họ chuẩn bị tác chiến. Khi lắp ngòi nổ vào mìn, kiểm tra ngòi nổ xem có nghi vấn gì không thì phát hiện kim hỏa sa (ngòi nổ) đã bị phát nhầm, thời gian đánh tàu chỉ vỏn vẹn 15 phút từ lúc châm ngòi nổ để thoát thân, thay vì 30 phút như thông thường; cả quá trình đánh tàu chỉ có 30 phút, thay cho 1 tiếng như kế hoạch.

Tình huống khi đó khó khăn muôn phần vì tổ chiến đấu chỉ có 2 người, không thể bơi quay về để đổi kim hỏa sa, cũng không thể xin chỉ đạo của lãnh đạo. Không còn cách nào khác, Đinh Đức Bình quyết tâm cùng đồng đội đánh cảm tử, sẵn sàng chấp nhận hy sinh.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, người lính trẻ lóe lên cách làm sáng tạo là rút ngắn thời gian đặt ngòi nổ bằng cách chặt 3 que rừng nẹp cố định hai quả mìn, cách nhau 50 cm. Như vậy, thay bằng phải đặt mìn hai lần với hai quả riêng rẽ, thì chỉ cần đặt một lần với sức công phá ngang nhau, giảm thời gian, tăng cơ hội sống cho người lính đặc công.

Nhớ lại lúc đó, bác Bình kể rằng, tàu địch nằm cách điểm tập kết 7 km, thời gian bơi mất 3,5 tiếng đồng hồ, xuất phát từ lúc 5 giờ chiều đến 8 giờ tối ngày 28/4, hai thành viên trong tổ bơi đến gần tàu địch, nhưng khó khăn ở chỗ, phía trên tàu địch có 3 tàu tuần tiễu bảo vệ bằng cách ném thủ pháo để bảo vệ, nên hai người khó tiếp cận mục tiêu.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Đinh Đức Bình nhận được nhiều giấy khen, bằng khen như Dũng sỹ đánh tàu, Dũng sỹ phá giao thông, Dũng sỹ diệt cơ giới, Dũng sỹ diệt xung kích… Đặc biệt, 3 lần, bác được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai vì thành tích đánh chìm tàu địch.

Chưa kể, lúc này, sóng to, gió lớn, nước chảy và mưa, thủy triều lên cao, hai người lính đặc công bắt đầu bơi lên trước mũi tàu khoảng 150 m với mục đích bắt thẳng ngang tàu để gắn mìn, nhưng bị trượt do sóng lớn và bị trôi xa khỏi tàu 200 m.

Lần thứ hai, tổ chiến đấu bơi cắt ngang, cắt mũi tàu, nhưng cũng trượt. Khi đồng hồ đã điểm qua đêm sang ngày mới, nhận thấy nếu không nhanh thì trời sáng, cơ hội thành công càng khó khăn, chàng lính trẻ càng quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ.

Lần thứ ba, Đinh Đức Bình áp sát tàu, luồn qua tàu tuần tiễu, bắt xuống giữa thân tàu. Khi tiếp cận thành công thân tàu, nhanh chóng lấy vũ khí gắn vào thân tàu sau đó rút chốt hẹn giờ, bơi ra thật nhanh để thoát, nhưng mới bơi được chừng 20 m thì mìn nổ do thời gian hẹn giờ đã giảm một nửa.

Nghĩ rằng bản thân không thoát được, nhưng may mắn thay, dù mìn nổ ở khoảng cách rất gần, song do mìn được đặt vào giữa thân tàu, nên sức công phá chủ yếu ở hai đầu tàu, không lan rộng ra vùng biển phía ngoài.

Sau khi mìn nổ, biết tàu chính bị đánh, các tàu tuần tiễu điên cuồng ném lựu đạn xuống biển. May mắn là, hai người lính đã kịp thời thoát khỏi vùng nguy hiểm, bơi về an toàn như một kỳ tích.

Chiến công vang dội của tổ chiến đấu đã tiêu diệt một tàu địch có tải trọng 1.200 tấn, trên đó chở nhiều xe tăng, xe bọc thép, hàng hóa quân sự. Với thành tích đó, Đinh Đức Bình với vai trò Tổ trưởng Tổ chiến đấu được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai, còn thành viên trong tổ được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Trận đánh tàu thứ hai của bác Bình diễn ra ngày 21/7/1974. Cũng như thường lệ, Đinh Đức Bình được thủ trưởng giao làm Tổ trưởng tổ đánh tàu và tổ viên là đồng chí Hoàng Thanh Bình.

Trước khi nhiệm vụ này được giao bác Bình, nhiều tổ chiến đấu khác đã thất bại. Nhận nhiệm vụ, bác và đồng đội theo tổ dẫn đường ra đến đèo Hải Vân nghỉ một đêm, sau đó bơi ra bán đảo Sơn Trà, cũng với chặng đường 20 km.

Bác “phục” ở đây 6 ngày, nhưng vẫn không thấy bóng dáng tàu vào cảng. Phương án đặt ra, nếu không có tàu thì phải bơi vào sâu tìm tàu diệt. Dù quyết tâm cao ngút ngàn, nhưng khó khăn lúc này là thời tiết đẹp, biển êm, không có sóng, nếu bơi tiếp cận mục tiêu, thì dễ bị địch phát hiện.

Đến ngày thứ 7, khi phát hiện có 3 tàu địch đậu ở vịnh, căn thời gian chính xác, nắm được quy luật của tàu, Tổ chiến đấu bắt đầu bơi tiến vào, luồn qua tàu tuần tiễu, tiếp cận giữa thân tàu để đặt mìn, rút ngòi nổ và bơi ra, quay về điểm tập kết ở bán đảo Sơn Trà.

Nhiệm vụ hoàn thành, tàu địch phát nổ khoảng 1 giờ sau đó, đồng nghĩa với nhiều trang thiết bị, vũ khí của địch bị phá hủy hoàn toàn. Với thành tích đó, Đinh Đức Bình tiếp tục được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai.

Trận thứ ba thực hiện ngày 19/9/1974. Nhiệm vụ được giao là đánh trạm radar viễn thông trên bán đảo Sơn Trà. Đây là mục tiêu đã được trinh sát chuẩn bị từ năm 1972 và qua nhiều lần mới phát lệnh đánh.

Điểm tập kết vẫn là từ đèo Hải Vân bơi sang bán đảo Sơn Trà. Sau đó, di chuyển từ bán đảo Sơn Trà lên trạm radar mất khoảng 4 ngày. Lên tới nơi, trinh sát đi một vòng kiểm tra xem hoạt động và vị trí bố phòng có gì thay đổi không so với thông tin đã quan sát trước đó. Khi không thấy thay đổi, tổ chiến đấu quyết định đánh luôn.

Tổ chiến đấu gồm 4 người, chia làm hai mũi, theo phương án hiệp đồng tác chiến đánh mật tập (đánh hẹn giờ). Cụ thể, dùng khối thuốc nổ đánh hẹn giờ, trường hợp bị lộ thì chuyển sang tấn công trực tiếp, mục tiêu của ai thì người đó đánh. Đúng 10 giờ 30 phút đêm, tổ chiến đấu cắt hàng rào dây thép gai với 13 lớp rào.

Chỉ trong vòng 5 - 7 phút, các mục tiêu đã bị tiêu diệt gọn, nhưng địch vẫn ngoan cố, bắn ra xối xả, khiến 1 chiến sỹ đặc công bị thương, song may mắn bảo toàn được tính mạng.

Kết quả là, đã phá hủy trạm radar, thiêu hủy 6 vạn lít xăng, 10 xe quân sự, tiêu diệt gọn bộ phận nhân viên kỹ thuật và lính bảo vệ trên trạm radar. Với chiến công này, Đinh Đức Bình một lần nữa được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai.

Người cựu chiến binh thời bình với bản lĩnh lính cụ Hồ

Khi nhiệm vụ hoàn thành, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước sạch bóng quân thù, nhiệm vụ của người lính hoàn thành sứ mệnh. Năm 1977, đơn vị giải thể, bác về địa phương công tác khi trên mình mang nhiều vết thương từ các trận chiến.

Được công nhận thương binh hạng A với tỷ lệ thương tật 4/4, nhưng không vì thế mà bác ỷ lại, hưởng trợ cấp. Khi về địa phương, do phát huy được sở trường, bản lĩnh người lính cụ Hồ, bác được tín nhiệm giao giữ nhiều trọng trách quan trọng tại địa phương, như Phó chủ nhiệm Hợp tác xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã.

Theo lời bác Bình, khi công tác tại địa phương, bác được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn làm chủ Dự án Tổ vay vốn ngân hàng đầu tiên trên cả nước. Đây là dự án cho dân vay vốn thông qua Tổ để tạo điều kiện cho người dân vay vốn nhanh gọn, hiệu quả cao.

Dù ở cương vị nào, bác luôn xác định, làm việc và cống hiến cho người dân là trọng trách lớn lao của người cựu chiến binh. Những năm tháng sống, chiến đấu ở chiến trường ác liệt đã rèn luyện phẩm chất không chịu khuất phục trước khó khăn và khi thời bình, bác cũng áp dụng điều này để làm nên cốt cách người cựu chiến binh giỏi làm kinh tế.

Nhớ lại quá khứ oai hùng và càng tự hào hơn với người cựu chiến binh ấy và đồng đội, khi Tiểu đoàn 471, Mặt trận 44 Quảng Đà - nơi bác công tác - vừa được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào cuối tháng 3/2024.

Niềm tin, tinh thần kiên cường, đạp bằng mọi gian khó của người cựu chiến binh đặc công nước khi xưa và nay là người ông, người cha, người chồng gương mẫu là niềm tự hào của cháu con, nhắc nhở thế hệ trẻ sống sao cho xứng đáng với những hy sinh, mất mát của cha ông.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư