Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tuần đầu thay “áo mới” của HoSE
Thanh Thủy - 10/07/2021 13:11
 
Dù vẫn còn “sạn” trong những ngày đầu chuyển đổi, nhưng nhìn chung, hệ thống giao dịch mới của HoSE do FPT cung cấp đã gỡ được hạn chế về năng lực xử lý của hệ thống giao dịch cũ.

Liên hoàn… lỗi cục bộ

Sau 3 tháng kể từ ngày FPT cùng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng hệ thống giao dịch mới và 6 tháng các nhà đầu tư Việt Nam chịu cảnh “sống chung” với chiếc áo của hệ thống cũ, hệ thống mới đã chính thức được đưa vào vận hành từ đầu tuần này (5/7).

Ba tuần cuối tháng 6/2021 là thời gian dành cho kiểm thử liên tục. Kết quả là, hệ thống giao dịch thông suốt, không gián đoạn, dù giá trị khớp lệnh trên HoSE đã ở mức rất cao ngay phiên đầu. Tuy nhiên, các lỗi cục bộ tại từng công ty chứng khoán lại liên tục xuất hiện.

Điển hình vào phiên sáng ngày 7/7, Chứng khoán SSI - công ty chứng khoán lớn có quy mô thị phần tốp đầu đã buộc phải quyết định tạm dừng nhận lệnh để khắc phục sự cố và chỉ mở lại từ phiên buổi chiều. Nguyên nhân là các hệ thống giao dịch của SSI ghi nhận lệnh chậm và không cập nhật chính xác trạng thái lệnh. Trong phiên giao dịch này, nhiều nhà đầu tư cũng phản ánh tình trạng khó đăng nhập hệ thống, chậm phản hồi vào đầu phiên tại VNDirect, VPS, FPTS...

Trước đó, cũng đã xuất hiện khá nhiều lỗi cục bộ tại các công ty chứng khoán khác. Trong ngày đầu vận hành hệ thống mới, Chứng khoán Yuanta Việt Nam gặp sự cố gián đoạn đặt lệnh do sự cố kỹ thuật hệ thống giao dịch của YSVN và đã khắc phục từ 13h50 cùng ngày.

Giao dịch bình thường trong ngày đầu, nhưng VNDirect lại gặp sự cố trong phiên ATC ở phiên 6/7. “Hệ thống giá của VNDirect đã xảy ra hiện tượng chậm cập nhật dữ liệu, dẫn tới giá dự khớp của một số cổ phiếu trong phiên ATC không chính xác”, đại diện công ty chứng khoán này cho hay.

Chứng khoán BIDV dù vẫn giao dịch bình thường trên kênh website, nhưng ứng dụng giao dịch trên điện thoại lại gặp trục trặc kỹ thuật, trong khi đây là cách giao dịch được nhà đầu tư sử dụng phổ biến hiện nay.

Một số lỗi khác liên quan đến việc hiển thị số liệu giá và khối lượng trên bảng điện tử hay bảng giá ở một số công ty chứng khoán cho dữ liệu khác nhau tại cùng một thời điểm trong ngày đầu chuyển từ hệ thống cũ sang hệ thống mới.

Trong quá trình chuẩn bị vận hành, ngoài các buổi kiểm thử liên tục, đơn vị triển khai hệ thống vận hành mới cũng đã lên các kịch bản phòng ngừa rủi ro, liệt kê nhiều tình huống từ hạ tầng, hệ thống, đến con người. Đánh giá về rủi ro khi chính thức vận hành hệ thống mới, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty FPT IS, đơn vị triển khai hệ thống vận hành mới cho HoSE cho biết, chuyển đổi dữ liệu và trục trặc từ các công ty chứng khoán là hai rủi ro lớn nhất.

Lỗi hiển thị dữ liệu khác nhau trên các bảng giá cùng một thời điểm, theo ông Dũng Triều, là do khả năng tiếp nhận, xử lý của các công ty chứng khoán. Còn việc một số công ty gặp trục trặc một phần do họ sử dụng các hệ thống giao dịch khác nhau.

Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE cho biết, hệ thống giao dịch mới do FPT cung cấp đã hạn chế tối đa việc thay đổi hệ thống của các công ty chứng khoán. Mỗi công ty chứng khoán có một hệ thống giao dịch khác nhau để kết nối với Sở, nên có thể có công ty gặp trục trặc, nhưng chỉ mang tính cục bộ. Đồng thời, đơn vị vận hành thị trường đã bố trí đội ngũ kỹ thuật để hỗ trợ các công ty chứng khoán khi gặp vấn đề.

Việc xây dựng một hệ thống có thể xử lý lượng giao dịch lớn rất phức tạp. Cách đây 5 năm, một ngân hàng Việt Nam từng chuyển đổi core banking cũng đã phát sinh nhiều vấn đề khi đưa hệ thống mới vào hoạt động, dù đã lựa chọn ngày vận hành hệ thống mới vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Lãnh đạo ngân hàng này từng ví von việc chuyển đổi hệ thống lõi với hình ảnh tiếp nhiên liệu giữa hai chiếc máy bay.

Có thể thấy, sự xuất hiện của những “hạt sạn” trong tuần đầu chuyển đổi hệ thống giao dịch sàn HoSE do các hệ thống tại các công ty chứng khoán đang chưa hoàn toàn tương thích là điều khó tránh, nhưng cũng cần sớm được giải quyết để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư khi dòng chảy của tiền vẫn đang sôi động trên thị trường chứng khoán.

Cạn nguồn margin trước nhu cầu lớn

Hệ thống giao dịch mới đi vào vận hành ở thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đi qua một tháng giao dịch nhộn nhịp và tăng trưởng nhanh. VN-Index kết thúc phiên cuối tháng 6 ở mức 1.408 điểm, tăng 6% sau một tháng và hơn 18% sau một quý.

Trong các phiên giao dịch đầu tháng 7/2021, đặc biệt là từ sau khi hệ thống đi vào vận hành, thanh khoản thị trường nói chung và sàn HoSE nói riêng vẫn giữ ở mức cao.

Thanh khoản cũng leo cao kỷ lục, đạt bình quân 22.118 tỷ đồng/phiên. Số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản xác lập mức đỉnh mới với 140.470 tài khoản tăng thêm, nâng tổng số tài khoản chứng khoán hiện tại xấp xỉ 3,4 triệu tài khoản. Trong các phiên giao dịch đầu tháng 7/2021, đặc biệt là từ sau khi hệ thống đi vào vận hành, thanh khoản thị trường nói chung và sàn HoSE nói riêng vẫn giữ ở mức cao.

Sự phát triển nhanh của cơ sở nhà đầu tư và dòng tiền đã không còn gặp hạn chế từ năng lực xử lý của hệ thống giao dịch. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nguồn cho vay margin tại nhiều công ty chứng khoán lại là vấn đề gây đau đầu. Đã có công ty chứng khoán phải gửi thông báo chính thức về việc tạm dừng cấp thêm các khoản vay ký quỹ cho nhà đầu tư. Nhiều kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn đã được các công ty chứng khoán đề ra trong mùa họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.

Nhưng đến nay, trong nhóm công ty chứng khoán niêm yết cổ phiếu trên sàn lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu, mới có Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) hoàn tất đợt tăng vốn với toàn bộ lượng chào bán được phân phối. Công ty này đã bổ sung 786 tỷ đồng vào nguồn vốn. VNDirect cũng vừa kết thúc đợt chào bán tỷ lệ 1:1 với giá phát hành 14.500 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công với tỷ lệ 100%, số vốn tăng thêm xấp xỉ 3.110 tỷ đồng.

Nhiều mục tiêu tham vọng khác được đề ra, nhưng chưa thực hiện được như phương án nâng vốn điều lệ từ 6.459 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng của SSI, hay kế hoạch nâng vốn gấp rưỡi của HSC. Huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu là điều cần sớm thực hiện, bởi không chỉ giải quyết nhu cầu vốn đáp ứng nguồn cho nhà đầu tư vay ký quỹ, mà còn để thỏa mãn quy định về tỷ lệ an toàn tài chính của chính công ty chứng khoán.

Sắc đỏ phủ rộng, dòng tiền chảy mạnh ngày HoSE vận hành hệ thống mới
Giá trị giao dịch phiên sáng đạt 15.824 tỷ đồng trên HoSE. Nếu dòng tiền tiếp tục chảy mạnh, sàn HoSE sẽ có cơ hội xô đổ kỷ lục thanh khoản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư