Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tuyên Quang cần ưu tiên thu hút đầu tư vào giao thông, hạ tầng
Thanh Huyền - 30/01/2022 15:30
 
Để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ, Tuyên Quang cần khơi thông điểm nghẽn về giao thông, hạ tầng.

Quyết tâm trở thành trung tâm chế biến gỗ

Theo nội dung Hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu trở thành “cứ điểm quan trọng của ngành gỗ và lâm sản với tầm nhìn trở thành trung tâm chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất, sản phẩm xuất khẩu, sản xuất giấy của Việt Nam và khu vực”.

Với sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 800.000 m3, Tuyên Quang là tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng trung du miền núi phía Bắc, chiếm trên 23% sản lượng khai thác của toàn vùng.

Theo ông Vân Đình Thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, vùng nguyên liệu cho khai thác, chế biến gỗ của Tuyên Quang gồm vùng rừng nguyên liệu gỗ lớn trên 89.000 ha.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến gỗ, bao gồm sản xuất các sản phẩm phụ kiện phục vụ sản xuất gỗ, sản xuất sản phẩm hỗ trợ chế biến gỗ xuất khẩu.

Dù đặt mục tiêu trở thành cứ điểm, trung tâm chế biến gỗ, nhưng tỉnh Tuyên Quang cũng hướng đến trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững, đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65% trong giai đoạn 2021 - 2030.

Nêu ý kiến phản biện tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra tuần qua, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường bày tỏ băn khoăn, liệu 2 mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ và tỷ lệ che phủ rừng 65% có mâu thuẫn với nhau.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh hiện có 425.000 ha đất rừng, trong đó 283.000 ha được tính toán che phủ để đảm bảo luôn “xanh”, phần còn lại là rừng sản xuất được trồng và khai thác luân phiên. “Nếu giữ chỗ này, tỷ lệ rừng che phủ sẽ vượt 72%”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, các nhà máy giấy, chế biến gỗ xuất khẩu của Tuyên Quang đang hoạt động với công suất lớn. “Không có nhà máy giấy nào có công nghệ tốt, hiện đại như ở Tuyên Quang hiện nay. Do đó, chúng tôi vẫn thiết tha với mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ và chắc chắn thực hiện được”, ông Sơn khẳng định.

Khơi thông điểm nghẽn giao thông, hạ tầng

Theo TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải, căn cứ quy hoạch của Tuyên Quang, địa phương dành nhiều quỹ đất để phát triển công nghiệp, nhưng tốc độ phát triển chưa đạt kỳ vọng. “Những năm qua, vấn đề giao thông của tỉnh là điểm nghẽn khiến các khu công nghiệp khó thu hút nhà đầu tư. Khi đã xác định đúng điểm nghẽn và xây dựng các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, việc thu hút doanh nghiệp vào các khu công nghiệp sẽ tốt hơn”, ông Mười phân tích.

Tuy nhiên, ông Mười cũng lưu ý địa phương, bên cạnh việc dành quỹ đất phát triển công nghiệp, cần dự báo quỹ đất ở, bởi với mục tiêu phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới, nhân lực đến sinh sống và làm việc tại địa phương cũng sẽ tăng lên.

Một vấn đề khác cũng được ông Mười nêu băn khoăn là Tuyên Quang đề nghị Chính phủ xem xét đề xuất tiếp tục đưa vào quy hoạch 1 cảng hàng không hoặc sân bay (dịch vụ) tại huyện Na Hang.

“Trong quy hoạch sân bay, không có cảng hàng không ở Tuyên Quang. Đề nghị tỉnh nghiên cứu kỹ, với khoảng cách, vị trí của Tuyên Quang, chúng ta có cần sân bay hay không?”, ông Mười đặt vấn đề.

Ghi nhận ý kiến này, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đồng tình, việc đầu tư sân bay phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, “nếu không chắc chắn sẽ khó thu hút nhà đầu tư”.

Ông Sơn cho biết, đến năm 2023, tỉnh sẽ hoàn thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đối với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, tỉnh sẽ cố gắng tận dụng cơ hội này.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, do kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, du lịch của Tuyên Quang chưa được đầu tư đồng bộ, nên tỉnh cần tập trung xây dựng phương án phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ.

“Tuyên Quang cần đề xuất các phương án phân kỳ đầu tư để thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư theo quy hoạch, ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư đối với các dự án giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch có khả năng thu hồi vốn tốt nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách để tập trung tối đa nguồn lực kinh tế tư nhân”, ông Phương đề nghị.

Đầu tư 6.996 tỷ đồng xây tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang
Dự án đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có chiều dài 106 km đi qua địa phận Hà Giang (31 km) và Tuyên Quang (75 km).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư