Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Ứng phó với sự xuất hiện của biến thể XBB.1
D.Ngân - 05/01/2023 15:47
 
Sự xuất hiện của biến thể XBB.1.5 lưu hành tại 25 quốc gia đang gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng. Ngành Y tế TP.HCM cảnh báo nguy cơ xâm nhập của biến thể trên của dịch Covid-19 trong dịp lễ Tết ở mức cao.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, sự xuất hiện nhiều biến thể mới của Omicron là không ngoài dự báo của các chuyên gia dịch tễ học.

Ảnh minh họa.

Việc thông tin cho người dân về những biến thể này cần sự chính xác để tránh tạo tâm lý hoang mang, lo lắng quá mức nhưng cũng không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại châu Á, biến thể này đã xuất hiện ở Singapore, Ấn Độ.

Biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron.

Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên thế giới (Mỹ, các nước Châu Âu, Hàn Quốc,…).

Báo cáo của HCDC cho thấy, số ca mắc mới trong khoảng thời gian trung tuần tháng 11/2022 đến nay là 208 trường hợp mỗi tuần, thấp hơn thời gian trước đó (trung bình mỗi tuần có 301 ca mắc mới). 

Bên cạnh đó, số ca nặng điều trị tại các bệnh viện cũng có dấu hiệu giảm nhẹ, hiện còn 7 trường hợp nặng (do bệnh nền đi kèm) đang thở máy, trong đó có 4 trường hợp do bệnh viện tỉnh chuyển đến.

Sở Y tế TP.HCM cảnh báo, trong dịp lễ Tết, người dân gia tăng giao lưu đi lại là yếu tố nguy cơ khó tránh khỏi từ sự xâm nhập và lây lan biến thể phụ XBB.1.5. Để tránh nguy cơ mắc bệnh, diễn tiến nặng hoặc tử vong tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là giải pháp hiệu quả bảo vệ cơ thể.

Thông tin về tình hình giải trình tự gene các ca bệnh Covid-19 trong năm qua, PGS-TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, năm 2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã giải trình 541 mẫu bệnh phẩm của các tỉnh, thành phố khu vực miền bắc.

Kết quả cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022 tuyệt đại đa số là biến chủng Delta, từ cuối tháng 3 xuất hiện biến chủng Omicron. Từ tháng 4 trở đi, 100% các mẫu giải trình tự gene là chủng Omicron với các biến thể BA.1; BA.2; BA.5.

Từ tháng 6 đến tháng 11, biến thể BA5 chiếm ưu thế, bên cạnh đó ghi nhận một số biến thể phụ khác như BA.2.74, BE.1.1. Tháng 12, biến thể phụ BN.1.3 chiếm ưu thế; tiếp đó là các biến thể phụ BA.5.2, BA.2.75.6…

Trong năm 2022 có đến 92% mẫu giải trình tự gene là biến chủng Omicron, trong đó có các biến thể BA.1; BA.2; BA.5; BA.2.74, BA.5.2, BA.2.75.6…

Trong khi đó, kết quả mới nhất về tầm soát biến chủng SARS-CoV-2 trong 6 tháng cuối năm 2022 tại TP.HCM của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy sự lưu hành của biến thể Omicron trong 6 tháng cuối năm và một chủng Delta ghi nhận vào tháng 7/2022.

Nhóm nghiên cứu cho biết, cuối năm 2022, có sự dịch chuyển từ biến thể phụ BA.5 của Omicrion (trong các tháng 7-9/2022) sang biến thể phụ BA.2.75 (bao gồm biến thể phụ BN.1) trong 3 tháng cuối năm.

Ngoài ra, kết quả còn ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB vào tháng 12/2022 nhưng ở tỷ lệ thấp. Cụ thể là 3/52 trình tự giải mã vào tháng 12, chiếm 5,7%.

Theo các chuyên gia dịch tễ, với sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng, chống dịch Covid-19, chính sách đối với người nhập cảnh, Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị để tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh để không bị động trong tình hình mới.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo, cần tăng cường công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để hành khách nhập cảnh chủ động thông báo tình hình sức khỏe và chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cần thực hiện cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xét nghiệm nhanh để có giải pháp phù hợp.

Cùng đó cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các ổ dịch tập trung, quy mô lớn để lấy mẫu bệnh phẩm giải trình tự gene. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường trao đổi, bám sát tình hình dịch bệnh của thế giới để có thông tin điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch phù hợp.

Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc-xin Covid-19 để bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền.

Dịch Covid-19 có thể gia tăng thời gian tới
Một số chuyên gia y tế nhận định, dù có thể không tái bùng phát dịch, song ca mắc Covid-19 tại nước ta có thể tăng trong thời gian tới, do đó cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư