Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
US Dollar Index tăng hơn 2% trong tuần, áp lực bên ngoài trở lại với tỷ giá
Thanh Thuỷ - 06/10/2024 15:19
 
Kỳ vọng về việc Mỹ sẽ tiếp tục mạnh tay cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 11 đã vơi đi, nhất là sau số liệu việc làm vừa công bố. Đồng thời, yên Nhật liên tục mất giá cũng thúc đẩy xu hướng tăng của đồng bạc xanh.

Đóng cửa cuối tuần, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng lên gần 102,5 điểm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 8/2024. Tính chung trong cả tuần, đồng bạc xanh đã lên giá 2,04%, mức tăng mạnh nhất hàng tuần của chỉ số DXY trong hơn 2 năm trở lại đây. Xu hướng tăng đã xuất hiện ngay từ đầu tuần và bật lên trong thứ Sáu vừa qua.

DXY tăng mạnh cuối tuần cũng bởi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo số lượng việc làm phi nông nghiệp trong tháng 9 đã tăng thêm 254.000 việc làm, vượt xa dự báo tăng 150.000 việc làm từ các chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

Không chỉ vậy, số liệu việc làm trong những tháng gần đây đã được điều chỉnh tăng đáng kể. Cụ thể, số liệu tháng 8 tăng thêm 17.000 việc làm mới, trong khi tháng 7 tăng hơn 55.000 việc làm. Thay đổi trên đã đưa tăng trưởng việc làm hàng tháng lên đến 144.000. Báo cáo mới góp phần làm giảm đi đáng kể nỗi lo về thị trường việc làm.

Diễn biến chỉ số DXY theo tuần.


Cũng trong tuần này, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã báo cáo chỉ số PMI dịch vụ Mỹ với mức tăng 3,4 điểm lên 54,9 điểm trong tháng 9 vừa qua. Chỉ số đơn đặt hàng mới đã tăng 6,4 điểm lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023, phản ánh nền kinh tế của Mỹ đến cuối quý III vẫn khá vững chắc.

Số liệu “sáng sủa” về việc làm và tăng trưởng giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ưu tiên duy trì kế hoạch giảm lãi suất điều hành một cách từ từ. Tuần trước, đã có thời điểm các nhà giao dịch đặt cược tới 60% vào khả năng Fed tiếp tục có thêm lần hạ lãi suát 50 điểm cơ bản ở ngày cuộc họp tháng 11 tới. Với các dữ liệu hiện tại, khả năng hạ 25 điểm cơ bản đối với khung lãi suất quỹ liên bang đang chiếm ưu thế.

Ở chiều ngược lại, euro và yên Nhật đều mất giá. Hiện mỗi euro chỉ còn đổi được 1,098 đôla Mỹ, tỷ lệ thấp nhất kể từ giữa tháng 8. Còn yên Nhật mất giá tới 3% trong tuần. Hiện để đổi được 1 đôla Mỹ, cần tới 146,5 yên, cũng là mức cao nhất kể từ giữa tháng 8/2024.

Nguyên nhân một phần bởi lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống dưới mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Các nhà đầu tư đặt cược rằng lãi suất có thể được ECB cắt giảm nhanh hơn dự kiến.

Còn tại Nhật Bản, các phát biểu từ tân Thủ tướng Shigeru Ishib khiến giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc tăng thêm lãi suất. Đầu tuần này, Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết vẫn còn quá sớm để tăng lãi suất thêm nữa với điều kiện kinh tế hiện tại. Bộ trưởng Kinh tế Ryosei Akazawa cũng kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thận trọng trong việc tăng lãi suất. 

Chỉ số DXY đo giá trị sức mạnh USD so với 6 loại tiền tệ của những quốc gia đang là đối tác thương mại lớn của Mỹ và được tính toán từ tỷ giá hối đoái của 6 đồng tiền với tỷ trọng lần lượt là EUR 57,6%, JPY 13,6%, GBP 11,9%, CAD 9,1%, SEK 4,2%, CHF 3,6%. Biến động của đồng EUR và JPY do đó ảnh hưởng mạnh để chỉ số này.

Áp lực từ bên ngoài cũng ảnh hưởng đến tỷ giá tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước tuần qua tăng tỷ giá trung tâm thêm tổng cộng 15 VND/USD, lên 24.133 VND/USD, qua đó giới hạn mức trần 25.339 đồng đổi 1 đôla Mỹ.

Tỷ giá một số ngoại tệ tại Vietcombank.

Tại Vietcombank, tỷ giá VND/USD hiện giao dịch ở mức 24.580 VND/USD (mua vào chuyển khoản) và 24.930 VND/USD (bán ra), tăng lần lượt 160 VND và 170 VND so với cuối tuần trước.

Trên thị trường tự do, giá USD khảo sát tại một số cửa hàng cũng có thời điểm tăng mạnh. Hiện mỗi USD được thu mua với giá 25.110 đồng còn bán ra tại 25.250 đồng.

Áp lực bên ngoài trở lại tác động tiêu cực lên tỷ giá. Đến ngày 6/10, tỷ giá USD/VND tăng 2,13% so với đầu năm. Trong khi đó, ở thời điểm cuối quý III, mức tăng của tỷ giá trong năm mới chỉ là 1,31%.

Sang tuần, các thông tin từ Mỹ tiếp tục được giới đầu tư đặc biệt theo dõi, nhất là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9. Nhiều dự báo cho rằng lạm phát ​​sẽ chậm lại còn 2,3% vào tháng 9, đánh dấu mức thấp mới kể từ tháng 2/2021. Biên bản cuộc họp hôm 19/9 của Fed và các bài phát biểu của một số quan chức Fed dự kiến cũng có thêm trong tuần tới. T

ại châu Âu, ECB sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ trước đó. Cả Fed và ECB đều quyết định hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 trước với mức giảm lần lượt là 50 điểm cơ bản và 25 điểm cơ bản. Biên bản họp sẽ làm rõ hơn chi tiết trong hai cuộc họp quan trọng này. 

Tỷ giá quay đầu tăng, vàng neo cao trên vùng đỉnh lịch sử
Giá vàng giao dịch giằng co quanh mốc 2.660 USD/ounce. Động thái cắt giảm lãi suất của Fed, căng thẳng ở Trung Đông và các biện pháp kích thích tiền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư