Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Điện lực
Nguyễn Lê - 18/08/2024 20:17
 
Luật Điện lực sừa đổi được Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
.
Một trong nhiều hội thảo góp ý dự án Luật Điện lực do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây. 

Trong phiên họp thứ 36 diễn ra từ 19-22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Đây là dự án Luật được Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), thời gian như vậy là tương đối gấp, trong khi nội dung sửa đổi Luật là tổng thể, gồm 6 nhóm chính sách lớn, đây là dự án luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.

Do vậy, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị đối với dự án Luật Điện lực nên được xem xét, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp để Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của Luật, bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật. Trường hợp dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Dự thảo Luật có 9 chương, 121 điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành), có nhiều nội dung mới, trong đó có nhiều quy định mới về đầu tư dự án, công trình điện lực so với quy định của Luật Điện lực hiện hành và quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu.

Bên cạnh dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”, cũng nằm trong nội dung của phiên họp.

Cạnh đó là cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2024.

Đặc biệt, phiên họp này sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo chương trình, các vị đại biểu sẽ chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.

Các lĩnh vực tiếp theo được chất vấn gồm tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.

Sau chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023 - 2025, cũng là nội dung được xem xét ở phiên họp này.

Gấp rút sửa Luật Điện lực, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh
Dự kiến sửa đổi tổng thể Luật Điện lực với nhiều nhóm chính sách lớn, quan trọng, song Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến, thông qua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư