Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Vắc-xin Covid-19 nhập khẩu có thể về nước chậm hơn so với dự kiến
D.Ngân - 24/03/2021 10:24
 
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc tiếp tục nỗ lực khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu.

Cục Quản lý Dược đã có công văn số 2511/QLD-KD về việc tăng cường, đa dạng hoá nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc, sản xuất thuốc.

Đây là lần thứ 2 Cục Quản lý Dược gửi công văn đến các cơ sở nhập khẩu, sản xuất thuốc để yêu cầu các cơ sở khẩn trương tìm kiếm nguồn nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19.

Thế giới đang trong tình trạng khan hiếm vắc-xin

Cơ quan này đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc tiếp tục nỗ lực khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu (Astrazeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, JSC Generium (Sputnik V), Moderna, Sinovac...) đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc xuất xứ để cung cấp vào Việt Nam trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định của pháp luật.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các cơ sở sản xuất, nghiên cứu tiếp tục đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 để sớm chủ động được nguồn vắc xin trong nước.

Liên quan tới việc nhập khẩu vắc-xin Covid-19, ngày 23/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký Quyết định số 1654/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện đối với vắc-xin Gam-Covid-Vac (tên khác là Sputnik V) do Nga sản xuất.

Được biết, theo lộ trình cung cấp vắc xin tại Việt Nam, ngày 25/3, lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca sẽ về Việt Nam.

Số lượng này nằm trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều của COVAX Facility cho Việt Nam. Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục nhập về vào ngày 25/4. Như vậy, đến hết tháng 4/2021, Việt Nam sẽ có 4,17 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ COVAX Facility.

Tuy nhiên, do nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu khó khăn, việc xuất khẩu vắc-xin tại các nước sản xuất bị hạn chế nên các lô vắc-xin đầu tiên này có thể bị lùi lại thời gian cung ứng. Số lượng vắc xin còn lại trong cam kết của COVAC Facility dự kiến cung ứng từ quý 3/2021 có thể bị lùi lại tới năm 2022.

Bên cạnh đó, hiện Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) đang đàm phán với nhà sản xuất vắc xin Sputnik V với số lượng tối đa và cung ứng trong thời gian sớm. Tuy nhiên, hiện chưa có thông báo của nhà sản xuất về kế hoạch và thời gian cung ứng vắc xin Sputnik V cho Việt Nam.

Việt Nam cũng đã đàm phán mua vắc xin Pfizer (Mỹ). Thông tin từ nhà sản xuất, hãng này có thể bán cho Việt Nam 31 triệu liều song khó khăn phát sinh chính là việc bảo quản vắc-xin.

Theo đó, vắc-xin Pfizer có yêu cầu bảo quản lạnh sâu, từ -80 đến -60 độ C, trong khi hệ thống dây chuyền lạnh của Việt Nam chỉ đáp ứng được việc bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ từ 2-8 độ C. Chưa kể, sau khi rã đông, vắc- xin phải được sử dụng trong vòng 5 ngày.

Kiểm tra việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại 5 tỉnh, thành phố
Theo đại diện Bộ Y tế, từ ngày 24 đến 28/3, Bộ sẽ tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư