Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vắc xin do Nga sản xuất đã có mặt tại Việt Nam
D.Ngân - 16/03/2021 15:54
 
Bộ Y tế Việt Nam đã tiếp nhận lô vắc xin Sputnik V từ sân bay Nội Bài. Lô vắc xin này gồm 1.000 liều, là quà tặng của Liên bang Nga cho Việt Nam.

Theo ông Đặng Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế, ngày 16/3, Bộ Y tế đã tiếp nhận lô vắc xin Sputnik V từ sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Lô vắc xin nêu trên được ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga mang tới Việt Nam trong chuyến công tác 2 ngày tại Hà Nội (16-17/3). Hiện lô vắc xin này được chuyển vào kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để bảo quản.

Sputnik V là vắc xin đầu tiên được cấp phép trên thế giới.

Với số lượng 1.000 liều nêu trên đại diện Bộ Y tế cho hay, việc điều phối lô vắc xin sẽ do Chính phủ quyết định.
Đến nay, Sputnik V của Nga là một trong 3 loại vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam cùng với Pfizer-BioNTech và AstraZeneca.

Vắc xin Sputnik V là vắc xin ngừa Covid-19 do Viện Nghiên cứu Gamaleya ở Moscow, Nga, phát triển với 2 mũi, cách nhau 21 ngày.

Đây là vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ ngày 11/8/2020, Bộ Y tế Nga đã triển khai tiêm quy mô toàn quốc khi vắc xin Sputnik V chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Tuy nhiên đến nay, Sputnik V đã được hơn 50 quốc gia phê duyệt sử dụng, bao gồm Việt Nam.

Kết quả thử nghiệm sơ bộ cho thấy vắc xin này có hiệu quả 91,4%. Tỷ lệ bảo vệ của Sputnik V thấp hơn hai loại vắc xin của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca, tuy nhiên cao hơn CoronaVac do Trung Quốc phát triển.

Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin về việc đối tượng nào sẽ được tiêm vắc xin do Nga sản xuất bởi điều này sẽ được Chính phủ quyết định song nhiều ý kiến cho rằng, trong khi những mối lo ngại về vắc xin AstraZeneca đang tăng cao ở nhiều nước châu Âu và trong nước cũng xuất hiện nhiều ca phản ứng nặng sau tiêm thì việc vắc xin Sputnik V có mặt tại thị trường Việt Nam nhận đuợc nhiều sự quan tâm của dư luận.

Liên quan tới việc tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac do Việt Nam sản xuất, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) cho hay tất cả tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin đều có sức khỏe ổn định sau 24 giờ tiêm và đã được về nhà.

"Tất cả tình nguyện viên đã được đánh giá các biến cố bất lợi trong 24 giờ đầu. Kết quả cho thấy chưa ghi nhận các biến cố bất lợi vừa hoặc nặng", ông Vũ Đình Thiểm chia sẻ.

Covivac là vắc xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Mục tiêu giai đoạn này là đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc xin để chọn ra 2 nhóm liều tối ưu nhất. Sau đó, vắc xin được chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2.

Vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu và sản xuất.

Sáng 15/3, tại Đại học Y Hà Nội, 6 tình nguyện viên được tiêm mũi đầu tiên của vắc xin này, bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một.

Khoảng 8 ngày sau, những tình nguyện viên còn lại trong tổng số 120 người sẽ được tiêm mũi tương tự. Các tình nguyện viên được lựa chọn có độ tuổi từ 18 đến 59, nơi ở tại Hà Nội.

Ở giai đoạn một, 20 người sẽ được tiêm giả dược. 100 tình nguyện viên được tiêm vắc xin Covid-19. Liều lượng tiêm cho họ lần lượt là 1, 3 và 10 mcg. Ngoài ra, một nhóm sẽ tiêm vắc xin liều 1 mcg bổ sung tá chất và giả dược (placebo).

Hà Lan ngừng tiêm vaccine AstraZeneca
Hà Lan đã ghi tên vào danh sách các quốc gia ngừng tiêm vaccine kháng Covid-19 của hãng dược AstraZeneca sau thông tin về khả năng xảy ra các tác dụng phụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư