Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu
Dương Ngân - 25/08/2022 07:38
 
Tiêm chủng vắc-xin vẫn là chìa khóa hữu hiệu để phòng bệnh không chỉ với Covid-19, mà còn với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm khác.
Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhờ tiêm chủng vắc-xin

Tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh khi dữ liệu mới cho thấy, tỷ lệ bao phủ vắc-xin toàn cầu tiếp tục giảm vào năm 2021, với 25 triệu trẻ sơ sinh bỏ lỡ những liều vắc-xin quan trọng giúp bảo vệ mạng sống.

Tại Việt Nam, số trẻ em bỏ lỡ những liều vắc-xin quan trọng giúp bảo vệ mạng sống cũng tăng cao. Năm 2021, ước có khoảng 251.972 trẻ em đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DTP ngăn ngừa bạch hầu, uốn ván và ho gà trong chương trình tiêm chủng thường xuyên, tăng gấp gần 4 lần so với con số chỉ 63.001 em vào năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).

Hiện tại, 52 trong số 63 tỉnh, thành phố chưa đạt được mục tiêu 90% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cơ bản được khuyến nghị khi các em tròn 12 tháng tuổi. Chẳng hạn, tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi liều đầu tiên giảm xuống còn 81% vào năm 2021, là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Điều này có nghĩa là 24,7 triệu trẻ em đã bỏ lỡ liều vắc-xin sởi đầu tiên, cao hơn con số 5,3 triệu trẻ em của năm 2019. Thêm 14,7 triệu trẻ em nữa không được tiêm liều thứ hai.

Tương tự, so với năm 2019, có thêm 6,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ ba của vắc-xin bại liệt và 3,5 triệu trẻ em bỏ lỡ liều đầu tiên của vắc-xin HPV - loại vắc-xin bảo vệ trẻ em gái trước bệnh ung thư cổ tử cung khi lớn lên.

Để giải quyết tình trạng tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên thấp, Việt Nam đã và đang lên kế hoạch và triển khai tiêm bổ sung cho trẻ em ở các khu vực có độ bao phủ thấp. Cụ thể, từ tháng 3 đến 6/2022, Việt Nam đã tiến hành tiêm chủng bổ sung (SIA) vắc-xin sởi - rubella (MR) và vắc-xin uống phòng bệnh bại liệt (bOPV) cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi và đã tiêm được một liều vắc-xin MR cho 144.448 trẻ em và cho uống bổ sung liều bOPV cho 141.866 trẻ em.

Với dịch Covid-19, trong một tháng qua, số ca mắc mới trung bình ở mức 2.000 ca/ngày, số ca nặng cũng tăng cao trong những ngày gần đây. Thế nhưng, đa phần người dân đều mang tâm lý khá thờ ơ với dịch bệnh, không ít người cho rằng, đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, 2 và cộng thêm việc từng mắc Covid-19 thì không cần tiêm vắc-xin mũi 3, 4.

Theo số liệu từ Bộ Y tế, ngày 17/8, có 2.814 ca Covid-19, số ca nặng tăng mạnh, cao nhất trong khoảng vài tháng qua, có 3 trường hợp tử vong. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất trong khoảng 3 tháng qua, chỉ sau ngày 16/8, có gần 3.000 ca mới.

Chìa khóa bảo vệ vẫn là vắc-xin

Theo PGS-TS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhờ tiêm chủng vắc-xin. Từ việc hàng chục ngàn bệnh nhân tử vong trong đợt dịch thứ tư tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác, đến nay, nhờ vắc-xin, cuộc sống bình thường đang dần quay trở lại.

Thế nhưng, không ít người đang tỏ ra băn khoăn về việc tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 khi dịch tạm lắng và lo ngại các phản ứng sau tiêm. “Việc tiêm các vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, nhất là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới”, PGS-TS. Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo đại diện của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, mũi 4 vắc-xin Covid-19 rất cần đối với người thuộc nhóm dễ bị tổn thương, miễn dịch kém, như những người lớn tuổi và những người giảm kháng thể sau tiêm mũi cơ bản (thường giảm nhanh hơn những người khác). Khi một đợt dịch mới tràn qua, thì với lượng kháng thể ít ỏi như vậy, họ sẽ không chống đỡ được, có nguy cơ bệnh tăng nặng và nhập viện.

Đồng quan điểm, PGS-TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, việc tiêm các mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại là cần thiết, nhất là trong bối cảnh vắc-xin vẫn có tác dụng với chủng Omicron vốn đang chiếm ưu thế.

Đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Trong khi đó, vắc-xin có miễn dịch không bền vững, thường giảm sau khi tiêm khoảng 4-6 tháng. “Ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại, nhất là người già, người mắc bệnh nền. Điều này không chỉ có ý nghĩa phòng bệnh, mà còn hạn chế tử vong, giúp hệ thống y tế không quá tải”, PGS-TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Miami tại bang Florida (Hoa Kỳ) đã có một nghiên cứu đánh giá số liệu trên 2 nhóm bệnh nhân mắc Covid-19: nhóm 1 có sử dụng vắc-xin phòng cúm mùa (trước khi mắc từ 6 tháng đến 2 tuần) và nhóm 2 gồm các bệnh nhân không chủng ngừa vắc-xin cúm mùa trước đó. Kết quả cho thấy, đã có sự giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng huyết, đột quỵ, tắc tĩnh mạch sâu trên nhóm 1; khả năng phải nhập điều trị tại đơn vị điều trị tích cực (ICU) cũng giảm tới 20% trên nhóm này.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới luôn khẳng định, hiệu quả bảo vệ sức khỏe con người chống lại các loại bệnh tật nguy hiểm của vắc-xin là điều đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Các loại dược phẩm khi đưa vào cơ thể có thể sẽ có một vài phản ứng không mong muốn và vắc-xin cũng vậy. Nhưng những rủi ro ấy chỉ là thiểu số và nằm trong phạm vi cho phép, việc tiêm chủng luôn cần thiết để phòng bệnh.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1. Thời gian qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc có xu hướng gia tăng trở lại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư