Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Văn hóa ứng xử của người Việt thời hội nhập: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu
Thanh Nga - 02/09/2019 20:41
 
Trao đổi về văn hóa ứng xử của người Việt hiện nay, nữ nhà giáo, nhà văn, nhà báo Y Ban cho rằng, phải có một nền giáo dục đặt rèn luyện tri thức và nhân cách lên hàng đầu thì mới có thể tạo dựng được những giá trị văn hóa bền vững trong ứng xử.
.
Nhà báo Y Ban

Có ý kiến cho rằng, những ứng xử lệch chuẩn từ môi trường gia đình, nhà trường, xã hội gần đây cho thấy, văn hóa ứng xử của một bộ phận người Việt có vấn đề. Quan điểm của nhà văn thế nào?

Chưa bao giờ chúng ta cảm thấy ái ngại như vậy mỗi khi ra đường, đưa con đến trường học, đi đến công sở, hay ra những môi trường công cộng… Dường như trong một bộ phận dân chúng đang thường trực một quả “bom xăng”, mà bất cứ va chạm nhỏ nào cũng có thể dẫn đến một “đám cháy” lớn.

Thực tế cho thấy, không ít người đang là người tử tế bỗng chốc thành tội phạm do không kiểm soát được hành vi ứng xử của mình. Những nhà sư, thầy cô giáo, hay võ sư, thậm chí cả những người đang công tác trong ngành thực thi pháp luật… lại có những hành động không thể giải thích nổi về cách hành xử không kiểm soát với người khác, dẫn đến vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Rồi cách mà người ta biến mạng xã hội Facebook thành nơi để vu khống, xúc phạm, thậm chí đe dọa tính mạng và nhân phẩm của người khác… Tất cả khiến chúng ta thực sự lo ngại, bởi điều này tác động trực tiếp đến mỗi cá nhân, nhất là đối với con em chúng ta - những cá thể còn rất non nớt để có thể đề kháng trước những tiêu cực đang tồn tại.

Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng phổ biến những hành vi lệch chuẩn của một bộ phận người Việt hiện nay.

Đầu tiên phải kể đến vấn đề giáo dục.

Chúng ta đang khoác lên vai mỗi đứa trẻ đến trường những gánh nặng mang tên “cải cách”, “đổi mới”, và rồi áp lực thi cử, chưa kể “bệnh thành tích” của người lớn. Điều này khiến con trẻ gần như không có được tuổi thơ hồn nhiên “học mà chơi”.

Từng nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, tôi cho rằng, chúng ta đang quá vội vã khi chỉ trong vài năm đã thay đổi đến chóng mặt từ chương trình, phương pháp học tập, đến cách thức thi cử, khiến không chỉ các em học sinh, mà cả phụ huynh, thậm chí các thầy cô cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng vì không kịp thích ứng. Cũng từ đây hình thành tâm lý bất an, thậm chí khủng hoảng tâm lý. Chính khủng hoảng đó đã ít nhiều tác động đến hành vi, cách ứng xử tiêu cực của các em học sinh.

Tiếp đó, đời sống người dân Việt Nam ngày càng cải thiện, các gia đình ngày càng có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn, thậm chí sẵn sàng thỏa mãn mọi nhu cầu của con trẻ, dẫn đến tâm lý ỷ lại, trông chờ. Khi nhu cầu không được đáp ứng, các em có thể có ngay phản ứng tiêu cực, có ngay  hành vi không kiểm soát gây nguy hiểm cho mình và xã hội.

Một nguyên nhân quan trọng khác là sự thiếu sự nghiêm minh của pháp luật liên quan việc xử lý những vi phạm về quy tắc ứng xử. Gần đây, hầu hết mọi lĩnh vực đời sống xã hội đều có những bộ quy tắc ứng xử quy định rất rõ những việc nên làm và không nên làm, từ trong gia đình, trường học, tại nơi công cộng…, nhưng tại sao những vụ bạo lực gia đình, bạo lực học đường, quấy rối nơi công cộng vẫn âm thầm xảy ra và chỉ đến khi bị phát giác mới được đưa ra xử lý. Phải chăng, chế tài xử phạt còn thiếu sức mạnh răn đe?

Rồi guồng quay của nền kinh tế thị trường đang khiến người ta trở nên gấp gáp hơn, vội vã hơn để mưu sinh, làm giàu, khẳng định cái tôi... Vì vội vã như thế, người ta đã tự tạo áp lực tâm lý cho mình, cho gia đình, dẫn đến không kiểm soát được hành vi của mình, để xảy ra những ứng xử lệch chuẩn.

Qua quan sát, tôi nhận thấy, những lỗ hổng văn hóa đang xen vào mọi ngóc ngách cuộc sống, từ những làng quê vốn yên bình, đến những vùng đô thị sầm uất.

Vậy theo bà, cần những giải pháp nào để khắc phục lỗ hổng đó?

Theo tôi, cần có rất nhiều biện pháp khắc phục, nhưng đầu tiên phải là giáo dục. Chúng ta cần phải xây dựng một nền giáo dục lành mạnh. Bên cạnh việc rèn luyện tri thức, cần chú trọng việc hình thành nhân cách của học sinh. Luôn khơi dậy trong mỗi thế hệ học trò những đạo lý sống nghĩa tình thấm đẫm tình người. Đó là “kính trên, nhường dưới”, “một điều nhịn, chín điều lành” hay “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… đã được cha ông ta lưu giữ suốt hàng ngàn năm trong mỗi nếp nhà, từ khi thơ ấu đến khi trưởng thành.

Tiếp đó, trong xã hội hiện đại phải có nền tảng pháp luật thật nghiêm minh, có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý những hành vi trái với quy tắc ứng xử trong xã hội, ngành nghề. Phải kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử.

Bên cạnh những mặt trái trong văn hóa ứng xử, chúng ta vẫn nhận thấy cuộc sống xung quanh đang tồn tại không ít cá nhân không ngừng nỗ lực, không ngừng ước mơ, khát vọng để khởi nghiệp, làm giàu cho quê hương, đất nước. Không ít bạn trẻ đã thành lập các đội thu gom rác thải nhựa trên biển, trong khu dân cư. Không ít việc tốt đang được nhân rộng như những bữa cơm 2.000 đồng trong bệnh viện, những chuyến từ thiện lên vùng sâu, vùng xa, vùng lũ lụt để ủng hộ bà con gặp khó khăn… Những điều tốt đẹp đó khiến chúng ta ấm lòng và tin tưởng rằng, nếu chúng ta truyền thông tốt sẽ góp phần tăng cường văn hóa ứng xử đẹp trong xã hội, đồng thời từng bước hạn chế những ứng xử tiêu cực.

Tôi tâm niệm rằng, ứng xử có văn hóa của con người Việt Nam đã có nền tảng từ ngàn đời. Nét đẹp văn hóa đó được lưu giữ, truyền qua nhiều thế hệ. Từ gia đình, đến xã hội, nếu mỗi người Việt Nam cùng góp sức mình để nét đẹp truyền thống đó ngày càng được bồi đắp, trở thành giá trị vĩnh hằng, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thì những ứng xử văn hóa lệch chuẩn sẽ tự khắc bị đẩy lùi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở
Đây là hành động cụ thể, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành, nhằm không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư