Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vàng bứt phá tăng mạnh
T.V - 21/12/2022 10:34
 
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay tăng mạnh, bật lên gần 1.820 USD/ounce.

Đồng bạc xanh yếu hơn giúp vàng trở nên hấp dẫn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm xuống 103,59 điểm.

Ngoài ra, nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng tăng cao khi động thái chính sách bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã làm náo loạn thị trường.

Sau một năm khó khăn với nhiều yếu tố bất lợi, thị trường vàng có khả năng cao sẽ kết thúc năm 2022 với xu hướng tăng gần như trung lập ở mức khoảng 1.800 USD/ounce.

Trong khi tâm lý lạc quan đang hình thành trên thị trường, một số nhà phân tích cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ sẽ cần kiên nhẫn vào năm 2023.

Giá vàng được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức trung lập quanh 1.800 USD/ounce trong ngắn hạn. Yếu tố đè nặng lên vàng trong phần lớn thời gian của năm 2023 là lập trường chính sách tiền tệ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể được duy trì trong ít nhất là nửa đầu năm sau.

Tại cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2022, Fed đã dự báo lãi suất USD đạt đỉnh trên 5% vào năm 2023. 

Mặc dù lạm phát đã giảm từ mức cao nhất trong mùa hè, nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn nhấn mạnh rằng, công việc của ngân hàng trung ương này vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi chắc chắn lạm phát giảm một cách bền vững.

Tuy nhiên, Bank of America kỳ vọng Fed sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt vào tháng 3 và chứng kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào cuối năm 2023.

Và trong môi trường này, chiến lược gia hàng hóa Michael Widmer của Bank of America nói rằng, giá vàng có thể đạt tới 2.000 USD/ounce.

Giá vàng đã mất hơn 260 USD/ounce kể từ mức đỉnh hồi tháng 3 khi các ngân hàng trung ương tăng cường nỗ lực chống lạm phát leo thang.

Trong khi đó, nước tiêu thụ vàng thỏi hàng đầu, Trung Quốc, đang phải vật lộn với các ca nhiễm COVID-19 gia tăng và Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay và năm tới. 

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay, giá vàng miếng SJC lại đi ngược chiều với giá vàng quốc tế khi tăng khoảng 100.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua. 

Theo đó, mở cửa phiên sáng nay giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 66,4- 67,2 triệu đồng/lượng (mua-bán), nhưng sau đó nhanh chóng giảm 300.000 đồng/lượng, xuống còn 66,1-66,9 triệu đồng/lượng. 

Chênh lệch giữa giá mua và bán gần 1 triệu đồng/lượng, nhưng điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới gần 15 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí), nên mua vàng trong nước rủi ro cao. 

Các chuyên gia lĩnh vực vàng trong nước khuyến nghị nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.

Sáng nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.641 đồng/USD, giảm thêm 2 đồng so với mức niêm yết cùng giờ hôm qua. Tỷ giá mua bán tham khảo được Sở giao dịch NHNN duy trì ở mức 23.450 - 24.780 đồng/USD.

Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.459 - 24.823 đồng/USD. Tại Vietcombank, giá mua vào 23.410 - 23.440 đồng, bán ra 23.720 đồng/USD.

Vàng được kỳ vọng tích cực trong tuần mới
Giá vàng quốc tế đi ngang trong phiên sáng nay, xoay quanh mức 1.793 USD/ounce khi USD hồi phục. Vàng SJC niêm yết ở mức 66,2 - 67 triệu đồng/lượng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư