Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vàng còn cơ hội tăng giá trước áp lực lạm phát
Vân Linh - 17/01/2022 08:25
 
Mặt hàng vàng đang giao dịch quanh mức 1.820 USD/ounce, song áp lực lạm phát tại Mỹ tăng cao sẽ là yếu tố thúc đẩy giá vàng, cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD.
Áp lực lạm phát tại Mỹ tăng cao và dự báo còn đi lên trong thời gian tới sẽ là yếu tố thúc đẩy giá vàng

Cơ hội của vàng chưa hết

Áp lực lạm phát gia tăng có khả năng hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới và mặt hàng kim loại quý này có cơ hội vượt ngưỡng 1.850 - 1.900 USD/ounce.

Cụ thể, tuần qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 12/2021, sau khi tăng 0,8% trong tháng 11/2021. Dữ liệu này vượt qua các dự báo trước đó, với mức tăng chỉ 0,4%. Tính chung cả năm 2021, lạm phát của Mỹ tăng 7% - mức cao nhất kể từ tháng 6/1982.

Trong khi đó, chỉ số CPI cốt lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% trong tháng 12/2021. So với cùng kỳ năm 2020, lạm phát cơ bản đã tăng 5,5%. Sức khỏe đồng bạc xanh giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng, sau khi lạm phát tại Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo năm trong gần 4 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát tăng cao thúc đẩy hoạt động mua vào ở một số nhà đầu tư đã đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất cơ bản đồng USD. Chủ tịch Fed, ông Powell cho biết, không để tình trạng lạm phát cao kéo dài. Nhưng cũng theo ông Powell, các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, trong đó việc tăng lãi suất và giảm quy mô chương trình mua tài sản, là cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Vì thế, lãi suất USD tăng có thể cản trở hoạt động của vàng. Dẫu vậy, chuyên gia cấp cao lĩnh vực vàng, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, với mỗi lần điều chỉnh lãi suất của Fed là 0,25%, thì sau 3 lần tăng trong năm nay, lãi suất cũng chỉ lên mức 0,75%, nên chưa thực sự hấp dẫn với USD. Giới phân tích tài chính cho rằng, lộ trình tăng lãi suất USD của Fed đã được thị trường thông tin, nhưng chưa hẳn ảnh hưởng tiêu cực lên giá vàng và thực tế, giá vàng đã tăng đáng kể ngay cả khi thị trường tiếp tục dự đoán đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 3/2022.

Nguyên nhân là lạm phát cao, khiến sức khỏe đồng bạch xanh suy yếu, giúp vàng có cơ hội đi lên. Ngoài ra, lạm phát được cho là tiếp tục nóng trong thời gian tới, nên cũng kích thích nhu cầu nắm giữ vàng.

Kịch bản nào cho giá vàng?

Thị trường đang có 2 kịch bản với giá vàng năm 2022: tăng lên 2.000 USD/ounce trong trường hợp lạm phát của Mỹ còn đà tăng; hoặc giảm xuống 1.400 USD/ounce nếu lãi suất USD tăng cao.

Thế nhưng, kịch bản vàng tăng lên 2.000 USD/ounce liên quan đến việc Fed không kiểm soát được lạm phát. Trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ, ông Jerome Powell cho biết, Fed quyết tâm không để tình trạng lạm phát cao kéo dài. Đây là một tín hiệu cho thấy, lạm phát đã lên mức báo động. Nhiều dự báo cho rằng, giá vàng có cơ hội tiếp tục đi lên trong bối cảnh giới đầu tư tài chính không mấy kỳ vọng USD tăng giá, vì việc Fed tăng lãi suất đã được thị trường đón tín hiệu từ nhiều tháng trước, trong khi mức tăng cao nhất cũng chưa tới 1%.

Dữ liệu lạm phát toàn phần có thể khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Jerome Powell cảm thấy đau đầu. Áp lực chính trị có thể sẽ dẫn đến những tuyên bố từ các quan chức Fed về quyết tâm hành động của họ. Một số người có quan điểm ủng hộ một đợt tăng lãi suất vào tháng 3/2022, đồng thời thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed. Bảng cân đối này hiện ở mức gần 8.800 tỷ USD. Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định, bên cạnh chính sách tài khóa vẫn đang nới lỏng, Chính phủ Mỹ cũng vừa thông qua gói kích cầu. Tổng thống Mỹ cho biết sẽ chuyển sang kiểm soát khi tốc độ lạm phát của Mỹ tăng quá nhanh. USD tăng giá trở lại khiến giá vàng sau đó giảm. Dù có việc điều chỉnh của giá vàng trong những phiên gần đây, song giá vàng vẫn chưa quay về đáy trong năm 2021.

Nhận định giá vàng năm 2022, Tập đoàn tài chính MKS Pamp Group (Thụy Sĩ) dự báo, giá vàng chỉ có thể đạt mức bình quân 1.800 USD/ounce. Bà Nicky Shiels, Giám đốc chiến lược kinh doanh vàng của MKS Pamp Group cho rằng, để giá vàng đẩy lên 2.000 USD/ounce, cần có các yếu tố như tắc nghẽn chuỗi cung, giá năng lượng cao dẫn đến lạm phát kéo dài trong thời gian tới, nhưng khả năng đó là rất thấp.

Giới phân tích trong lĩnh vực vàng trong nước nhận định, triển vọng của vàng chưa hết, nhưng cơ hội không dành cho nhà đầu tư và người mua nhỏ lẻ trong nước, bởi chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá trong nước đang khá cao, tới 11-12 triệu đồng/lượng. Đồng thời, việc độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC đang khiến cung khan hiếm.

Giá vàng giảm, vàng SJC cao hơn thế giới hơn 12 triệu đồng/lượng
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay đi ngang quanh mức 1.783 USD/ounce khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ giảm mua trái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư