Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Vàng lập kỷ lục mới; Tỷ giá dự báo nguội dần; Lãi suất nóng lên
T.L - 05/05/2024 09:37
 
Vàng tiếp tục tăng nóng trong khi các phiên đấu thầu vàng liên tiếp bị hủy, chuyên gia kiến nghị thay đổi quy định về đấu thầu vàng, lãi suất tiếp tục tăng, ngân hàng rầm rộ chuyển sàn, tăng vốn... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

 Vàng miếng SJC vẫn leo tìm đỉnh mới

Giá vàng trong nước tăng cao bất chấp vàng thế giới lình xình quanh vùng thấp nhất trong một tháng trở lại đây cùng thông điệp mạnh mẽ hơn của Chính phủ trong quản lý thị trường vàng. Giá USD trên thị trường tự do cũng tăng mạnh.

Dù có nhịp giảm nhẹ khi trở lại sau lễ, giá vàng miếng SJC đã liên tục đi lên và xác lập mức cao kỷ lục mới.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) và PNJ, vàng miếng SJC sáng cuối tuần giao dịch ở mức 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 85,9 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán nới lên 2,4 triệu đồng/lượng. Các hãng vàng khác cũng đồng loạt niêm yết giá thu mua quanh mức 83,5 - 83,6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC bán ra thấp hơn. Tại Tập đoàn DOJI và Bảo tín Minh Châu, vàng miếng SJC bán ra tại mức giá thấp hơn, 85,7 triệu đồng/lượng.

So với thời điểm trước nghỉ lễ, vàng miếng đã tăng tới 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra chỉ trong vài ngày giao dịch. Trái với nhịp tăng mạnh trong nước, thị trường vàng quốc tế đã lao dốc khá mạnh trong tuần qua và đang duy trì khá vững ở mốc 2.300 USD/ounce.

Hiện giá vàng giao ngay khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5/2024 ở mức 2.301 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York cũng nhích nhẹ lên 2.310 USD/ounce. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC so với giá thế giới quy đổi đã nới rộng lên gần 14,4 triệu đồng/lượng.

Ngoài diễn biến đảo chiều của vàng thế giới, hoạt động quản lý điều hành cũng được Chính phủ đặc biệt lưu tâm. Ngay sau kỳ nghỉ lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, một trong các nhiệm vụ giao ngân hàng Nhà nước là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

Cũng trong ngày hôm qua (3/5), Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch đấu thầu bán vàng miếng nhưng phải hủy sau đó do không đủ số lượng doanh nghiệp đăng ký dự thầu. Giá tham chiếu nhận đặt cọc tham dự đấu thầu phiên này là 82,9 triệu đồng/ lượng. Theo quy định, tỷ lệ đặt cọc dự thầu sẽ là 10%. Như vậy, để tham gia đấu thầu, bên mua cần đăng ký mua tối thiểu 1.400 lượng vàng, tương ứng đặt cọc hơn 11,6 tỷ đồng.

Không riêng Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng.

Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoài các giải pháp của ngành thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Một giải pháp nữa mà ngành thuế đã thực hiện là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn điện tử, trong đó có các cơ sở kinh doanh vàng.

Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Lại hủy đấu thầu vàng: Chuyên gia kiến nghị giảm lượng mua tối thiểu về 500 lượng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo hủy phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng vào sáng nay (3/5) do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Đây là phiên đấu thầu vàng miếng thứ ba bị hủy. Như vậy, trong 4 phiên đấu thầu vàng được NHNN tổ chức, mới có duy nhất một phiên đấu thầu vàng diễn ra với 3.400 lượng vàng trúng thầu (chỉ chiếm 20% tổng lượng vàng được mang ra đấu thầu). 

Mức giá tham chiếu để tính giá đặt cọc được ngân hàng Nhà nước đưa ra sáng nay là 82,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá mua vào của các doanh nghiệp trên thị trường sáng nay (83,5 triệu đồng/lượng). Dù vậy, đây vẫn chưa phải là mức giá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Sáng nay, vàng miếng tiếp tục tăng ở vùng giá cao nhất lịch sử. Hiện các doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC tại 83,5-85,5 triệu đồng/lượng (mua – bán ra), chênh lệch với giá thế giới trên 13 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến vàng đấu thầu liên tục “ế” là do điều kiện tham gia đấu thầu không phù hợp với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo quy định của NHNN, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao. Chưa kể, sau khi trúng thầu, lượng vàng phải sau 2 ngày mới được giao trong khi giá vàng biến động rất mạnh. Về nguyên tắc kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ mà mua được bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để an toàn vốn vì biến động của giá vàng rất phức tạp, khó lường nên đầu cơ vàng rất rủi ro.

“NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 500 lượng vàng, sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn”, ông Long đề xuất.

Ngoài ra, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc mà NHNN đưa ra cũng chưa hấp dẫn, thậm chí còn cao hơn giá vàng miếng SJC mua vào trên thị trường.

“Điều này cho thấy NHNN vô tình “công nhận” giá thị trường của vàng miếng SJC hiện nay, không đúng mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Như vậy, nếu đơn vị trúng thầu giá phải cao hơn giá sàn thì có rủi ro lớn và sẽ bị lỗ”, ông Long nói.   

Để đấu thầu vàng thành công, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đầu tiên NHNN cần phải xây dựng lại mức giá đấu thầu phù hợp. Thứ hai, tỷ lệ đặt cọc 10% cũng là con số khá lớn, cần xem lại.  

Nếu sửa đổi các điều kiện và mức giá vàng đầu thầu, tỷ lệ vàng trúng thầu thành công sẽ cao hơn, theo ông Thịnh. Dù vậy, theo chuyên gia này, với nhu cầu thị trường hàng chục tấn vàng/năm của thị trường, việc đấu thầu 16.800 tấn vàng như muối bỏ bể.

“Đấu thầu vàng không phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài chúng ta cũng cần xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay”, ông Thịnh đề nghị.

Từ đầu tháng 4 đến nay, có không dưới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,1 - 0,5%/năm ở các kỳ hạn. Mức lãi suất 6%/năm xuất hiện tại một số nhà băng như Oceanbank ở mức 6,1%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, OCB huy động 6%/năm ở kỳ hạn 36 tháng 

Lãi suất tiết kiệm được các nhà phân tích nhận định đã thoát "đáy", nhưng hiện chưa tăng mạnh và sẽ cao dần vào cuối năm nay. Đáng chú ý nếu tín dụng cải thiện tốt hơn, ngân hàng sẽ chạy đua tăng lãi suất hút tiền gửi, chuẩn bị thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng. 

Số liệu NHNN đưa ra, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023 và đang xu hướng tăng. Trước đó, NHNN cũng cho hay, tính đến ngày 25/3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong đó riêng tháng 3 tăng 0,98%. 

Như vậy, tín dụng đã đảo chiều trong tháng 3/2024. Trong khi, theo NHNN, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (trong đó tháng 1 giảm 0,6%, tháng 2 giảm 0,05%). 

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cũng đưa ra nhận định, những diễn biến gần đây, lãi suất tiền gửi bắt đầu được điều chỉnh tăng nhẹ trở lại ở một số ngân hàng thương mại, do thanh khoản của hệ thống bắt đầu có tín hiệu cạn. 

Tuy nhiên, bằng việc cung cấp thanh khoản cho hệ thống qua các phiên giao dịch gần đây, NHNN có thể vẫn muốn duy trì mặt bằng lãi suất huy động của toàn hệ thống ở mức như hiện tại, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hàng cũng như duy trì hỗ trợ dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh. 

Còn lãi suất cho vay, theo ông Vũ, thời gian tới cũng sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các ngân hàng sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả mong đợi. 

Về vấn đề hạ lãi suất, Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cũng đánh giá, hiện lãi suất đang ở mức thấp nhất trong “nhiều chục năm” và nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Chính sách tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lãi suất và việc cố gắng duy trì lãi suất thấp như hiện nay không đồng nghĩa với việc hy sinh tỷ giá vì lãi suất. 

Theo Phó thống đốc Tú, chỉ tiêu lãi suất là vấn đề quan trọng, phức tạp đòi hỏi điều hành hợp lý bởi lãi suất quan hệ với tất cả chính sách khác, đặc biệt là tỷ giá. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trên tinh thần tạo điều kiện hạ lãi suất, nhưng phải phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô và vẫn phải được kiểm soát lạm phát. 

Do đó, lãnh đạo NHNN cho biết, hiện tại và thời gian tới, lãi suất điều hành của NHNN sẽ chưa điều chỉnh tăng hay giảm mà duy trì ở mức hiện tại. Tuy nhiên, nhà điều hành khuyến khích và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay thực tế thông qua các gói ưu đãi hoặc gói tín dụng có tính chất chuyên ngành.

Tỷ giá VND/USD sẽ giảm dần về cuối năm 2024

Dự báo VND/USD cập nhật của UOB có thể đạt 25.600 VND/USD trong quý II/2024, nhưng sau đó suy yếu dần còn 25.100 VND/USD trong quý III/2024, 24.800 VND/USD trong quý IV/2024.

Theo Báo cáo dự báo tỷ giá và ngoại hối toàn cầu mới nhất của Bộ phận Nghiên cứu Thị trường & kinh tế Toàn cầu của UOB ngày 3/5/2024, cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bàng Mỹ (Fed) vào tháng 5/2025 đưa ra nhận định rằng, trong những tháng gần đây, không có nhiều tiến triển đối với mục tiêu lạm phát 2% của nước này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cố gắng xoa dịu nỗi lo lắng khi ông nhấn mạnh rằng, chính sách đang theo hướng thắt chặt cân bằng và Fed sẽ không xem xét việc tăng lãi suất thêm nữa. Nhìn chung, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của UOB duy trì kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất 2 lần, mỗi lần 0,25% trong năm 2024, vào tháng 9 và tháng 12 năm nay; mặc dù rủi ro vẫn còn nằm ở việc Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất thêm lâu hơn nữa.

Trong lĩnh vực ngoại hối, tác động từ chu kỳ nới lỏng của Fed bắt đầu muộn hơn dự kiến đối với USD là rất rõ ràng. Gần như chắc chắn USD có thể tiếp tục mạnh, ít nhất là trong quý II/2024.

"Tuy nhiên, nhất quán với quan điểm về việc lãi suất của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới, chúng tôi xin nhắc lại rằng, USD sẽ lại suy yếu, nhưng có thể bắt đầu muộn hơn vào quý III/2024. Rủi ro chính đối với quan điểm giảm giá của USD là việc Fed giữ nguyên lãi suất. Chúng tôi dự đoán các đồng tiền châu Á tiếp tục yếu trong thời gian còn lại của quý II/2024", báo cáo UOB đưa ra nhận định.

UOB giữ nguyên kỳ vọng về sự phục hồi của các đồng tiền châu Á, nhưng sẽ bắt đầu từ quý III/2024. Rủi ro chính đối với quan điểm tích cực một cách thận trọng về ngoại hối ở châu Á là sự mất giá đột ngột của đồng nhân dân tệ (CNY).

Ở thị trường Việt Nam, theo UOB, tỷ giá VND/USD giao dịch lên mức cao mới trên 25.463 VND/USD trong tháng 4/2024 cùng xu hướng với sự mạnh lên của USD so với các đồng tiền châu Á khác

Với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang giảm dần, tỷ giá VND/USD có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4/2024 và điều này có thể giúp kiểm soát biến động.

"Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của CNY. Dự báo tỷ giá VND/USD cập nhật của chúng tôi là 25.600 VND/USD trong quý II/2024, 25.100 VND/USD trong quý quý III/2024, 24.800 VND/USD trong quý IV/2024 và 24.600 VND/USD trong quý I/2025", UOB đưa ra dự báo. 

Thanh, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng, rà soát vốn cho các dự án bất động sản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất,thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong Chỉ thị này, Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt và quyết liệt triển khai đầy đủ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất, thị trường vàng..., các Công điện số 1426, 23 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Công điện số 18 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để dự báo và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

Kịp thời rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 khi Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; trong đó chú trọng đến các chính sách mới, các chính sách tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như chính sách tỷ giá, tín dụng, lãi suất, tiết kiệm, vay vốn, thanh toán... bằng các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, đảm bảo tính minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.

Dành thời gian, công sức tập trung rà soát, phân loại các Dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có giải pháp tín dụng phù hợp đối với các dự án BOT, BT giao thông khả thi, hiệu quả, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách...

Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng như: Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình tín dụng góp phần thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ để góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"…

Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.

Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023, đảm bảo kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn gặp khó khăn, đồng thời không để trục lợi, làm sai quy định và sai lệch bản chất, nợ xấu.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo quan điểm "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Nhiều ngân hàng rục rịch chuyển sàn niêm yết, tăng mạnh vốn

Một loạt ngân hàng trình đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE/HNX, thay vì giao dịch UPCoM như hiện nay.

Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 26/4, HĐQT VietBank trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu VBB trên sàn HoSE, thay vì giao dịch trên UPCoM. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, HĐQT VietBank đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu VBB trên sàn HoSE khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi, nhưng chưa thực hiện được.

Cùng ngày, VietABank (mã VAB) tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn, niêm yết cổ phiếu, bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát cùng các vấn đề khác. Trong đó, HĐQT VietABank có tờ trình về việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành (sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận) tại sở giao dịch chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Việc lựa chọn niêm yết trên sàn HoSE hay HNX sẽ do HĐQT quyết định.

Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông ngày 19/4, BVBank trình cổ đông thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB tại sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HoSE. Trước đó, kế hoạch này đã được trình và thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, nhưng chưa thực hiện do bối cảnh thị trường không thuận lợi.

Theo kế hoạch, Saigonbank cũng sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu SGB trên sàn HoSE/HNX. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho hay, các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đủ điều kiện chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE và đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn, nhưng đây là quá trình dài và phức tạp, khó thực hiện được ngay trong năm nay.

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 5/4, cổ đông ABBank đặt câu hỏi về kế hoạch niêm yết cổ phiếu ABB với lãnh đạo ngân hàng. Khi đó, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng mong muốn đưa cổ phiếu lên sàn HoSE để huy động vốn thị trường tốt hơn, quản trị thông tin minh bạch hơn. Tuy nhiên, Ngân hàng chưa niêm yết trên sàn do điều kiện chưa thuận lợi.

Hiện còn 7 ngân hàng giao dịch trên thị trường UPCoM gồm VietABank, ABBank, Kienlongbank, VietBank, PGBank, SaigonBank, BVBank. Năm 2023, 5 ngân hàng là ABBank, VietBank, Nam A Bank, BVBank, Kienlongbank công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE/HNX, nhưng chỉ có Nam A Bank thành công đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HoSE.

Ngoài việc chuyển niêm yết cổ phiếu sàn HoSE, VietBank cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (đã được Ngân hàng Nhà nước - NHNN phê duyệt), với tổng số tiền tăng thêm là 1.003 tỷ đồng. VietBank đã hoàn tất chào bán hơn 100,3 triệu cổ phiếu và đang thực hiện các thủ tục đề nghị NHNN chấp thuận sửa đổi giấy phép. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý II và III/2024.

Năm 2024, VietBank cũng dự kiến phát hành gần 144,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 25%. Tổng mệnh giá phát hành tương ứng gần 1.445 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế để lại đến ngày 31/12/2023. Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý III và IV/2024. Nếu hoàn tất thủ tục chỉnh sửa giấy phép vốn điều lệ và phát hành thành công cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ VietBank sẽ tăng lên mức gần 7.210 tỷ đồng.

Trong khi đó, Saigonbank thông báo, ngày 24/4/2024 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, Ngân hàng dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Tổng giá trị phát hành là 308 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại qua các năm (từ 2016 trở về trước, năm 2017-2021) và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích các quỹ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Saigonbank sẽ tăng từ 3.080 tỷ lên 3.388 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của VietABank thông qua phương án tăng vốn thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn VietABank tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận từ NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

HĐQT BVBank cũng trình Đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua kế hoạch tăng thêm gần 890 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên tối đa 6.408 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng và cổ phiếu thưởng ESOP.

Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu là cần thiết để mở ra cơ hội huy động thêm vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, nâng cao thanh khoản cổ phiếu cũng như thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, một khi thị trường thuận lợi, thì niêm yết mới đem lại lợi ích tốt hơn cho cổ đông.

Đẩy lãi suất để ghìm cương tỷ giá?

Tỷ giá bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi mặt bằng lãi suất nhích dần lên. Mặt bằng lãi suất quá thấp thời gian qua đã tác động bất lợi tới tỷ giá, buộc nhà điều hành phải đặt hai yếu tố này lên bàn cân.

Tuần qua, tỷ giá và lãi suất trên thị trường có diễn biến mới. Cụ thể, trong tuần, thêm nhiều ngân hàng nhập cuộc làn sóng tăng lãi suất. Đáng chú ý là, BIDV tăng lãi suất thêm 0,2% ở nhiều kỳ hạn. Đây là ngân hàng thứ hai trong nhóm Big 4 tăng lãi suất từ đầu năm đến nay, cùng với VietinBank.

Khối ngân hàng TMCP tư nhân cũng tiếp tục tăng lãi suất. CB là ngân hàng mới nhất tăng lãi suất huy động với mức tăng lên tới 0,5%/năm ở nhiều kỳ hạn. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có hơn nửa số ngân hàng trên thị trường tăng lãi suất, bao gồm CB, BIDV, VietinBank, HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank, KienLong Bank, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank. Trong đó, một số ngân hàng thậm chí tăng lãi suất vài lần trong tháng. 

Không chỉ ngân hàng thương mại mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có động thái mới. Bắt đầu từ phiên giao dịch 23/4, NHNN đã nâng lãi suất trên kênh thị trường mở (OMO) từ 4% lên 4,25%/năm. Đồng thời, khối lượng bơm thanh khoản hỗ trợ qua kênh OMO tuần qua cũng tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.      

Theo các chuyên gia, nâng lãi suất OMO là một trong những giải pháp được NHNN thực hiện nhằm giảm chênh lệch lãi suất USD - VND, giúp hãm phanh tỷ giá. Tính từ đầu năm tới cuối tháng 4/2024, tỷ giá VND/USD đã tăng gần 5%.

Ngược chiều với diễn biến lãi suất, tỷ giá trong phiên giao dịch cuối tuần qua có dấu hiệu hạ nhiệt từ đỉnh. NHNN không còn tăng tỷ giá trung tâm, trong khi tỷ giá bán ra tại các ngân hàng cũng dần giảm và không còn đứng ở mức kịch trần như trước.

Các động thái của NHNN như hút tiền đồng dư thừa trong hệ thống, tăng lãi suất trên kênh OMO, bán ngoại tệ can thiệp thị trường… được coi là nguyên nhân giúp tỷ giá hạ nhiệt. Tất nhiên, USD bớt căng thẳng còn do đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế cũng quay đầu giảm nhẹ.

Diễn biến của tỷ giá, lãi suất được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đây là hai yếu tố quan hệ mật thiết tới chi phí đầu vào, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trước diễn biến thị trường tiền tệ hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất lo lắng lãi suất cho vay sẽ gia tăng trong khi đơn hàng phục hồi chậm, mọi chi phí đầu vào đều tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu lại lo lắng nhiều hơn về tỷ giá. Mức biến động tỷ giá gần 5% trong 4 tháng đầu năm khiến nhiều doanh nghiệp ước lỗ hàng trăm tỷ đồng vì tỷ giá.

Làm sao để duy trì tỷ giá ở mức thấp như hiện nay, song vẫn ổn định được tỷ giá là thế khó của nhà điều hành. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã phải tăng lãi suất để đối phó với tình trạng đồng nội tệ mất giá. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank Indonesia) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 8 năm, nhằm ổn định đồng nội tệ. Tại Việt Nam, NHNN khẳng định không tăng lãi suất điều hành, song cũng không thể hạ thêm nữa.

“Lãi suất là một chỉ tiêu phức tạp và đòi hỏi phải điều hành hợp lý, vì lãi suất là yếu tố liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác, trong đó có tỷ giá. Chúng ta không thể hy sinh tỷ giá vì lãi suất, mà phải đảm bảo hài hòa lãi suất và tỷ giá trên cơ sở tính toán lợi ích chung của mối quan hệ này, cũng như trong mối tương quan với các chỉ tiêu khác. Việc hạ lãi suất phải phù hợp với kinh tế vĩ mô, NHNN không đặt mục tiêu điều chỉnh lãi suất thời điểm này”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

Dù lãi suất điều hành có đứng im, mặt bằng lãi suất trên thị trường khó tránh khỏi xu hướng nhích lên. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lãi suất nhích lên là phù hợp, bởi lãi suất quá thấp, tiền gửi huy động thực âm sẽ khiến người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác. Khi đó, ngân hàng sẽ phải đối mặt với bẫy thanh khoản. Điều này càng đáng lo trong bối cảnh tín dụng phục hồi.

Theo tính toán của ông Nghĩa, với tỷ lệ lạm phát 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên, song tiền gửi nhiều kỳ hạn đang ở mức dưới 4%/năm.

Thực tế, lãi suất huy động quá thấp khiến huy động vốn toàn hệ thống tính tới cuối quý I/2024 tăng trưởng âm, trong khi tín dụng tăng trưởng dương trở lại. Mặc dù vậy, diễn biến tỷ giá hay lãi suất còn phụ thuộc vào rất nhiều biến số của nền kinh tế trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, cần quan sát thêm một số yếu tố thị trường trong thời gian tới, như thanh khoản hệ thống, tăng trưởng tín dụng, cung - cầu ngoại tệ…, thì nhà điều hành mới có thể đưa ra quyết định của mình. Dù có nhiều áp lực, song thời gian qua, NHNN đã điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá nhịp nhàng, hiệu quả để biến động tỷ giá không quá lớn và mặt bằng lãi suất khá ổn định nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.

Đẩy lãi suất để ghìm cương tỷ giá?
Tỷ giá bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi mặt bằng lãi suất nhích dần lên. Mặt bằng lãi suất quá thấp thời gian qua đã tác động bất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư