Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Vàng mất điểm phiên cuối tuần trước áp lực USD tăng
T.V - 15/01/2022 10:09
 
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế phiên cuối tuần giảm tiếp 5 USD/ounce, xuống còn 1.818 USD/ounce trước áp lực lợi suất trái phiếu và sức khỏe đồng bạc xanh của Mỹ đi lên.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng mạnh trong những phiên gần đây và đồng USD cũng đi lên so với nhiều đồng tiền khác khiến vàng thỏi trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Trái phiếu Mỹ hấp dẫn hơn khi lãi suất trái từ 1,72%/năm vọt lên 1,75%/năm, nhà đầu tư tích cực thu gom USD để mua trái phiếu giúp USD tăng giá nhiều hơn nữa khiến giá vàng giảm.

Đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế tăng trở lại sau nhiều ngày trượt giảm sâu, chỉ số USD-Index tăng 0,4 điểm lên 95,17 điểm. Thị trường đang định giá hơn 90% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3/2022.

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm 1,9% trong tháng 12/2021 do người Mỹ gặp khó khăn với tình trạng thiếu hàng trong bối cảnh tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sự bùng nổ của số ca mắc COVID-19. Đây cũng là thông tin kém tích cực cho thị trường tài chính so với dự báo giảm 0,1% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Điều này đã giúp cho giá vàng vẫn duy trì ở mức cao. Vàng đang đóng vai trò như một vật giữ chỗ trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư cho đến khi xu hướng của nền kinh tế trở nên rõ ràng.

Nhưng dữ liệu kinh tế yếu đi có thể gây ra tình trạng bán tháo trên các thị trường khác hoặc khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kiềm chế kỳ vọng tăng lãi suất và vàng sẽ gặp khó khăn hơn.

Giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, khả năng Fed bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, sau khi ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất USD mục tiêu đủ, lên khoảng 0,75 - 1% từ mức gần bằng không hiện nay. 

Việc tăng lãi suất cũng có xu hướng gây thêm áp lực lên lợi suất trái phiếu dài hạn, vốn đã tăng trước các động thái của Fed. Điều đó có xu hướng làm gia tăng phần nào lạm phát bởi chúng khiến chi phí vay mượn trở nên cao hơn.

Lạm phát năm 2021 của Mỹ đã tăng lên mức 7% khi giá cả tăng nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ. Nhưng đây không phải tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lạm phát Mỹ đã lên tới 12,2% vào cuối năm 1974. 

Tuy nhiên, kim loại quý đã gặp khó khăn trong 2 tuần đầu năm khi không thể bứt phá qua mức đỉnh của tháng 1/2021 trong khoảng 1.825 - 1.830 USD/ounce... 

Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát lên cao, nhưng việc tăng lãi suất dẫn đến chi phí cơ hội cao hơn trong việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng. 

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào là 60,95 triệu đồng/lượng và bán ra 61,65 triệu đồng/lượng, giảm 50.000-100.000 đồng ở chiều bán và mua vào. 

Giá vàng SJC đồng loạt đi ngang tại Tập đoàn Doji và doanh nghiệp Phú Quý. Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 61,000 triệu đồng/lượng mua vào và 61,600 triệu đồng/lượng bán ra. 

Sáng nay, ngân hàng thương mại tăng nhẹ giá USD 10 đồng trong ngày giao dịch cuối tuần, Vietcombank mua vào lên 22.540 - 22.570 đồng/USD và bán ra 22.850 đồng/USD.

Vàng giữ đà tăng khi lạm phát của Mỹ lên cao
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay vẫn giữ đà tăng lên 1.826 USD/ounce sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư