Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Vàng tăng nóng, tiến tới đỉnh mới
Thùy Vinh - 24/07/2020 08:46
 
Giá vàng đã tăng “nóng”, song không ít dự báo đưa ra khả năng vàng còn tăng giá do Covid-19 chưa biết khi nào sẽ chấm dứt khiến kinh tế toàn cầu suy thoái.
Giá vàng trong nước quý III/2020 được dự báo vẫn sẽ ở mức cao. Ảnh: Đức Thanh
Giá vàng trong nước quý III/2020 được dự báo vẫn sẽ ở mức cao. Ảnh: Đức Thanh

Tiến tới mốc 2.000 USD/ounce

Giá vàng giao ngay thế giới trong ngày 22/7 có thời điểm chạm 1.865 USD/ounce - cao nhất kể từ cuối năm 2011. Điều đáng nói là, chỉ trong 2 ngày, giá vàng đã có bước sóng mạnh khi tăng gần 50 USD/ounce. So với đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 20%.

Thế nhưng, không dừng lại ở mức trên, theo khảo sát của Kitco, có tới 69% chuyên gia Wall Street và 60% nhà đầu tư Main Street dự đoán giá vàng sẽ tăng. Trong khi đó, chỉ 6% số chuyên gia và 21% số nhà đầu tư nhận thấy, giá vàng sẽ giảm; 25% chuyên gia Wall Street và 19% nhà đầu tư Main Street chưa phân rõ được xu hướng.

Sở dĩ vàng tăng cao gần đây là do tác động của dịch bệnh lan rộng, làm kinh tế toàn cầu suy giảm. Ngân hàng trung ương các nước liên tục đưa ra các gói kích cầu. Covid-19 khiến các chính phủ phải tung các gói kích thích khổng lồ để vực dậy nền kinh tế. Mới đây nhất, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa trị giá 750 tỷ euro, sau 4 ngày chạy đua đàm phán. Trước đó, các thành viên EU cũng đã áp dụng gói kích thích riêng trị giá hàng trăm tỷ euro cho nước mình, đồng thời hạ lãi suất để cứu nền kinh tế.

Đáng chú ý hơn, tại Mỹ, khi số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt trong làn sóng thứ 2, các nghị sĩ nước này đang phải phác thảo một gói kích thích mới trong chưa đầy 2 tuần, trước khi chương trình hỗ trợ thất nghiệp mở rộng cho hàng triệu người nước này hết hạn. Trước đó, Mỹ đã công bố gói kích thích hàng ngàn tỷ USD và nhiều lần hạ lãi suất khẩn cấp.

Việc nới lỏng cũng phổ biến tại nhiều quốc gia khác như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Chuyên gia phân tích lĩnh vực tài chính và vàng, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các chính sách này sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát và tiền tệ mất giá, nhất là với USD. Dollar Index còn xuống đáy 4 tháng so với rổ tiền tệ lớn.

Ngược lại, vàng là công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động chính trị - xã hội. Vì vậy, giới phân tích tài chính cho rằng, khi thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức suốt hơn nửa năm qua, việc giá vàng liên tục phá kỷ lục không phải là điều ngạc nhiên. Theo nhận định của các nhà băng lớn trên thế giới như Citigroup, Goldman Sachs hay Bank of America, Covid-19 khiến hoạt động kinh tế trên toàn cầu đình trệ là nguyên nhân khiến vàng tăng giá và khả năng chưa dừng lại.

Mốc 2.000 USD/ounce được giới phân tích lĩnh vực vàng nhận định sẽ là đỉnh mới cho giá vàng trong tương lai gần, nếu Covid-19 chưa được kiểm soát.

Vàng hút vốn

Goldman Sachs cho biết, vàng là công cụ lưu trữ giá trị quan trọng nhất trong thời kỳ kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Vì thế, mặt hàng kim quý này tiếp tục hút vốn của các nhà đầu tư, đầu cơ. Theo Bloomberg, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ đầu tư đảm bảo bằng vàng đã lên tới gần 3.235 tấn, tăng thêm gần 656 tấn từ đầu năm tới nay. Mức tăng này cao hơn mức tăng kỷ lục ghi nhận trong năm 2009.

Còn theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới, Covid-19 là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất và duy nhất đối với nhu cầu vàng 2 quý đầu năm. Các quỹ ETF vàng ghi nhận dòng vốn đổ vào cao nhất 4 năm qua do tình hình thế giới bất ổn, các thị trường tài chính biến động mạnh.

Nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, trong quý II/22020, giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục xu hướng leo cao trước những diễn biến bất ngờ và kém tích cực của tăng trưởng kinh tế thế giới. Kết thúc quý I/2020, giá vàng trong nước ở mức 49,68 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 5,7% so với đầu quý I và tăng 17,6% so với đầu năm, nhưng nay đã tăng hơn 20%.

Nhóm chuyên gia VEPR lý giải, nguyên nhân chính cho việc tăng mạnh của giá vàng là sự bất an của người dân quốc tế và trong nước đối với diễn biến phức tạp của Covid-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước có nền kinh tế phát triển Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ, những quốc gia tiêu thụ vàng nhiều thứ hai trên thế giới.

Dự báo về giá vàng trong quý III/2020, nhóm chuyên gia khẳng định, giá vàng trong nước vẫn sẽ ở mức cao, do viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong và sau Covid-19. Tính đến chiều 22/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 52,00 - 53,03 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Sức “nóng” của vàng khiến nhiều người đứng ngồi không yên, vẫn muốn “xuống” tiền để kiếm lợi nhuận, dù giá đã tăng ở mức cao so với đầu năm nay. Trong đó, một số nhà đầu tư nhỏ, lẻ đã rút tiết kiệm khi lãi suất trong xu hướng đi xuống để mua vàng. Thậm chí, không loại trừ khách hàng bán bất động sản để chuyển hướng đầu tư, vì vàng được dự báo còn chạm mốc 2.000 USD/ounce thì mua lúc này vẫn lãi. Tính từ đầu năm đến nay, nếu rót vốn vào vàng, nhà đầu tư đã kiếm được mức lợi nhuận 20%, cao gấp nhiều lần so với các kênh đầu tư khác trong bối cảnh Covid-19.

Lướt sóng vàng chưa hẳn kiếm được lợi nhuận cao

Theo khuyến cáo từ chuyên gia cấp cao ngành vàng - ông Huỳnh Trung Khánh, nhà đầu tư không nên rút hết tiết kiệm chuyển sang mặt hàng kim quý này, mà cần phân bổ danh mục đầu tư hợp lý. Lướt sóng vàng chưa hẳn kiếm được lợi nhuận cao. Ở thị trường nội địa, tâm lý của các nhà đầu tư thường đổ xô mua vàng khi thấy giá tăng nóng và ồ ạt bán tháo khi giá quay đầu. Nhưng để kiếm lợi nhuận, cần hành động ngược lại, vì vàng được dự báo sẽ còn cơ hội tăng.
Cố vấn Hội đồng vàng thế giới: Giá vàng có thể chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce
Theo cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia, khi chưa có vắc-xin phòng Covid-19 và các nhà đầu tư vẫn tìm đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư