Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vay lãi suất cao để kinh doanh đa cấp, nữ sinh viên tống tiền gia đình
Minh Anh (ANTD) - 12/09/2015 08:06
 
Bị các đối tượng dụ dỗ ngon ngọt mời tham gia vào chương trình kinh doanh “siêu lợi nhuận” theo hình thức bán hàng đa cấp, nữ sinh viên đã đi vay lãi suất cao tại các cửa hàng cầm đồ để mua sản phẩm của công ty. Không phát triển thêm được khách hàng, tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con, quẫn trí, nữ sinh viên này đã tự dựng lên màn kịch bị bắt cóc và tống tiền chính gia đình mình để trả nợ.
Logo Vietnet vẫn còn được lưu giữ trên trang web của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt

Truy tìm nữ sinh viên mất tích

Trưa  9-9, một người đàn ông dáng vẻ lam lũ đến trụ sở CAP Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy trình báo việc con gái bị bắt cóc và kẻ xấu đang đòi tiền chuộc, nếu không sẽ bị thủ tiêu. Được sự động viên của chỉ huy CAP, sau khi trấn tĩnh lại, người đàn ông trên cho biết là Nguyễn Văn Quang, ở Vĩnh Phúc. Chiều  8-9, con gái ông Quang là Nguyễn Thị Hà (SN 1994), sinh viên năm thứ  hai của một trường đại học ở quận Cầu Giấy từ quê xuống Hà Nội để học. Ngay hôm sau, ông Quang nhận được một tin nhắn từ số điện thoại của con gái mình với nội dung thông báo Hà đã bị bắt cóc, yêu cầu gia đình phải nộp tiền chuộc. Chưa dừng lại, đối tượng liên tiếp nhắn tin đe dọa, yêu cầu gia đình nhanh chóng phải nộp số tiền 70 triệu đồng vào tài khoản của Hà ngay, nếu không sẽ thủ tiêu bị hại hoặc bị bán sang Trung Quốc. Quá lo lắng và hoảng sợ, ông Quang vội vàng xuống Hà Nội trình báo cơ quan công an.

Tiếp nhận đơn trình báo của bị hại, xác định đây là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời tính mạng của nạn nhân có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào, Ban chỉ huy CAQ Cầu Giấy đã thông báo sự việc lên Phòng CSHS CATP Hà Nội, phối hợp cùng với các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương xác minh, điều tra truy tìm nữ sinh viên. Trong khi lực lượng công an đang căng sức truy tìm Hà thì ông Quang liên tục nhận được các yêu cầu của đối tượng bắt phải chuyển tiền ngay. Đối tượng đe dọa 14h ngày 9-9 là thời hạn cuối cùng để chốt “giao dịch”, nếu không cả gia đình ông Quang sẽ phải hối hận. Song song với việc khẩn trương truy tìm Hà, cơ quan công an cũng hướng dẫn ông Quang khéo léo kéo dài thời gian chuyển tiền cho đối tượng.

Lộ rõ chân tướng

Ngay trong đêm 9-9 và rạng sáng  10-9, lực lượng công an đã rà soát tất cả các khu trọ, nhà nghỉ trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Đến 0h30  ngày 10-9, cơ quan công an phát hiện và tìm được  Hà trong  nhà nghỉ trên đường Phạm Tuấn Tài ở phường Cổ Nhuế 1. Tại thời điểm được công an tìm thấy, Hà lúc này đang ở cùng với bạn trai là Lưu Hà Minh (SN 1996), quê ở Thanh Hóa cũng là sinh viên. Kiểm tra trong phòng, CAQ Cầu Giấy xác định Hà không hề bị đối tượng nào bắt cóc, khống chế và đe dọa tống tiền. Ngay lập tức, cả Hà và Minh được đưa về trụ sở CAQ Cầu Giấy để làm rõ sự việc.

Tại CAQ Cầu Giấy, Hà khai nhận vào khoảng tháng 3 vừa qua có một người kết bạn trên facebook tên là Bính rủ làm nhân viên bán thực phẩm chức năng tại Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt (Vietnet) có trụ sở tại 252 Hoàng Quốc Việt, Cố Nhuế 1, Bắc Từ Liêm.  Tại đây, Hà được Bính tư vấn cách thức kinh doanh nếu giới thiệu được càng nhiều người tham gia vào Vietnet càng được nhiều hoa hồng. Cứ mỗi người giới thiệu được cho công ty, Hà sẽ được công ty trả 680 nghìn đồng. Và điều kiện để tham gia công ty đó là Hà phải mua một bộ sản phẩm của công ty Vietnet với giá 10 triệu đồng. 

Trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của các nhân viên, Hà đã đồng ý để họ dẫn đi các cửa hàng cầm đồ để vay tiền. Cầm số tiền vay được 24 triệu đồng với lãi suất cao từ 3.000 đồng đến 7.000 đồng/1 triệu/1 ngày, Hà cắt ngay 20 triệu đồng mua 2 mã sản phẩm chức năng của Công ty Vietnet và trở thành cộng tác viên. Theo hướng dẫn, Hà tiếp tục lôi kéo được 2 người bạn làm cộng tác viên cho Vietnet và được thưởng ngay 680 nghìn đồng/người. Tuy nhiên, sau đó Hà không mời được ai nữa trong khi lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền vay lãi tăng lên từng ngày. Tháng 6 vừa qua, Hà nghỉ làm tại Vietnet và không trả được tiền nợ. Bị chủ nợ đòi tiền gắt gao, Hà đã tự vẽ ra kịch bản bị đối tượng nghiện ma túy bắt cóc và nhắn tin tống tiền bố mẹ để lấy tiền trả nợ tín dụng đen. 

Bạn trai của Hà là Lưu Hà Minh cũng từng là một nạn nhân của Công ty Vietnet. Cả hai quen nhau trong khi làm cộng tác viên cho công ty này. Bản thân Minh cũng bị lừa vay ở cửa hàng cầm đồ 20 triệu đồng để mua sản phẩm. Khi biết bạn gái cũng lâm vào hoàn cảnh như mình, Minh có khuyên nhủ song Hà không nghe.

Văn phòng của công ty đa cấp trên đã được đổi logo từ Vietnet thành Aviinet

Mánh khóe “dụ mồi” bán hàng đa cấp

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo ANTĐ, hiện nay Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt (Vietnet) đã đổi logo thành Aviinet tại số 15 phố Đặng Thùy Trâm. Đây không phải là lần đầu tiên công ty này bị người dân tố cáo lừa đảo. Đầu năm 2015, một nữ sinh viên trường ĐH Thương mại sau khi sập bẫy lừa vay “tín dụng đen” để tham gia kinh doanh đa cấp tại công ty này đã uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn được phát hiện, cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, không ít sinh viên cũng đã phải bỏ học khi dính bẫy vay nặng lãi để mua mã sản phẩm của Vietnet.

Thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó Trưởng CAQ Cầu Giấy cho biết, một trong những đối tượng mục tiêu của các công ty đa cấp đó là sinh viên. Bản thân các sinh viên vì nhẹ dạ, hám lợi mong muốn có việc làm thêm nên dễ trở thành “mồi” cho các đối tượng này. Khi sập bẫy, số sinh viên này cũng ngại tố cáo vì sợ, lo ảnh hưởng đến việc học tập hoặc xấu hổ với gia đình, bạn bè. Ngoài việc ảnh hưởng đến học hành, từ sức ép phải kiếm tiền trả nợ, những sinh viên này thường có nhiều hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến ANTT.

Đáng lo ngại, hiện nay xuất hiện tình trạng liên kết giữa các cửa hiệu cầm đồ, cầm cố, cho vay theo kiểu “tín dụng đen” với các công ty đa cấp để dụ dỗ, mồi chài cung cấp “vốn” cho sinh viên, người lao động. Khi đã vay tiền, các sinh viên này buộc phải “phát triển thị trường” nếu không có tiền trả nợ sẽ gây ra những hành vi vi phạm pháp luật hoặc có hành động tiêu cực, hủy hoại bản thân. Hơn ai hết, cùng với cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh, nhất là nhà trường, thầy cô giáo cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, những thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng kinh doanh hàng đa cấp để sinh viên, người thân tránh bị sập bẫy, phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bán hàng đa cấp sẽ bị siết chặt, phạt mạnh tay
Bộ Công thương thừa nhận, hoạt động bán hàng đa cấp trên thực tế còn nhiều tồn tại, bất cập nhất định, từ đó tạo nên những hình ảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư