Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Vay nhiều, nhưng phải đảm bảo an ninh, an toàn tài chính
Nguyên An - 26/10/2020 08:48
 
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trao đổi về vấn đề nợ công.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, phải tính lại trần nợ công, nếu quy mô GDP được tính lại và vay phải đảm bảo an ninh, an toàn tài chính, đồng thời phải giảm vay để gánh nặng trả nợ không đè lên thế hệ sau.

.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Nợ công có dấu hiệu nguy hiểm

Trong Kỳ họp thứ 10 này của Quốc hội, ngay từ ngày làm việc đầu tiên, cơ quan giúp Quốc hội "gác cửa" túi tiền quốc gia (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) đã nêu ra không ít con số đầy tính cảnh báo, như thu ngân sách hụt đến 189.200 tỷ đồng; bội chi tăng vọt, có thể tăng tới 5,59% GDP (dự toán là 3,44% GDP). Đặc biệt, năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) - dấu hiệu nguy hiểm, có thể gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.

Thưa ông, theo báo cáo của Chính phủ, không chỉ năm 2021, mà nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN có khả năng vượt ngưỡng 25% trong một số năm ở giai đoạn tới và có xu hướng tăng nhanh. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề cập con số cả trả nợ gốc và lãi nếu so với số thu là cao hơn mốc cần cảnh báo 30%, có nghĩa là "dấu hiệu nguy hiểm" sẽ kéo dài?

Nếu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN vượt 25% thì an ninh, an toàn tài chính có vấn đề, bởi theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này tối đa là 25%. Nhưng quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay như thế nào, nếu sử dụng có hiệu quả, thì có thể chấp nhận tăng vay lên và có những năm có thể chấp nhận nghĩa vụ trả nợ trên 25% tổng thu NSSN.

Thực tế, không có nước nào kéo dài tỷ lệ này 5 - 6 năm liền, mà chỉ chấp nhận vài năm. Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã xác định đến năm 2025, nợ công phải giảm.

Tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói rõ là GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%, theo đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu - chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi. Như vậy, con số tương đối sẽ giảm so với hiện hành, nhưng số tuyệt đối vẫn tăng lên. Cơ quan thẩm tra cũng lo ngại, quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia, thưa ông?

Theo cách tính hiện hành, mức trần nợ công được Quốc hội cho phép là 65% GDP, nợ Chính phủ là 54% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là 50% - những mức được cho là an toàn. Nhưng nếu GDP tính lại mà vẫn ở mức trần đến 65%, thì cần cân nhắc, nên phải đưa mức trần xuống 55 - 60% GDP. Điều chỉnh GDP thì phải điều chỉnh cả chính sách mới đảm bảo an toàn.

Ông có thể nói rõ hơn về điều chỉnh chính sách trong giai đoạn tới?

Hiện nay, tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP là 21% theo cách tính hiện hành, còn tính theo GDP điều chỉnh thì chỉ là 14 - 15%. Nhưng hiện tại, Chính phủ trình Quốc hội là, từ năm 2021, thu thuế, phí đạt 20 - 21% GDP.

Theo tôi, con số trên chưa thể thực hiện được, vì chưa điều chỉnh chính sách thu, thì làm sao thu được tỷ lệ như cũ. Hiện tại, chính sách thu chưa có gì mới. Nếu tới đây, ngành thuế có thể tăng cường quản lý thu thuế của những người bán hàng qua mạng hay chống chuyển giá..., thì đó cũng chỉ là quản lý, chứ không phải đổi mới chính sách thu thuế.

Không để bội chi tăng đột biến

Thưa ông, theo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhiều khả năng, bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38.500 tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357.960 tỷ đồng), bằng 5,59% GDP. Con số này, theo ông, có đáng lo ngại không?

Tăng trưởng không đạt được như dự kiến thì đương nhiên sẽ hụt thu, mà muốn đảm bảo an sinh xã hội, thì bội chi phải tăng lên. Nhưng nếu vẫn tính theo GDP chưa điều chỉnh, thì bội chi xung quanh 6% GDP là mức cao, khoảng 3,5 - 4% mới an toàn. Nhiều nước trên thế giới chỉ giới hạn bội chi ở mức 3%.

Do ảnh hưởng của Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, nên mức bội chi tăng cao hơn. Nhưng, con số cụ thể phải tính toán, cân nhắc, bởi nếu để bội chi tăng đột biến, thì sẽ để lại "gánh nặng" cho thế hệ sau.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm vay khoảng 600.000 tỷ đồng, 5 năm tới vay khoảng 3 triệu tỷ đồng, nếu tính trên GDP là phải vay trên 50%. Các nước khác cũng có vay, nhưng nền kinh tế của họ ổn định, có cho vay và có đi vay, như Nhật Bản nợ công đến 200% GDP vẫn coi là bình thường. Còn Việt Nam, nền kinh tế quy mô còn nhỏ, nên phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Năm 2021, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN là 1.343.330 tỷ đồng, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 579.772 tỷ đồng. Chính phủ dự báo đến cuối năm 2021, nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại), nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại); nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN có thể lên mức 27,4%.

Trong Kế hoạch Tài chính quốc gia 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất tổng thu NSNN cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỷ đồng. Ông nghĩ sao về con số này?

Nếu đạt 7,8 triệu tỷ đồng, thì chỉ tăng so với nhiệm kỳ 2016 - 2020 chưa đến 1,2 lần. Đó là mức tăng rất thấp, nên bội chi mới cao.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, số thu hiện tại quá thấp vì chính sách thu lạc hậu, không theo kịp thế giới. Nghị viện châu Âu ra nghị quyết cấm các nước EU thu thuế VAT dưới 15%, nhưng ở Việt Nam, thuế VAT mới 10% mà đang có ý kiến kêu ca. Nghị viện châu Âu cũng cấm thuế thu nhập doanh nghiệp dưới 30%; còn ở Việt Nam là 20%, nhiều dự án được ưu đãi ở mức 10% cả đời dự án, nên tính bình quân thì chưa tới 17%.

Nhưng cả người dân và doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều khó khăn, lúc này tính đến thay đổi chính sách theo hướng tăng thuế như vậy liệu có hợp lý không, thưa ông?

Thuế thu nhập cá nhân mới là trực thu, còn VAT là gián thu, ai mua hàng mới phải nộp, mua nhiều thì nộp nhiều. Tại sao mình đòi chi như thế giới, mà thu lại không như thế giới, hội nhập thì phải đặt chính sách thuế trong mối quan hệ đó chứ. Với chính sách thuế như hiện nay, thì 5 năm tới, thu chỉ tăng 1,2 lần, nhưng chi tăng 1,5 lần, nên bội chi tăng cao.

Bên cạnh đó, với cách quản lý hiện nay, nhiều người vẫn không nộp đủ thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn, có ca sỹ đi diễn thu hàng trăm triệu đồng một tối, nhưng cơ quan quản lý không thu được thuế. Rồi biết bao nhiêu người bán hàng qua mạng cũng không nộp thuế, do quản lý kém.

Với thuế VAT hay thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam cũng có thể thu được như mức của thế giới. Tất nhiên, không phải tăng cao lên mức trung bình của thế giới ngay, mà phải có lộ trình, có thể tăng dần trong 2 - 3 nhiệm kỳ. Điều quan trọng là phải có phải định hướng rõ. Phải giảm vay để con cháu bớt phải trả nợ.

Đó là chuyện lâu dài, hiện tại, ngân sách vẫn đang phải "co kéo" để vừa chống dịch, vừa lo hồi phục kinh tế sau đại dịch. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đánh giá, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 còn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Vậy theo ông, Quốc hội có cần tính tới gói hỗ trợ thứ hai không?

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vẫn đang được thực hiện, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chưa đánh giá về hiệu quả của gói này. Hiện tại, nói chưa hiệu quả là hơi sớm, bởi tỷ lệ giải ngân thấp có thể do quy trình, thủ tục, chứ chưa thể nhận định là gói này chưa hiệu quả. Còn gói hỗ trợ thứ hai, theo tôi, tình hình dịch bệnh đang ổn định dần, nên chưa cần tính tới.

Gần 154.000 tỷ đồng phải thi hành án liên quan đến thu hồi nợ của ngân hàng
Kết quả thi hành xong về việc và tiền liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng đều tăng so với năm 2019.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư