Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
VEAM dự kiến thu về hơn 7.200 tỷ đồng từ 3 công ty liên doanh
Hồng Phúc - 13/05/2019 17:25
 
Ba công ty liên doanh của Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã: VEA) là Honda, Toyota và Ford Việt Nam được dự đoán sẽ đóng góp hơn 7.200 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận năm 2019 của VEAM.

Theo kết quả kinh doanh quý I/2019 của VEAM, trong khi doanh thu thuần giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái thì lợi nhuận sau thuế tại tăng 22%.

Ban lãnh đạo Tổng công ty lý giải kết quả trên có được từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất, lãi trong công ty liên doanh, liên kết trong Quý tăng 14% so với quý I/2018, mang về 1.209 tỷ đồng.

Thứ hai, chỉ tiêu doanh thu hoạt động tài chính trong Quý tăng 704% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 176,6 tỷ đồng), nhờ lãi tiền gửi ngân hàng của Công ty mẹ tăng. Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, kết quả này có được do Tổng công ty đã tái cơ cấu lại kỳ hạn tiền gửi bởi được quản trị tốt hơn nhờ có quyền Tổng giám đốc mới.

Một số kỳ hạn của các khoản tiền gửi được nâng lên, từ 1-3 tháng như trước đây thành 12 tháng. Tính đến ngày 31/03/2019, tiền gửi đã tăng 7,3% so với đầu năm, đạt 10.300 tỷ đồng và giúp doanh thu hoạt động tài chính quý I/2019 đạt 176,6 tỷ đồng.

VEAM hiện nắm 30% vốn tại công ty Honda Việt Nam, 20% vốn tại công ty ô tô Toyota Việt Nam và 25% vốn tại công ty TNHH Ford Việt Nam. Ba công ty liên doanh này lãi 4.398 tỷ đồng trong năm 2018 và sẽ lãi trên 20.000 tỷ đồng trong năm nay cũng như góp hơn 7.200 tỷ đồng vào lợi nhuận của VEAM (theo HSC).

VEAM chưa công bố tài liệu cũng như tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 nên chưa đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Tuy nhiên, HSC dự báo doanh thu năm 2019 của Tổng công ty sẽ tăng 5% (đạt 7.424 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 8,1% (đạt 7.618 tỷ đồng) so với kết quả năm 2018.

Cụ thể, HSC dự đoán Honda Việt Nam sẽ bán 2,7 triệu chiếc xe máy và 30.621 xe hơi trong năm 2019, mang về doanh thu thuần gần 117.000 tỷ đồng (tăng 8,6%) và lợi nhuận sau thuế là 19.700 tỷ đồng (tăng 4,4%). Phần lợi nhuận dành cho VEAM năm nay khoảng 5.992 tỷ đồng (tăng 4,4%).

Còn với lợi nhuận sau thuế của Toyota Việt Nam năm 2019 được dự báo sẽ tăng 21,3%, đạt 4.963 tỷ đồng. Phần lợi nhuận dành cho VEAM là 993 tỷ đồng (tăng 21,3%). Dự báo này được đưa ra dựa trên giả định doanh số tiêu thụ xe ô tô của hãng tăng 12,7%, đạt 74.856 xe cùng tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 18,5% từ 17,8% của năm ngoái.

VEAM nắm 25% Ford Việt Nam và được dự báo sẽ hợp nhất 331 tỷ đồng từ đây là lợi nhuận của mình (tăng 15%) trong năm 2019.

Trong quý I/2019, VEA đã tiêu thụ được 262 xe tải VEAM (tăng 99 xe so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên mảng kinh doanh này đã gặp phải một số khó khăn do hầu hết hàng tồn kho là xe tải tiêu chuẩn Euro2 có giá trị bị giảm xuống và khiến tỷ suất lợi nhuận của xe theo tiêu chuẩn cũ giảm dần.

Báo cáo thường niên năm 2018 của VEAM cũng nhắc đến nguyên nhân này khiến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2018 không đạt kế hoạch. Cụ thể, nhà máy ô tô tiêu thụ sản phẩm xe tải có tiêu chuẩn khí thải Euro 2 không đạt kế hoạch và sản phẩm có tiêu chuẩn khí thải Euro 4 chưa kịp phát triển trong năm đầu tiên sản xuất.

Báo cáo phân tích của HSC có nhắc đến việc VEAM phải nộp 353 tỷ đồng do tính nhầm thuế nhập khẩu phụ tùng/linh kiện lắp ráp trong giai đoạn 2016-2017. Trước đó, ngày 15/03/2019, VEAM nhận được Quyết định của Cục hải quan thành phố Hà Nội về việc khai sai mã HS, diễn ra trong thời gian trước khi IPO. Theo HSC, VEA đã nộp 173 tỷ đồng trong thời gian 2016-2017 và phải nộp 180 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019. Số thuế này đã có thuế VAT nhưng chưa bao gồm tiền phạt nộp chậm do khai sai thuế.

HSC dự đoán, VEAM sẽ phải nộp tiền phạt chậm nộp thuế là 47 tỷ đồng và 35 tỷ đồng phạt do tính nhầm thuế.

“Chúng tôi được biết Công ty đang làm việc với Cục Hải quan để xin không bị phạt do tính nhầm thuế. Trong kịch bản tốt nhất và xấu nhất, Công ty sẽ lần lượt phải hạch toán 110 tỷ đồng hoặc 145 tỷ đồng vào chi phí vì sau khi IPO nghĩa vụ này thuộc về Công ty cổ phần. Về việc điều chỉnh bảng cân đối kế toán, nghĩa vụ thuế phải nộp sẽ tăng lên và lợi nhuận chưa phân phối sẽ giảm xuống”, theo HSC.

Nếu tính cả nghĩa vụ thuế phải nộp, HSC ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2019 của VEAM sẽ giảm từ 1,4% đến 1,9% (đạt 7.436 tỷ đồng đến 7.470 tỷ đồng).

HSC đánh giá cao vào triển vọng tương lai hứa hẹn của VEA nhờ cơ cấu danh mục sản phẩm ở mảng xe máy cũng như mảng ô tô đều tăng trưởng tốt. Trong 3 năm tới, HSC dự báo lợi nhuận của VEAM sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân là 9,7%. Xu hướng gia tăng tiêu thụ xe tay ga được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp Honda Việt Nam nâng cao lợi nhuận trong một thị trường đã bão hòa. Trong khi đó, lợi nhuận từ Toyota và Ford sẽ cải thiện dần từ năm 2019 trở đi nhờ doanh số tiêu thụ ô tô tăng ở tốc độ 2 con số.

Dự kiến VEAM sẽ trình cổ đông Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 được tổ chức vào ngày 31/05 về việc đăng ký niêm yết cổ phiếu VEA trên sàn chứng khoán TP.HCM trong thời gian tới.


Honda Việt Nam lãi hơn 3.000 tỷ đồng trong quý I/2019
Doanh số tiêu thụ ô tô tăng mạnh giúp Honda Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 23.000 nghìn tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư