Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
VEAM mang về cho Bộ Công thương hơn 4.746 tỷ đồng tiền lãi từ vốn góp
Thế Hải - 25/06/2022 09:06
 
Với tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ lên đến 88,47%, năm 2021 Bộ Công thương thu về ít nhất 4.746 tỷ đồng tiền lãi cho phần vốn góp tại VEAM
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thấng Hải phát biểu chỉ đạo tại ĐHCĐ 2022 của VEAM.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thấng Hải phát biểu tại ĐHCĐ 2022 của VEAM

Tại ĐHCĐ thường niên 2022 của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam-CTCP (VEAM, Mã CK: VEA- sàn UPCoM) VEAM đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 40,376%, tức mỗi cổ phiếu nhận được 4.037,6 đồng.

Đồng thời, đại hội cổ đông cũng đã ủy quyền cho HĐQT quyết định việc chi trả cổ tức theo quy định sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương. Theo đó, tổng số tiền dự chi khoảng 5.365,2 tỷ đồng và sẽ được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối.

Như vậy, với tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ lên đến 88,47%, năm 2021 Bộ Công thương sẽ thu về ít nhất 4.746 tỷ đồng tiền lãi cho phần vốn góp từ VEAM và con số này có thể đạt trên 5.323 tỷ đồng nếu phương án phân phối 100% lợi nhuận được Bộ Tài chính thông qua.

Năm 2021, VEAM ghi nhận doanh thu đạt 4.019 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế 5.942 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 3,6% lên 5.794 tỷ đồng nhờ các công ty liên doanh liên kết mang về khoản lãi hơn 5.100 tỷ đồng.

HĐQT cũng đệ trình và thông qua mục tiêu kinh doanh cho công ty mẹ từ năm 2022 - 2026 với tổng doanh thu tăng trưởng bình quân 6,5%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 5%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 10%/năm.

VEAM sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hợp tác nội bộ giữa các đơn vị thành viên và dự kiến phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tập trung đẩy mạnh công tác xuất khẩu.

Trong công tác đầu tư, VEAM chủ trương tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để xem xét, hợp tác trực tiếp hoặc thông qua công ty con để đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm máy nông nghiệp, ô tô, công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng phát triển tại Việt Nam và khu vực.

Theo đó, trong năm 2021, VEAM chưa thực hiện việc niêm yết cổ phiếu do chưa đủ điều kiện niêm yết theo quy định của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Vì vậy, trong năm 2022, HĐQT sẽ tiếp tục rà soát các vướng mắc để đáp ứng được điều kiện niêm yết cổ phiếu VEA.

Những vướng mắc trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại của VEAM kéo dài từ nhiều năm trước đây như: kinh doanh xe Changan; thu hồi công nợ quá hạn; các tồn tại tại nhà máy ô tô VEAM nhất là số xe tồn kho lâu năm và việc thua lỗ; hoạt động kém hiệu quả của một số công ty con, công ty liên kết, đã khiến VEAM chưa thể hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán, nhưng VEAM khẳng định kiên trì theo đuổi mục tiêu này.

Được biết năm 2021, đối với Nhà máy ô tô VEAM xe Euro 2 tiêu thụ chỉ đạt 21% so với kế hoạch do giá bán cao khó cạnh tranh trên thị trường dẫn đến VEAM MOTOR chưa bán được hàng tồn kho theo kế hoạch.

Ông Phan Phạm Hà, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc VEAM cho biết: “Tổng công ty đã thực hiện bán đấu giá toàn bộ xe tồn kho 3 lần, nhưng không có đơn vị nào tham gia đấu giá, nhà máy ô tô VEAM vẫn đang tiếp tục rà soát đánh giá và đề xuất điều chỉnh phương án phù hợp thực tế thị trường để tiếp tục tổ chức bán đấu giá theo kế hoạch trong năm 2022. Đối với lô xe Changan, doanh nghiệp đã thuê đơn vị tư vấn pháp lý và trình cấp có thẩm quyền quyết định giải pháp phù hợp”.

Năm 2022, Tổng công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 5.978 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.993 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,1% và 17%. Tổng doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 9.573 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với thực hiện cả năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.137 tỷ đồng, giảm 11,3%.

Đồng thời, Tổng công ty tiếp tục rà soát để thực hiện công tác quyết toán cổ phần hóa của VEAM tại thời điểm chính thức chuyển giao sang công ty cổ phần theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu VEAM với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phù hợp với định hướng phát triển Tổng công ty. 

Lãnh đạo Bộ Công thương nói về việc chậm thoái vốn VEAM
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, nếu bán vốn trong thời điểm hiện tại, giá trị Nhà nước thu về chưa bằng 5 năm lợi nhuận từ hoạt động liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư