Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Lãnh đạo Bộ Công thương nói về việc chậm thoái vốn VEAM
Kỳ Thành - 05/09/2020 08:11
 
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, nếu bán vốn trong thời điểm hiện tại, giá trị Nhà nước thu về chưa bằng 5 năm lợi nhuận từ hoạt động liên doanh của VEAM.
Trụ sở Tổng công ty Máy động lực & Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)
Trụ sở Tổng công ty Máy động lực & Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổng công ty Máy động lực & Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có đặc thù là dù kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ khí, ô tô, nhưng thu nhập chính lại đến từ các liên doanh mà VEAM đang thực hiện với các hãng lớn như Honda, Toyota, Ford.

“Số vốn điều lệ tham gia 3 liên doanh chỉ chiếm 7% nhưng mang lại trên 90% tổng lợi nhuận của VEAM”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Do đó, theo ông Hải, nếu thoái vốn không cẩn thận, Nhà nước sẽ bị thiệt hại, vì mỗi năm riêng phần chia liên doanh đã mang lại lợi nhuận tới hơn 7.000 tỷ đồng. Nếu bán vốn ở thời điểm này chỉ thu được khoảng 30.000 tỷ đồng, tương đương với gần 5 năm lợi nhuận.

Vì vậy, dù trước đó Bộ Công Thương đã có quyết định thoái vốn, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa thoái vốn tại doanh nghiệp này. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu, khi thoái vốn sau này cũng cần trình phương án cụ thể, trình Chính phủ.

“Bộ Công Thương khẳng định quan tâm việc thoái vốn nhưng phải thoái vốn bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước”, ông Hải khẳng định.

Chia sẻ về việc thoái vốn tại một doanh nghiệp lớn khác là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhắc lại thương vụ bán vốn Nhà nước tương đương với 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco, thu về  hơn 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. “Đây là thương vụ được đánh giá là thành công, vì nếu thoái trong bối cảnh hiện nay thì giá trị thu được sẽ khiêm tốn, nếu không nói là thiệt”, ông Hải nhận định.

Hiện tại, Nhà nước còn nắm giữ 36% vốn tại Sabeco.  Ngày 28/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã bàn giao phần vốn này (tương đương 2.308 tỷ đồng) cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn.

“Quan điểm của chúng tôi là khẩn trương thực hiện việc thoái vốn, nhưng việc này cần tính toán thời điểm nào lợi ích cao nhất chứ không phải thoái càng nhanh càng tốt”, ông Hải cho hay.

Trao đổi thêm về vấn đề thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, năm 2020, tiến trình thoái vốn chậm do nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân do dịch Covid-19.

Khẳng định quan điểm của Bộ Tài chính là luôn thúc đẩy cổ phần hoá, đổi mới DNNN, ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng các cơ chế chính sách tài chính, bảo đảm triển khai thuận lợi việc cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng xây dựng các cơ chế chính sách phát triển thị trường chứng khoán, bảo đảm sau khi cổ phần hoá, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn DNNN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ có kế hoạch thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Vẫn còn loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, VEAM khó lòng chuyển sàn
Báo cáo soát xét do VACO đảm nhận kiểm toán nêu ra một loạt ý kiến ngoại trừ. Điều này khiến cửa chuyển sàn ngay trong năm 2020 này của VEAM gần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư