Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vì sao các nước đua nhau hạ lãi suất, còn Việt Nam không giảm?
Thùy Liên - 19/10/2019 09:35
 
Ngược chiều thế giới, lãi suất huy động của Việt Nam không giảm. Thậm chí, một số công ty chứng khoán còn dự báo, sẽ có những đợt tăng lãi suất huy động mới trong thời gian tới. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV trao đổi về vấn đề này.
.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.

Các quốc gia trên thế giới đang đua nhau hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng. Ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

Hạ lãi suất đang là xu hướng trên thế giới. Theo tính toán của chúng tôi, đã có 2/3 ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới hạ lãi suất tính đến thời điểm này. Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất với USD tác động tích cực đến tỷ giá và lạm phát nước ta. Tuy nhiên, việc Fed và các nước hạ lãi suất lại không mấy tác động tới lãi suất tiền đồng. Thực tế, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động vẫn tiếp tục nhích nhẹ, dù diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng, mức tăng dao động từ 0,2% đến hơn 1,1%/năm. 

Lãi suất huy động tăng liên tục mặc dù tín dụng tăng chậm. Điều này có phản ánh thanh khoản ngân hàng có vấn đề hay không?

Biến động lãi suất huy động đợt này không phản ánh tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì chỉ xảy ra cục bộ. Theo tôi, các ngân hàng tăng lãi suất thời gian qua chủ yếu để cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đảm bảo thực hiện các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cụ thể là quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và đáp ứng chuẩn Basel II. Ngoài ra, ngân hàng cũng cần huy động để bổ sung nguồn vốn ngắn cho vụ mùa cho vay cuối năm.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng muốn tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, tăng sức hấp dẫn của tiền đồng thì phải duy trì mức độ chênh lệch nhất định giữa lãi suất tiền đồng với USD để người dân không găm giữ ngoại tệ. Đây cũng là một trong những lý do khiến lãi suất khó giảm.

Ngày 16/9, NHNN đã giảm lãi suất điều hành, chủ yếu điều hòa thanh khoản và giảm chi phí một phần cho các ngân hàng thương mại. Cụ thể, tổ chức thương mại yếu kém có thể vay NHNN dưới dạng tái cấp vốn, vay liên ngân hàng qua đêm…

Tuy nhiên, việc cho vay này chỉ giới hạn ở những trường hợp nhất định và mức vay không nhiều. Chính vì vậy, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN không tác động lớn đến thị trường 1 (giữa ngân hàng và dân cư, tổ chức kinh tế) cũng như mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường.

Năm 2019 là thời điểm các ngân hàng chạy nước rút huy động vốn dài hạn để đạt chuẩn Basel II. Vậy sang năm 2020, khi Basel II chính thức áp dụng, áp lực tăng vốn giảm bớt, lãi suất có khả năng giảm đi không, thưa ông? 

Theo Quyết định 986/QĐ-TTg về Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thì đến năm 2020, phấn đấu chỉ 12-15 ngân hàng đạt chuẩn Basel II. Hơn 20 ngân hàng còn lại được kéo dài thời gian đến năm 2025. 

Với đa phần các ngân hàng còn lại, việc tăng vốn trung, dài hạn để đáp ứng chuẩn Basel II không dễ, nhất là tăng vốn cấp 1 (bằng cách bán cổ phần). Việc tăng vốn cấp 2 dễ hơn, có thể thực hiện bằng phát hành trái phiếu, song cũng bị giới hạn ở tỷ lệ nhất định. Như vậy, áp lực tăng vốn để đạt chuẩn Basel II của hệ thống ngân hàng chưa thể giảm bớt vào năm 2020.

Theo tôi, thời gian tới, vẫn có thể có những đợt tăng lãi suất huy động nhẹ, diễn ra cục bộ. Tuy nhiên, lãi suất cho vay có thể được kiềm giữ theo chủ trương của Chính phủ. Nói chung, trong quý IV/2019 và năm 2020, theo tôi, giữ được ổn định mặt bằng lãi suất đã là một thành công, kỳ vọng lãi suất giảm khá khó.

TS. Cấn Văn Lực: Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, Việt Nam nên hành động thế nào?
Ngay sau khi khi tỷ giá đồng nhân dân tệ (CNY) hạ xuống còn hơn 7 CNY/USD, mức mất giá mạnh nhất của CNY trong hơn chục năm nay, Mỹ đã đưa Trung Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư