Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Vì sao TP.HCM muốn xóa sổ 22 cụm công nghiệp?
Ngô Nguyên - 14/02/2023 08:32
 
Phần lớn các cụm công nghiệp (22/30 cụm công nghiệp) của TP.HCM được quy hoạch năm 2007 không đáp ứng yêu cầu mới, đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Trước thực tế đất công nghiệp TP.HCM ngày càng hạn hẹp, Sở Công thương đề xuất làm nhà xưởng cao tầng trong cụm công nghiệp
Trước thực tế đất công nghiệp TP.HCM ngày càng hạn hẹp, Sở Công thương đề xuất làm nhà xưởng cao tầng trong cụm công nghiệp

Trước thực trạng của hàng chục cụm công nghiệp trên địa bàn, theo Sở Công thương TP.HCM, sẽ không thực hiện được việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng các cụm công nghiệp, công tác giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng, gồm phần đất của doanh nghiệp hiện hữu và phần đất còn lại theo quy hoạch.

La liệt cụm công nghiệp vắng bóng doanh nghiệp

Theo Sở Công thương TP.HCM, tính tới nay, TP.HCM có 30 cụm công nghiệp, gồm 28 cụm, với tổng diện tích hơn hơn 1.677 ha được quy hoạch theo Quyết định số 4809/QĐ-UBND ngày 22/10/2007 của UBND Thành phố về việc duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp đến năm 2020, có tính đến năm 2025; 2 cụm công nghiệp đã chuyển đổi thành khu công nghiệp với tổng diện tích 222,5 ha.

Tuy nhiên, trong số trên, ngoài 2 cụm công nghiệp đã chuyển đổi thành khu công nghiệp, thì chỉ có 2 cụm công nghiệp lấp đầy 100% diện tích, gồm Cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (17 ha) do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư; Cụm Nhị Xuân 230 ha chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I quy mô 54,02 ha, giai đoạn II quy mô 180 ha do Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố làm chủ đầu tư. Hiện nay, Cụm Nhị Xuân đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và khai thác hết công suất giai đoạn I, lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp.

6 cụm công nghiệp TP.HCM được đề xuất giữ lại gồm:
Cụm Nhị Xuân, Cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, Cụm Láng Le - Bàu Cò, Cụm Bàu Trăn, Cụm Dương Công Khi và Cụm Quy Đức.

Còn lại, có tới 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 525 ha chưa có chủ đầu tư và chưa có doanh nghiệp hoạt động. 4 cụm công nghiệp có tổng diện tích 272 ha có chủ đầu tư thì lại chưa có “bóng” doanh nghiệp hoạt động, như Cụm công nghiệp quận 2 (18 ha) do Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư; Cụm Láng Le - Bàu Cò (89 ha) do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư; Cụm Quy Đức (70 ha); Cụm Bàu Trăn (95 ha). 12 cụm công nghiệp khác với tổng diện tích là 595 ha chưa có chủ đầu tư, nhưng có doanh nghiệp hoạt động trong 289,43 ha, chiếm 48,6% diện tích quy hoạch.

Bế tắc trong thu hút đầu tư

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, trình tự, thủ tục đầu tư dự án cụm công nghiệp phải qua nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau, nên thời gian đầu tư tương đối dài (khác với khu công nghiệp thì trình tự, thủ tục đầu tư của doanh nghiệp chỉ phải qua một cơ quan duy nhất là Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP.HCM, trừ việc đánh giá tác động môi trường và phê duyệt phòng cháy - chữa cháy).

Thực trạng trên cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến dù nỗ lực kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, nhưng tới nay, trong 30 cụm công nghiệp theo quy hoạch cũ, chỉ có 2 cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh; 2 cụm công nghiệp chuyển thành khu công nghiệp; 1 cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng, nhưng chưa hoàn chỉnh; 25 cụm công nghiệp còn lại chưa có hạ tầng, vì nhiều nguyên nhân.

Công tác thu hút và lựa chọn chủ đầu tư tại cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp hoạt động hiện hữu cũng gặp nhiều khó khăn. Đa số các doanh nghiệp này đã xây dựng nhà xưởng sản xuất theo hiện trạng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng..., nên việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng các cụm công nghiệp, công tác giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng bao gồm phần đất của các doanh nghiệp hiện hữu và phần đất còn lại theo quy hoạch sẽ không thực hiện được.

Đó là chưa kể, chi phí bồi thường cao do đất cụm công nghiệp xen cài trong khu dân cư có giá cao, làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng và khó thu hồi đất.

Bên cạnh đó, diện tích cụm công nghiệp được quy định không quá 50 ha (giai đoạn I), mở rộng giai đoạn II không quá 75 ha là tương đối nhỏ, nên chi phí đầu tư vào cụm công nghiệp cao, tính cạnh tranh thấp.

22 cụm công nghiệp “văng” khỏi quy hoạch phát triển

Sở Công thương là đơn vị được UBND TP.HCM giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện xây dựng “Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030” theo Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và các quy định liên quan để tích hợp vào quy hoạch Thành phố.

Cuối năm 2022, UBND TP.HCM đã ban hành Công văn số 4698/UBND-KT (ngày 9/12/2022) phê duyệt Danh mục khoa học công nghệ đợt 8 năm 2022. Trong đó, phê duyệt “Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030”. Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đang thực hiện thủ tục ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ công nghệ này.

Với chức trách của mình, Sở Công thương TP.HCM cho rằng, đối chiếu theo tiêu chí quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ (về quy mô diện tích, điều kiện thành lập...), thì phần lớn các cụm công nghiệp (22/30 cụm công nghiệp) của TP.HCM được quy hoạch năm 2007 không đáp ứng yêu cầu.

Vì thế, 22 cụm công nghiệp (không tính 2 cụm đã chuyển thành khu công nghiệp) được đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Chỉ có thể giữ lại 6 cụm công nghiệp theo Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, gồm 2 cụm công nghiệp đáp ứng các tiêu chí (Cụm Nhị Xuân và Cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân); 1 cụm công nghiệp có chủ đầu tư và đang xây dựng hạ tầng, đáp ứng một phần tiêu chí (Cụm Láng Le - Bàu Cò); 1 cụm công nghiệp đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư (Cụm Bàu Trăn); 2 cụm công nghiệp đang kêu gọi đầu tư (Cụm Dương Công Khi và Cụm Quy Đức).

Trước đó, từ năm 2017, Thường trực UBND TP.HCM đã thông qua Dự thảo Quy hoạch Cụm công nghiệp tại Thông báo số 114/VP-KT ngày 23/2/2017, thống nhất chỉ giữ lại quy hoạch 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 331,43 ha, tức là loại khỏi quy hoạch 24 cụm khác.

Sau đó, để đảm bảo đúng quy định của Luật Quy hoạch, UBND TP.HCM dừng triển khai lập và chỉ đạo Sở Công thương hướng dẫn UBND các quận, huyện trong trường hợp xét thấy cần thiết điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp để đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương thì đề xuất giải pháp. Tuy nhiên, tới nay, thực trạng cụm công nghiệp Thành phố vẫn không có gì mới, nên lần này, Sở Công thương phải báo cáo Bộ Công thương về việc chỉ giữ lại 6 cụm công nghiệp, loại quy hoạch 22 cụm khác.

Lối thoát nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Đối tượng chủ yếu hoạt động trong cụm công nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc vào các khu công nghiệp tập trung với đối tượng doanh nghiệp này khá khó khăn, do nhiều yếu tố về quy mô sản xuất, vốn…

Với việc loại 22 cụm công nghiệp, trong khi nhu cầu phát triển công nghiệp ngày càng tăng và quỹ đất tại TP.HCM ngày càng hạn hẹp, Sở Công thương cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế khuyến khích tư xây dựng nhà xưởng cao tầng trong các cụm công nghiệp để cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ thuê sản xuất.

Với thực tế khó khăn trong kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp tại TP.HCM, theo các chuyên gia, Chính phủ cần sớm ban hành Chương trình Hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; bổ sung các cụm công nghiệp vào danh mục ưu đãi đầu tư; bổ sung lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp vào danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư...

Đáng lưu ý nữa là, cần điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư hiện hành, bởi có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể trong quy định về lựa chọn nhà đầu tư.

Cụ thể, tại khoản 9, Điều 1, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/ 6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 15, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: thành lập hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư theo thang điểm 100 để xét chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, chứ không phải đấu thầu.

Trong khi đó, theo khoản 3, Điều 1, Luật Đấu thầu năm 2013 “Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất”, thì các dự án khác có sử dụng đất cũng phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP có nêu, Sở Công thương là cơ quan quản lý nhà nước làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ đầu tư cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, các quy định cao hơn (Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Môi trường...) lại quy định, các cơ quan chuyên ngành khác thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư. Việc này dẫn tới, Sở Công thương, nếu làm cơ quan đầu mối, sẽ chỉ là khâu trung gian tiếp nhận hồ sơ của các chủ đầu tư, sau đó chuyển cho các cơ quan chuyên môn xử lý. Như vậy sẽ làm phát sinh khâu trung gian và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư trong cụm công nghiệp.

Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp - Bài 2: Tiền tỷ vùi cát đá, “đất vàng” hóa bùn
Lãng phí quỹ đất tại hàng loạt khu công nghiệp tại TP.HCM khiến hàng ngàn tỷ đồng đã bỏ ra chôn vùi trong cát đá, đi kèm theo đó là hạ tầng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư