Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Việt Nam có gần 4 triệu người gặp vấn đề về thị lực
Như Thành - 14/03/2016 12:53
 
Đó là con số được nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu tìm hiểu giá trị phục hồi thị lực tại Việt Nam của Đại học RMIT và Quỹ Fred Hollows công bố.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc cứu và phục hồi thị lực cho cộng đồng người nghèo trên thế giới của bác sỹ nhãn khoa nổi tiếng Fred Hollows vẫn đang tiếp diễn sau hơn hai thập kỷ kể từ ngày nhà hoạt động nhân đạo này qua đời sớm vào năm 1993 ở tuổi 63.

Hiện các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT đang làm việc với Quỹ Fred Hollows để giúp đánh giá giá trị hoạt động của quỹ trong việc ngăn những bệnh mù có thể phòng tránh.

Nghiên cứu được thực hiện bởi PGS. Simon Feeny và PGS. Alberto Posso thuộc nhóm nghiên cứu Phát triển và Thương mại quốc tế của Đại học RMIT, PGS. Bob Baulch từ RMIT Việt Nam, TS. Trương Thị Kim Chuyên từ Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và TS. Lachlan McDonald, chuyên gia Kinh tế học tại Quỹ Fred Hollows.

Là nhà kinh tế học và chuyên gia cứu trợ ngoài nước, PGS. Simon Feeny cho biết, nghiên cứu sẽ được thực hiện trong năm 2016 nhằm bao quát được ảnh hưởng của việc phục hồi thị lực. Hoạt động của Quỹ Fred Hollows nhằm giúp ngăn ngừa mù lòa ở các quốc gia đang phát triển, đồng thời đem đến niềm vui sâu sắc và vô giá đến từng cá nhân được hưởng lợi từ điều trị y tế này.

Theo PGS. Simon Feeny, Việt Nam hiện có khoảng 380.000 người mù và gần 4 triệu người có vấn đề về thị lực, nhưng chỉ có khoảng 10 bác sỹ nhãn khoa trên 1 triệu bệnh nhân.

“Những cá nhân được chữa trị thành công thường tiếp tục đi học hoặc làm việc và lại tham gia vào cộng đồng. Điều này cũng mang lại những tác động tích cực cho gia đình, những người chăm sóc và cộng đồng. Hoạt động của Quỹ không những đem đến lợi ích về mặt tài chính mà còn về mặt tình cảm, xã hội, tâm lý và thể chất”, PGS. Simon Feeny cho hay.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy, lợi tức đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc mắt ở khu vực đang phát triển trên thế giới đạt tỷ suất cao, nhưng những dữ liệu này thường đánh giá thấp lợi ích thật sự của việc phục hồi thị lực vì nghiên cứu không thể tính toán được tác động lớn hơn đến phát triển.

“Chúng tôi không chỉ đo lường về tỷ suất lợi tức kinh tế cao mà còn chú trọng hơn đến các lợi ích vô hình”, PGS. Simon Feeny khẳng định.

TS. Lachlan McDonald cho biết, 80% bệnh nhân suy giảm thị lực có thể phòng hoặc chữa trị. “Cộng tác với các học giả từ nhiều cơ sở trên toàn thế giới của Đại học RMIT đem đến cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời. Dự án này rất quan trọng trong hỗ trợ Quỹ Fred Hollows xác định ảnh hưởng rộng hơn của chương trình, đồng thời đẩy việc chăm sóc nhãn khoa thành ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, TS. Lachlan McDonald nói.

Với phạm vi hoạt động tại trên 25 quốc gia, Quỹ Fred Hollows giúp đào tạo và nâng cao khả năng chuyên môn cho bác sĩ nhãn khoa, ý tá và điều dưỡng tại địa phương nhằm tạo nên hệ thống chăm sóc bền vững tại những cộng đồng cần dịch vụ này nhất.

RMIT Việt Nam ra mắt ngành học "đón đầu hội nhập"
Tối 31/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế (MIB) của Đại học RMIT Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư