Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt heo từ cuối năm 2019
Thị Hồng - 28/06/2019 21:21
 
Tính từ thời điểm cuối năm 2019 cho đến gần Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam được dự đoán có thể thiếu hụt khoảng 500.000 tấn thịt heo, gần 20% tổng nhu cầu.

Thông tin trên từ số liệu nghiên cứu chuyên sâu và tham khảo ý kiến chuyên gia do Ipsos Business Consulting - một bộ phận tư vấn thuộc Tập đoàn Ipsos được thành lập tại Pháp từ 1975, thực hiện.

Sự thiếu hụt trên do những ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (ASF) lên nguồn cung thị trường. Tuy nhu cầu cũng giảm nhưng song song với đó, nguồn cung giảm mạnh hơn nên các dự đoán cho rằng, cung sẽ vẫn không đủ cầu.

Tương tự như tác động của cuộc khủng hoảng thừa năm 2017, diễn biến phức tạp của ASF đã gây ra những nhiều hệ quả cho thị trường chăn nuôi heo Việt Nam nhưng cũng đồng thời mở ra hướng đi mới cho thị trường này. Sự giảm mạnh đàn nái của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và xu hướng chuyển dịch sang mô hình trang trại chăn nuôi khép kín đặt ra vấn đề trong việc tái cơ cấu quy hoạch ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Ipsos Business Consulting dự đoán đến cuối năm 2019, đàn nái của phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn dưới 40% trên tổng đàn.

Đây được xem là một cơ hội cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đưa ra quy hoạch chăn nuôi theo vùng, vừa kiểm soát các vấn đề môi trường vừa giảm thiểu rủi ro nếu có các dịch bệnh tương lai có thể xảy ra, cùng lúc tạo ra một cơ chế giám sát chặt chẽ và kiểm soát ngành chăn nuôi heo.

.
Việt Nam có thể thiếu hụt khoảng 500.000 tấn thịt heo từ cuối năm 2019.

Cùng với đó là lập ra các chốt kiểm soát dịch trên đường và thực hiện khử trùng tại các trang trại đơn lẻ khi nổ dịch cho thấy việc kiểm soát dịch vẫn còn có nhiều lúng túng và bị động. Khi có chăn nuôi theo vùng, các kiểm soát khi có dịch sẽ diễn ra một cách có hệ thống và dễ dàng hơn.

“Kinh nghiệm từ phía Trung Quốc cho thấy, sẽ mất khoảng 1 đến 2 năm khi tái quy hoạch chăn nuôi heo, học hỏi từ các kinh nghiệm này Việt Nam có thể làm tốt hơn và chuẩn bị sẵn nguồn cung thịt để chuẩn bị tái cơ cấu, tránh các hệ lụy đáng tiếc”, theo Ipsos Business Consulting.

Nhìn lại năm 2017, giá heo hơi giảm mạnh do khủng hoảng thừa thịt heo lên tới 30% so với nhu cầu tiêu dùng thực tế. Cụ thể vào tháng 4/2017, giá heo hơi sụt giảm chạm mức thấp nhất với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Để dẫn đến tình trạng nói trên, Ipsos Business Consulting nhận định nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng nhanh của nguồn cung cộng với việc thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua heo theo kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Chính phủ Trung Quốc.

Chưa kịp khởi sắc được bao lâu sau cuộc khủng hoảng năm 2017, thị trường chăn nuôi heo Việt Nam đã lại một lần nữa phải đối mặt với liên tiếp những biến động do dịch lở mồm long móng và ASF gây ra.

Bùng phát từ tháng 02/2019, ASF hiện vẫn diễn biến một cách phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm. Tính đến ngày 24/6, ASF đã xuất hiện trên khoảng 60 tỉnh, thành phố khắp cả nước, với ước tính hơn 2,6 triệu con heo bị tiêu hủy. Đây là chính là nguyên nhân ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến cán cân cung cầu thịt heo trên thị trường.

Về nguồn cung thịt heo, Ipsos Business Consulting ước tính tổng đàn nái cả nước tại thời điểm 6/2019 đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu các biện pháp phòng ngừa và an toàn sinh học thấp.

Song song với sự giảm mạnh về nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ thịt heo cũng phần nào bị suy giảm. Trước tình hình dịch bệnh khó kiểm soát và ngày càng lan rộng, nhiều người tiêu dùng vì mang tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe đã quyết định cắt giảm tiêu thụ thịt heo tạm thời. Theo đó, nhiều gia đình đã chọn cách thay đổi cơ cấu bữa ăn, các nhà hàng/ bếp ăn công nghiệp cũng tìm cách thay thế thịt lợn bằng thịt gia cầm, gia súc khác nhằm hạn chế tác động có hại của dịch bệnh.

Một số địa phương còn lơ là trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 3/6, dịch đã xảy ra tại 3.536 xã, 342 huyện của 52 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị tiêu hủy là trên 2,2...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư