Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam có thể trở thành thị trường điện gió lớn nhất khu vực
Thanh Hương - 01/08/2019 14:14
 
Đánh giá cao tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam, song ông Jerome Pecresse, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GE Renewable Energy cũng cho rằng, khâu phê duyệt dự án hiện đang là “nút thắt cổ chai” trong việc phát triển thị trường này.

Theo ông, sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam có theo kịp các nước trong khu vực ASEAN không?

Hai năm trước đây, năng lượng tái tạo ở Thái Lan phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên con số này hiện đang giảm dần do nguồn tài chính có sẵn thấp và chính sách chưa phù hợp.

Còn Việt Nam đã có một bước tiến đáng kể trong việc phát triển năng lượng mặt trời và gió. Theo số liệu của Bộ Công Thương tính đến cuối tháng 6 năm 2019, tổng công suất lắp được  các dự án điện điện mặt trời khoảng hơn 4GW, con số này lớn hơn nhiều so với các  quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đã có nhiều điện mặt trời hơn các nước khác, đồng thời tiềm năng phát triển điện gió của Việt Nam có thể xem là lớn nhất trong khu vực, lợi thế về đường bờ biển dài cũng như chất lượng gió để phát triển điện gió trên bờ, gần bờ hay ngoài khơi xét về dài hạn.

Có thể nói trong năm qua, điện gió đã có những tiến triển tích cực tương xứng với tiềm năng. Tôi nghĩ rằng để làm được nhiều hơn nữa, cần tranh thủ thời gian trước khi chính sách ưu đãi  cho điện gió kết thúc vào trước ngày 1/11/2021.

Nếu các dự án được bắt đầu trong vòng 6 tháng tới, Việt Nam sẽ trở thành thị trường điện gió lớn nhất khu vực.

Ông ông Jerome Pecresse, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GE Renewable Energy
Ông Jerome Pecresse, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GE Renewable Energy

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tỷ trọng điện gió có thể gia tăng trong thời gian tới?

Tốc độ gió của Việt Nam có chất lượng rất tốt, khoảng 6.5-7.5m/s. Với tốc độ gió chất lượng và công nghệ tuabin tân tiến hiện nay, sản xuất điện gió có thể đạt được mức giá cạnh tranh.

Tuy nhiên hiện nay, quy trình phê duyệt dự án vào Quy hoạch phát triển Điện được xem là một trong những “nút thắt cổ chai” bởi khi dự án được phê duyệt, chúng ta chỉ mất khoảng 12-18 tháng để nhà máy điện gió đi vào vận hành.

Một số nhà đầu tư đang sẵn sàng để đổ tiền vào trong những dự án này. Nếu có thể đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án thì điện gió cũng như năng lượng tái tạo sẽ đóng góp được nhiều hơn cho nguồn điện.

Hiện có 66 dự án điện gió đăng ký với Bộ Công Thương để bổ sung quy hoạch, GE kỳ vọng gì ở các dự án điện gió tại Việt Nam?

Chúng tôi đã chiếm khoảng 30% thị phần các dự án điện gió đã đi vào hoạt động tại Việt Nam.

Với các dự án mới, chúng tôi đang làm việc với các chủ đầu tư. Bên cạnh một số dự án đã lựa chọn GE cung cấp tuabin Cypress thì phần lớn các nhà đầu tư khác vẫn đang trong quá trình lựa chọn.

Cũng như những quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi đặt ra mục tiêu khoảng 25%-30% thị phần trong lĩnh vực điện gió tại Việt Nam

Việc phát triển năng lượng tái tạo cũng đặt ra thách thức khi giá mua điện mặt trời, điện gió lớn hơn giá bán điện bình quân và nếu lỗ nhiều thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chả thể mua được nhiều điện năng lượng tái tạo…

Rất khó để tôi có thể đánh giá cụ thể về EVN vì tôi không biết chính xác tình hình của EVN tại Việt Nam, tuy nhiên như tôi có đề cập trước đó, cần phải hạ giá điện năng lượng tái tạo thấp hơn.

Tại nhiều quốc gia, khi bắt đầu phát triển điện gió hay điện mặt trời, mức chi phí ban đầu thường khá cao. Để thu hút nhà đầu tư, cần phải đưa ra giá điện cao để nhanh chóng hoàn lại vốn. Tuy nhiên khi có công nghệ tốt hơn, chi phí sản xuất tốt hơn, tôi kì vọng giá mua điện sẽ phù hợp hơn.

Nhìn về tương lai, tôi thấy rằng việc phát triển năng lượng tái tạo là cách chủ yếu để Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng được mục tiêu cắt giảm rác thải, cắt giảm khí CO2 và đảm bảo an ninh năng lượng.

Đã có 1 số Dự án điện gió ngoài khơi được đề nghị bổ sung quy hoạch
Đã có 1 số dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn được đề nghị bổ sung quy hoạch

GE dường như đang ưu tiên phát triển năng lượng điện gió ở Việt Nam hơn cả, ông có thể lý giải gì về điều này?

Hiện nay trên toàn cầu, GE có nhiều hoạt động tích cực trong mảng điện gió. Chúng tôi là một trong ba nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới và chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ lọt vào top ba các nhà sản xuất tua bin gió lớn nhất tại Việt Nam và cũng hy vọng sẽ là đơn vị dẫn đầu thị trường.

Ở Việt Nam, chúng tôi khẳng định một lần nữa rằng chúng tôi xác định hướng đi như những gì chúng tôi đang làm trên toàn cầu: thủy điện và điện gió. Và thời gian qua chúng tôi đã cung cấp tuabin cho một số dự án thuỷ điện lớn như Lai Châu, Sơn La.

Năng lượng mặt trời chỉ là một mảng GE làm để tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Điện gió có tính kỹ thuật cao hơn, chúng tôi có thể phát triển tốt hơn

Ẩn số Điện gió Thanglong Wind vốn "khủng" 12 tỷ USD
Quy mô Dự án Điện gió Thanglong Wind được công bố là 11,9 tỷ USD cho 3.400 MW, khiến nhiều người quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo phân vân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư