Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam giữa vòng xoáy thương chiến Mỹ - Trung: Bài 2: Góc khuất gây bão tố
Anh Hoa - 28/09/2019 09:13
 
Thương chiến Mỹ - Trung khó kết thúc nhanh khi hai siêu cường kinh tế liên tục tạo bão bằng hành động và de dọa hành động. Những vòng xoáy mới liên tục xuất hiện, tràn qua, hủy hoại các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng thương mại toàn cầu. Là nền kinh tế có độ mở nhất nhì khu vực, là đối tác thương mại lớn của cả Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi hệ lụy nếu không có kịch bản ứng phó chủ động.
Nghe bài viết này tại đây :

Bài 2: GÓC KHUẤT GÂY BÃO TỐ

Có quá nhiều cảnh báo về những góc khuất trong dòng chảy thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và thế giới, trong đó có hành trình né bão từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu không cẩn trọng và chủ động có giải pháp, Việt Nam có thể bị hút vào tâm bão.

Hiện ngành gỗ Việt Nam có trên 800 doanh nghiệp FDI, trong đó 70% đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… Ảnh: Đức Thanh
Hiện ngành gỗ Việt Nam có trên 800 doanh nghiệp FDI, trong đó 70% đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… Ảnh: Đức Thanh

Góc khuất

Công ty cổ phần Tre gỗ Hải Hiền (Hòa Bình), một trong những doanh nghiệp nhận vốn đầu tư từ công ty sản xuất gỗ dán lớn ở Sơn Đông (Trung Quốc) đã tăng đột biến khối lượng xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ trong vài tháng qua. Đầu tháng 1/2019, theo số liệu ghi nhận, Công ty mới xuất khẩu 971 m3 gỗ dán tới thị trường Mỹ, nhưng hết tháng 6/2019, con số này đã là 1.999 m3.

Đại diện đầu tư từ phía Trung Quốc của Hải Hiền tiết lộ, trước đây, thuế xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ là 0%, nhưng hiện tăng lên 25%. Công ty này và nhiều doanh nghiệp khác ở Trung Quốc phải chuyển hướng đầu tư sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Không chỉ chọn Hòa Bình, doanh nghiệp này còn đầu tư vào các địa điểm khác, như thành lập một công ty sản xuất gỗ dán mới ở Hải Dương.

Rõ ràng, việc doanh nghiệp Trung Quốc đang tận dụng thị trường và tiềm năng của ngành gỗ Việt Nam để né thuế là có, nhưng tận dụng thế nào, được bao nhiêu thì chưa rõ. Ngay trong ngành gỗ Việt Nam, chưa thấy thông tin đánh giá cùng thống kê chính thức về sản lượng gỗ dán của các công ty sản xuất và các công ty thương mại chiếm tỷ lệ thế nào.

Giới chuyên gia cho rằng, chính điều này là một kẽ hở được doanh nghiệp lợi dụng và gây khó khăn lớn trong việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm với cơ quan quản lý. Đặc biệt, việc kiểm soát các công ty thương mại, nhất là với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang là bài toán khó. Hiện ngành gỗ có trên 800 doanh nghiệp FDI, trong đó 70% đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang nhận được nhiều đề nghị có giá trị. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) tiết lộ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trung gian giao nhận quốc tế (hay còn gọi Forwarder) nhận được yêu cầu giúp đỡ về xuất xứ từ các doanh nghiệp Trung Quốc, với thao tác rất đơn giản mà lại được trả công hậu hĩnh. Với giá trị hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp này sang Mỹ có thể lên tới hàng trăm triệu USD, không nhiều doanh nghiệp đủ dũng cảm từ chối khoản lợi này.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) cũng tỏ rõ quan ngại việc doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam, rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ. Cách thông đồng này lợi dụng cả cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản (thay bao bì, gắn xuất xứ Việt Nam…). Thậm chí, một số doanh nghiệp nhập khẩu có thể có hành vi làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) như giả chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền ký và cấp C/O để hưởng ưu đãi của Việt Nam, hoặc doanh nghiệp xuất khẩu làm giả C/O của Việt Nam để xuất khẩu hàng Trung Quốc sang Mỹ.

“Đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam như vụ thép và nhôm”, ông Tuyển nói.

Những quan ngại trên đều có cơ sở. Đầu tháng 7/2019, một lô hàng gần 300 đôi giày thể thao mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike… do Trung Quốc sản xuất, nhưng trong thân giày in xuất xứ “Made in Vietnam” được phát hiện tại Lạng Sơn…

Hay trong năm 2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận được hơn 100 thư khiếu nại từ hải quan nước ngoài yêu cầu thẩm tra 287 bộ C/O được phát hành bởi cơ quan này. Trong đó, 90% khiếu nại từ EU chủ yếu do nghi ngờ C/O giả chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền ký, tổ chức cấp phát C/O và hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam.

Cũng trong năm 2018, Bộ Công thương đã phát đi bản tin cảnh báo thép Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ tăng đột biến sau khi Mỹ có quyết định áp 14 loại thuế chống bán phá giá và 10 loại thuế tự vệ trong 2 năm 2016 và 2017 với thép Trung Quốc. Mỹ nghi Việt Nam nhập thép Trung Quốc và sau đó xuất khẩu sang thị trường này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chủ yếu liên quan đến thuế, biểu hiện rõ nhất ở 3 góc độ.

Đầu tiên, doanh nghiệp nước ngoài gian lận xuất xứ hàng Việt một cách trắng trợn, sản phẩm không cần quá cảnh qua Việt Nam mà đến nước nhập khẩu tự khai, tự thay nhãn, mác.

Trong các hành vi lẩn tránh, Việt Nam chỉ tìm cách chống lại góc độ lẩn tránh 1 và 2. Theo đó, việc lợi dụng “mượn danh” qua đường Việt Nam mới đáng lo. Có nhiều doanh nghiệp từ nước bị đánh thuế qua Việt Nam, lập công ty, đưa sản phẩm vào, thay đổi bao bì, nhãn mác mà không xin giấy chứng nhận xuất xứ của các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, VCCI.
- Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Kế tiếp, doanh nghiệp nước ngoài bị đánh thuế vì chiến tranh thương mại đã đưa sản phẩm vào Việt Nam để làm một số công đoạn gia công rất đơn giản, với hàm lượng và giá trị gia tăng không đáng kể hoặc thậm chí chỉ trung chuyển ở Việt Nam, mà không có giá trị gia tăng, nhưng vẫn kê khai là hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Các hành vi này bị coi là gian lận thương mại, bị cấm theo các hiệp định quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Cuối cùng, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hoặc chuyển một hoặc một số công đoạn sản xuất sang Việt Nam, tạo hàm lượng giá trị gia tăng đủ lớn tại Việt Nam để hàng hóa đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của Việt Nam. Hành vi này không bị cấm theo các hiệp định quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Tình trạng nhiều dự án FDI có vốn ảo, đăng ký lớn, nhưng thực hiện đầu tư nhỏ giọt không phải hiếm, nhất là tại các địa phương có vốn FDI đăng ký tăng đột biến. Đó là một trong những dấu hiệu của sự biến tướng về gian lận xuất xứ, tác động không tốt đến môi trường kinh doanh Việt Nam.

Những đòn giật mình…

Chuyện hàng hóa các nước, đặc biệt là Trung Quốc lẩn tránh xuất xứ để hưởng ưu đãi của Việt Nam khi xuất sang các thị trường khác đã được cảnh báo từ lâu. Nhưng đến ngày 2/7/2019, khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 456% với một số mặt hàng thép được sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Hoa), sau đó được vận chuyển tới Việt Nam để gia công và cuối cùng xuất khẩu tới Mỹ, các bên liên quan mới thực sự giật mình. Lúc này, những thành tích xuất khẩu vượt mỗi tháng trở nên đáng lo.

Điều này cũng cho thấy, sự bắt tay của Bộ Công thương với Bộ Tài chính, VCCI cùng một số hiệp hội doanh nghiệp mới xử lý được “phần ngọn” của vấn đề. Trong khi đó, các chiêu trò lẩn tránh xuất xứ để né thuế vào Mỹ, EU ngày càng tinh vi. Thực tế này cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, từ cơ quan duyệt, thẩm định, cấp phép đầu tư, cấp C/O, hải quan và chính doanh nghiệp.

Đại diện một doanh nghiệp gỗ ở tỉnh Bình Dương cho rằng, chuyện lẩn tránh xuất xứ khó xảy ra nếu hải quan Việt Nam làm đúng chức năng. Ở góc độ khác, thực trạng hàng ngàn nhà máy của Trung Quốc đóng cửa do thương chiến Mỹ - Trung cần được để tâm. Không có chuyện các nhà máy này được giữ lại chỉ để làm bán thành phẩm chuyển qua nước khác.

“Trong khi đó, nhiều nhà máy đồ gỗ rất lớn của Trung Quốc đang mọc lên tại Việt Nam. Có nhà máy đầu tư đến 300 triệu USD, có thể sản xuất thành phẩm”, vị này cảnh báo.

Các doanh nghiệp không né tránh lo ngại khi các doanh nghiệp trên không chỉ có vốn khủng, chi phí vốn thấp hơn doanh nghiệp Việt, mà còn có kinh  nghiệm hơn trong quản lý sản xuất - kinh doanh, nắm bắt khách hàng. “Các doanh nghiệp này dày dạn kinh nghiệm và luôn bọc lót mật thiết với nhau”, vị đại diện trên lo ngại.

Suy cho cùng, hiện tượng lẩn tránh tinh vi trong thương chiến này có nguyên nhân chủ quan và khách quan, như ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã chỉ rõ. Về chủ quan, Việt Nam có nhiều bất cập trong việc cấp C/O, văn bản pháp luật về khai báo mã HS, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển ngành chưa tương xứng.

Thời gian qua, dù các cơ quan cấp C/O của Việt Nam (Bộ Công thương cấp C/O ưu đãi, VCCI cấp C/O không ưu đãi) đã có nhiều nỗ lực trong việc siết chặt quy định về cấp C/O, tránh hiện tượng gian lận xuất xứ, nhưng do nguồn lực hạn chế, nên không thể ngăn chặn 100% số vụ gian lận. Cụ thể, khi nộp hồ sơ giấy tờ xin cấp C/O, doanh nghiệp tự kê khai và chịu trách nhiệm với thông tin cung cấp. Song các tổ chức cấp C/O không đủ thẩm quyền và công cụ cần thiết để xác minh thông tin khai báo đó. 

Ngoài ra, các bất cập trong văn bản pháp luật về khai báo mã HS của hàng hóa xuất khẩu khiến doanh nghiệp lợi dụng khai báo cho hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ. Chính cách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam và việc tham gia các FTA cũng khiến các nhà đầu tư dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam để tận dụng các ưu đãi. Đặc biệt, trong một số ngành công nghiệp Việt Nam, giai đoạn gia công, lắp ráp chiếm tỷ trọng lớn, trong khi các công đoạn sản xuất cơ bản, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển kịp.

Trong khi đó, các nguyên nhân khách quan chủ yếu nằm ở xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới ngày càng tăng và tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc. Đặc biệt, sự gần gũi về địa lý và xu hướng chuyên môn hóa theo chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, thậm chí WTO còn chưa quy định rõ ràng, cụ thể xử lý vấn đề lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại…

Dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan và thời điểm này, Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến, song phải nhắc lại, Mỹ đã cảnh báo Việt Nam một số điểm. Đó là Việt Nam xuất siêu lớn hay các biện pháp hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường thể hiện trong một số điều của Luật An toàn thông tin mà Quốc hội đã thông qua…

 Điều này có nghĩa, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp Việt phải là người nắm bắt cuộc chơi thông qua việc chủ động cơ cấu lại cán cân xuất nhập khẩu từ các thị trường. Đặc biệt, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, gồm gian lận xuất xứ, để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại lớn trừng phạt vạ lây.

(Còn tiếp)

Niềm tin bị bầm dập, thương chiến Mỹ - Trung cần một thỏa thuận "nhỏ"
Đã đến lúc hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngồi lại đàm phán một cách nghiêm túc, kể cả thỏa thuận đạt được dù “nhỏ” nhưng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư