Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao
D.Ngân - 22/12/2023 15:48
 
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, Chương trình đã phát hiện 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân.

Số lượng tăng này tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021-năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.

TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại sự kiện.

Ngày 22/12/2023, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Chống lao Quốc gia năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024.

Số liệu được công bố tại Hội nghị cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2023, Chương trình Chống Lao Quốc gia đã phát hiện 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân; tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021-năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19.

Chương trình cũng phát hiện lao kháng đa thuốc 9 tháng đầu năm 2023 là 2.764 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 9%, 44% và 4%.

Trong năm nay, Chương trình Chống lao cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn Ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả.

Bên cạnh đó, năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu đạt được những thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán bệnh lao.

Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo mang lại ý nghĩa lớn cho hoạt động phát hiện bệnh lao, đặc biệt là các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.

Sự thành công đó là nhờ vào việc tăng cường, mở rộng triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán, đặc biệt là triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở để tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị và duy trì bền vững công tác dự phòng lao.

TS.Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035 chỉ có thể thành công với sự đồng lòng, tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, của người dân. “Hãy cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2023 (WHO Global Tuberculosis Report 2023), hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lao đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu trong năm 2022, sau 2 năm gián đoạn liên quan đến Covid-19. Điều này đã giúp cải thiện những tác động tiêu cực của đại dịch đối với số người chết và mắc lao trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau Covid-19, và các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao hiện nay vẫn đang hoàn toàn bị chậm tiến độ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.

Số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995, cao hơn mức trước Covid-19 (và mức đỉnh lịch sử trước đó) là 7,1 triệu vào năm 2019 và cao hơn từ 5,8 triệu vào năm 2020 và 6,4 triệu vào năm 2021.

Con số được ước tính trong năm 2022 có thể bao gồm một lượng lớn những ca bệnh đã tồn đọng trong những năm trước nhưng việc chẩn đoán và điều trị bị trì hoãn, do những tác động của Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế.

Trên toàn cầu trong năm 2022, bệnh lao đã gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong. Con số này đã giảm so với ước tính trước đó của Tổ chức Y tế thế giới là 1,4 triệu trong năm 2020 và 2021, và gần như quay trở lại mức số ca tử vong của năm 2019.

Uớc tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao vào năm 2022, con số này đã tăng so với ước tính trước đó của WHO là 10,3 triệu vào năm 2021 và 10,0 triệu vào năm 2020.

Công cuộc thanh toán bệnh lao toàn cầu vẫn còn rất nhiều trở ngại và cần nhiều hơn nỗ lực từ các quốc gia, đặc biệt là phải biến các cam kết được đưa ra tại Cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao năm 2023 thành hành động cụ thể.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO Global TB Report 2023).

Về khó khăn trong công tác phát hiện và điều trị, theo báo cáo, đến hết tháng 9/2023, tổng số bệnh nhân lao đa kháng thuốc được phát hiện là 2.764, và thu nhận 2.606 vào điều trị. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ đạt mức 52,5% so với chỉ tiêu kế hoạch (4963).

Tỷ lệ điều trị thành công của lô bệnh nhân 2 quý đầu năm 2021 là 75%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ trị còn cao (11%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước, nguyên nhân có thể một phần do việc quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19

Bên cạnh đó, sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc của chương trình chống lao quốc gia, thuốc còn tồn tại địa phương có hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hết hạn trong khi chưa được phê duyệt cơ chế chính sách, nguồn kinh phí mua sắm thuốc cho đối tượng bệnh nhân lao không có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân lao tại các cơ sở chưa đủ điều kiện thanh toán nguồn bảo hiểm y tế.

Việc cấp phép nhập khẩu ở Bộ Y tế kéo dài do sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy trình phê duyệt… ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận hàng, hạn sử dụng của hàng hóa khi về đến Việt Nam còn lại ngắn.

Hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và so với ước tính của WHO.

Tự chủ về tài chính tại các tuyến có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động chương trình chống lao, nhiều Bệnh viện lao có lượng người bệnh khám và điều trị thấp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải nợ lương cán bộ, nhiều đơn vị thắt chặt hơn về nhân lực và tần suất đi giám sát chương trình chống lao.

Thay đổi mô hình tổ chức y tế tại tuyến tỉnh, huyện có ảnh hưởng không nhỏ tới chương trình chống lao như thay đổi cán bộ làm công tác chống lao, đơn vị mới chưa ổn định nên việc triển khai hoạt động chương trình chống lao gặp khó khăn.

Mục tiêu năm 2024 mà Chương trình Chống Lao Quốc gia đặt ra là hoàn thiện thủ tục phê duyệt các nguồn viện trợ khác và phê duyệt nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Thúc đẩy kiện toàn Uỷ ban quốc gia chấm dứt bệnh lao, báo cáo tiến độ và duy trì hoạt động của Uỷ ban quốc gia.

Hoàn thiện Chiến lược cộng đồng chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam, ghép thành 1 cấu phần trong Kế hoạch chiến lược phòng chống lao giai đoạn 2021-2026. Thực hiện các thủ tục trình Uỷ ban quốc gia và Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch chiến lược phòng chống lao.

Đồng thời đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động phòng chống lao, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong công đồng, đưa vào điều trị sớm, chất lượng trong chương trình chống lao nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn nhằm giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao.

Đặc biệt, tăng cường áp dụng chiến lược 2X (Xquang, Xpert) trong các tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao, sử dụng hiệu quả xe Xquang di động kỹ thuât số và các máy Xquang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư