Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam nhận 120 triệu liều vắc-xin: Tiêm sao cho an toàn?
D.Ngân - 03/06/2021 21:10
 
Với lượng lớn vắc-xin Covid-19 sắp được nhập về Việt Nam, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng được xem là khâu quan trọng.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, dù Việt Nam cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin để nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng song Bộ Y tế vẫn yêu cầu mục tiêu an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. 

Được biết trong năm nay sẽ có 120 triệu liều vắc-xin Covid-19 được tiêm chủng cho người dân.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định, vấn đề tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 luôn được chú trọng. 

Đối với y tế các tuyến, trước khi tiêm chủng, cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh để bảo quản vắc-xin nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc-xin. Bên cạnh đó, tại các điểm tiêm chủng, phải luôn luôn chú ý tới hội chứng sốc sau tiêm vắc-xin.

Chuyên gia chia sẻ thêm, đối với cán bộ y tế, trước khi tiêm mũi 1 phải trao đổi với tình nguyện viên, hỏi rõ về tiền sử bệnh tật xem họ có đang mắc các bệnh cấp tính, mạn tính phải điều trị hay không; có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ hay không.

Với mũi tiêm tiếp theo, liều thứ 2, cán bộ y tế phải hỏi xem những mũi tiêm trước đó, người được tiêm có các phản ứng hay không. Nếu có phản ứng sốc, phản ứng nặng của lần tiêm trước đó thì phải tạm hoãn hoặc hướng dẫn cụ thể để tiêm ở các cơ sở điều trị. 

Cũng theo PGS.TS Dương Thị Hồng, trong buổi tiêm chủng, cần thực hành đúng theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi tiêm là mũi tiêm bắp, cán bộ y tế không được lắc lọ vắc-xin, phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng vắc-xin tốt nhất cho mũi tiêm. 

Trong quá trình tiêm, phải đảm bảo an toàn các quy tắc phòng chống dịch để vừa tiêm chủng vừa thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm Covid-19. 

Trước đó, ngày 28/4 tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y ra mắt Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và tập huấn hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh đang đe doạ xâm nhập hiện nay, việc ra mắt Ban chỉ dạo An toàn tiêm chủng vắc-xin có ý nghĩa quan trọng trong điều trị Covid-19 và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho các cở sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho hay, hiện hệ thống đảm bảo an toàn tiêm chủng đã được thiết lập toàn quốc. Các thành viên đã tạo một nhóm chuyên môn trên điện thoại sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của các cán bộ y tế về tiêm chủng.

Theo chuyên gia, vắc-xin Covid-19 cũng như các vắc-xin khác, quá trình triển khai có thể có phản ứng sau tiêm ở nhiều mức độ, trong đó phổ biến là sốt nhẹ cùng với các triệu chứng, như: Đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh.

Ngoài ra, có tỷ lệ từ 1% đến dưới 10% xảy ra hiện tượng sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Thậm chí, sau khi tiêm có thể có tai biến nặng, phản ứng phản vệ.

Để triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin Covid-19 được an toàn, hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vắc xin, bảo đảm chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm;

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng cần bảo đảm tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có)... 

Đặc biệt, thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng trên nguyên tắc an toàn, thận trọng, thực hiện từng bước và tăng cường tối đa độ bao phủ.

Liên quan đến vấn đề hộ chiếu vắc-xin, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đã bàn về vấn đề xét nghiệm và đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành quy trình xét nghiệm mới, kết hợp các công cụ, phương thức xét nghiệm đối với người nhập cảnh đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, hoặc cơ thể đã có miễn dịch, xét nghiệm không phát hiện virus SARS-CoV-2 để rút ngắn thời gian cách ly tập trung.

Theo Bộ Y tế, quy trình hoàn thiện có thể rút ngắn còn khoảng 1 tuần.

Về thông tin ca bệnh Covid-19, tính từ 12h đến 18h ngày 3/6 Việt Nam 79 ca ghi nhận trong nước, gồm Bắc Giang (58 ), Bắc Ninh (10), TP. Hồ Chí Minh (11).

Trong ngày 3/5, Việt Nam ghi nhận thêm 231 ca ghi nhận trong nước, gồm Bắc Giang (145), Bắc Ninh (44), TP. Hồ Chí Minh (30), Hà Nội (6), Lạng Sơn (3), Long An (2), Hải Dương (1); trong đó có 228 ca mắc mới được phát hiện trong khu đã được cách ly hoặc phong tỏa.

Tính đến 18h ngày 3/6, Việt Nam có tổng cộng 6.525 ca ghi nhận trong nước và 1.538 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 4.955 ca.

Có 13 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Theo Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 123 bệnh nhân tiên lượng nặng, 100 bệnh nhân nặng thở oxy; 29 bệnh nhân nặng, thở máy không xâm nhập; 29 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập; 7 ca nguy kịch cần chạy ECMO.

Trong ngày 3/6, Cục quản lý khám chữa bệnh đã hội chẩn toàn quốc cho 3 trường hợp bệnh nhân dưới 40 tuổi, thậm chí chỉ mới 22-23 tuổi mắc Covid-19 đã diễn biến nặng rất nhanh.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Nhiều giải pháp để doanh nghiệp chung tay tăng nguồn cung vắc-xin Covid-19
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế có nhiều giải pháp để doanh nghiệp chung tay với Chính phủ tăng nguồn cung vắc-xin Covid-19,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư