Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ "Đổi mới xanh"
Thanh Tùng - 23/01/2023 08:08
 
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam trao đổi với Báo Đầu tư về một số kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị để Việt Nam có thể đạt được phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Xin bà cho biết quan điểm cũng như đánh giá của mình về xu thế “phát triển xanh” trên thế giới hiện nay? Vấn đề môi trường được xem trọng thế nào trong quá trình phát triển kinh tế?

Tình trạng biến đổi khí hậu đang buộc các quốc gia phải tái cấu trúc nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Mặc dù điều này có vẻ khó khăn, nhưng các cuộc khủng hoảng có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi.

Trong thế giới “hậu Covid-19”, xu hướng phát triển ngày càng hướng tới tăng trưởng xanh. Chúng ta có cơ hội biến những thách thức hiện tại thành nền tảng cho một tương lai thịnh vượng và ổn định hơn bằng cách đầu tư vào một nền kinh tế xanh, có sức chống chịu và toàn diện ngay bây giờ.

Ví dụ, thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự lần đầu tiên - cuộc khủng hoảng xảy ra vào thời điểm chi phí năng lượng tái tạo tiếp tục giảm. Chỉ vài năm trước đây, điều này được coi là không thể, thì giờ đây đã có thể đạt được nhờ sự tiến bộ trong công nghệ và đổi mới. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, vì vậy, giai đoạn này là thời điểm hoàn hảo để đánh giá lại quỹ đạo phát triển năng lượng hiện tại.

Môi trường và nền kinh tế có mối liên hệ với nhau. Một số người cho rằng, nền kinh tế là một tập hợp con của môi trường, vì chúng ta hoàn toàn dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Cho dù bạn có đồng ý hay không, tôi nghĩ, điều quan trọng vẫn là phải hiểu rằng, đây không phải là một trò chơi có tổng bằng không, trong đó chỉ một bên có thể được hỗ trợ bằng chi phí của bên kia.

Một nền kinh tế xanh, giống như những gì Việt Nam đã đề ra trong Chiến lược Tăng trưởng xanh, là nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và tạo việc làm, đồng thời giải quyết các vấn đề như sức khỏe, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.

Ngoài việc tái cấu trúc nền kinh tế để hướng tới bền vững, chúng ta cũng đang phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo diễn ra vào thời điểm mà 760 triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận điện. Tăng trưởng xanh cũng cần phải bền vững về mặt xã hội, trong đó gồm cả người nghèo, người dễ bị tổn thương,  phụ nữ, người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Bà đánh giá như thế nào về bức tranh môi trường ở Việt Nam và đâu là những “gam màu tối” về môi trường cần phải thay đổi?

Tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã chủ động ứng phó trong giai đoạn chuyển tiếp này. Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu mới cung cấp một khuôn khổ rõ ràng để Việt Nam đạt được cam kết tại COP26 về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam cũng đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2022 với các mục tiêu thậm chí còn tham vọng hơn, lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược phát triển của mình, ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Than chiếm khoảng 1/3 tổng công suất lắp đặt và dựa trên các dự báo hiện tại, công suất phát điện quốc gia phải tăng gấp đôi vào năm 2030.

Theo đó, Việt Nam cần dần chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng của chính mình và xây dựng một ngành công nghiệp xanh hơn.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Việt Nam cũng liên tục bị suy giảm trong hai thập kỷ qua, dẫn đến các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và nước, suy giảm đa dạng sinh học và suy giảm các loài, suy thoái hệ sinh thái, mất an ninh nguồn nước và cạn kiệt tài nguyên, chưa kể việc suy giảm tổng thể những đóng góp cho phúc lợi của con người.

Việt Nam đang nỗ lực hướng đến nền kinh tế xanh cũng như thực hiện các cam kết tại COP26 để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Vậy theo bà, trong bối cảnh bức tranh môi trường vẫn đang có quá nhiều “mảng nâu” hiện nay, Việt Nam cần triển khai một “cuộc cách mạng xanh” thế nào?

Đó là những thách thức. Quá trình này chắc chắn đòi hỏi sự chuyển đổi toàn xã hội và toàn ngành với vốn đầu tư ban đầu đáng kể.

Tiến bộ kỹ thuật trong những năm gần đây đã làm giảm chi phí của hệ thống năng lượng tái tạo đến mức có thể cạnh tranh với than, dầu và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo cần nhiều vốn hơn, với chi phí ban đầu cao (dù chi phí bảo trì thấp hơn). Do đó, việc cung cấp nguồn vốn dài hạn với chi phí hợp lý là một hạn chế quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng.

Tài chính quốc tế có thể giúp ích, nhưng thực tế là, phần lớn vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ là nguồn vốn trong nước. Kết luận này dựa trên các xu hướng lịch sử, cũng như cơ cấu kinh tế của các nước đang phát triển.

Việt Nam cần dần chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng của chính mình và xây dựng một ngành công nghiệp xanh hơn.

Trên thế giới, cả các nước có thu nhập cao và các nước đang phát triển, phần lớn vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo đến từ các nguồn trong nước. Một lý do quan trọng là tài trợ nước ngoài tạo ra nghĩa vụ ngoại tệ, có giới hạn về số lượng vốn nước ngoài - các khoản vay và đầu tư trực tiếp - các nước đang phát triển có thể thu hút mà không gặp phải các vấn đề về cán cân thanh toán.

UNDP khuyến nghị các chính phủ xem xét việc thành lập một ngân hàng khí hậu khu vực công mới, có thể phối hợp với các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân, để đa dạng hóa các nguồn tài chính trong nước cho quá trình chuyển đổi năng lượng và xanh hóa nền kinh tế.

Điều quan trọng không kém là giao thông xanh giúp cải thiện việc di chuyển, giảm ô nhiễm không khí và nâng cao sức khỏe của người dân. Việt Nam cần một môi trường thuận lợi để tận dụng tiềm năng này, đó có thể là một trong những cơ hội lớn nhất để hỗ trợ quá trình đưa mức phát thải ròng về 0, đồng thời mang lại những lợi thế to lớn về kinh tế - xã hội.

Tương tự, sống xanh và tiêu dùng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Người tiêu dùng đang trở nên hiểu biết hơn về thị trường và có ý thức về môi trường, đặc biệt là ở các thị trường quốc tế. Họ đang yêu cầu lượng khí thải carbon thấp hơn từ các sản phẩm, dịch vụ mà họ mua.

Với tất cả những điều này, tôi nghĩ, người dân và nền kinh tế  Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ quá trình “đổi mới xanh”. “Đổi mới xanh” sẽ tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đồng thời tăng tốc sản xuất năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Để đạt được cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 cũng như chuyển đổi thành công mô hình sản xuất theo hướng phát triển xanh, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của quốc tế. UNDP sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thế nào trong công cuộc này, thưa bà?

UNDP, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện Dự án “Thúc đẩy sự chuyển đổi bền vững hướng tới phương tiện giao thông điện tại Việt Nam”.

Ở cấp quốc gia, Dự án tập trung vào việc xây dựng chính sách và giới thiệu các tiêu chuẩn. Ở cấp địa phương, chúng tôi đang thí điểm triển khai xe tải điện và xe đạp điện tại Huế.

Chúng tôi cũng đang làm nhiều việc để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo doanh nghiệp và khu vực tư nhân, phát triển các mô hình dựa vào cộng đồng để giải quyết vấn đề quản lý chất thải, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và ra mắt Mạng lưới kinh tế tuần hoàn, một nền tảng công - tư để thu hút các bên liên quan trên khắp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn.

Ở quy mô rộng hơn, cần phải đề ra một chương trình nghị sự, trong đó, phát triển kinh tế được kết hợp với khôi phục hệ sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu. Các quỹ sẽ phải được phân bổ một cách chiến lược vào các giải pháp tài chính, như thanh toán cho các dịch vụ hệ sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên và đóng góp của khu vực tư nhân. Đây đều là những can thiệp mà UNDP hướng đến để thúc đẩy xu hướng phát triển xanh mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Cuối cùng, cần có sự thay đổi mang tính biến đổi trên tất cả các bộ phận của xã hội và nền kinh tế để ổn định về khí hậu, ngăn chặn sự mất mát đa dạng sinh học và vạch ra con đường dẫn đến tương lai bền vững mà chúng ta mong muốn.

Việt Nam phát triển kinh tế xanh để thu hút đầu tư từ châu Âu
Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư