Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán 6/9-11/9
Vietcombank mất ngôi vương vốn hóa, Vinhomes hút hàng nghìn tỷ đồng của khối ngoại
Thanh Thủy - 14/09/2020 11:23
 
Áp lực chốt lời sau khi vượt qua ngưỡng 900 điểm khiến thị trường chứng khoán ghi nhận một tuần giao dịch giằng co mạnh. VN-Index đóng cửa ở mức 888,97 điểm, giảm 12,6 điểm so với cuối tuần trước.

VN-Index thất bại trước ngưỡng 900: Nhiều "trụ đỡ" mất đà, ACV hồi phục mạnh

Chinh phục mốc 900 điểm từ cuối tuần trước nhưng VN-Index không thể giữ được thành quả này, một phần cũng bởi áp lực chốt lời và biến động tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ khi các cổ phiếu công nghệ đảo chiều giảm. VN-Index đóng cửa với mức giảm 1,39%, sau 5 tuần liên tiếp tăng trước đó. HNX-Index trong khi đó gần như đi ngang sau các phiên giảm tăng xen kẽ.

VCB , cổ phiếu của của Vietcombank cũng đồng thời là một trong các trụ cột của thị trường, tăng nhẹ từ phiên giao dịch chiều cuối tuần trước, chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp. Dù vậy, cổ phiếu nhà băng này vẫn giảm hơn 3%. Cũng từ tuần trước, Vietcombank đã để lại vị trí top 1 vốn hóa thị trường cho Vingroup với giá trị vốn hóa của hai ông lớn này lần lượt là 305.241 tỷ đồng và 308.139 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số cổ phiếu ngành hóa chất, y tế, cảng biển như DGC, GMD lại giao dịch khá tích cực. Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng bất ngờ tăng tới 6%, lên 61.300 đồng/cp.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ổn định. Ngoài ra, lệnh giao dịch thỏa thuận đột biến cổ phiếu VHM của Vinhomes còn kéo giá trị giao dịch hôm 10/9 vọt lên 11.429 tỷ đồng.

VN-Index giảm điểm sau 5 tuần tăng liên tiếp
VN-Index giảm điểm sau 5 tuần tăng liên tiếp

Khối ngoại mua ròng áp đảo nhờ cổ phiếu Vinhomes, Petrolimex và chứng chỉ quỹ ETF

Thương vụ sang tay 72,3 triệu cổ phiếu từ khối nội sang khối ngoại cũng là giao dịch nổi bật nhất tuần qua. Các nhà đầu tư nước ngoài ước tính đã chi hơn 5.400 tỷ đồng. Đây cũng không phải lần đầu tiên xuất hiện giao dịch lớn tương tự, gần 15.100 tỷ đồng và 1.703 tỷ đồng cũng đã được nhà đầu tư nước ngoài chi ra để mua VHM hôm 15/6 và 20/8.

Trong tuần, khối ngoại cũng khá mạnh tay mua vào cổ phiếu PLX trong khi cùng thời gian này Petrolimex đang tích cực bán cổ phiếu quỹ. Gần 5,1 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 13 triệu cổ phiếu đăng ký bán lần này đã được chuyển nhượng riêng trong tuần vừa qua. Từ nay đến 28/9, tập đoàn này dự kiến còn bán thêm 2,9 triệu cổ phiếu nữa.

Cùng đó, các nhà đầu tư nước ngoài khối ngoại còn tích cực giải ngân vào quỹ ETF nội, nhất là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (theo chỉ số VN Diamond - nhóm cổ phiếu hết room ngoại) và E1VFVN30 (theo chỉ số VN30). Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 3.900 tỷ đồng trong tuần từ 7-11/9. Tuy nhiên, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của VHM, xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn khá áp đảo.

Cẩn trọng kỳ đảo danh mục quỹ ETF và danh sách cổ phiếu cắt margin

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, VN-Index tuần này có thể sẽ tiếp tục vận động trong vùng 880 – 900 điểm trước khi xác nhận hướng vận động tiếp theo. Tuần này cũng là thời hạn quỹ ETF MV Index Solutions (MVIS) hoàn tất cơ cấu danh mục quý III. Theo công bố ngày 11/9, quỹ vẫn giữ nguyên danh mục các cổ phiếu Việt Nam với tổng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam hạ xuống còn 64,48%, thấp hơn so với mức 67,48%, tại kỳ đảo danh mục quý II. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mức tỷ trọng đang là 63,52% nên dự báo MVIS sẽ mua ròng thêm để đảm bảo tỷ trọng vừa được công bố. Trong đó, một số cổ phiếu được mua thêm là VIC, VRE; một số phải bán ra để hạ tỷ trọng là POW, SBT…

Cũng bắt đầu từ tuần này, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC không còn nằm trong danh sách cổ phiếu được phép ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ nửa đầu năm 2020 là số âm. Tổng cộng, đã có bốn cổ phiếu trên HoSE được bổ sung vào danh sách này trong tuần vừa rồi, gồm: VSH, BVH, TS4 và FLC, nâng con số tổng lên 91 mã chứng khoán. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 khiến nhiều cổ phiếu rơi vào nhóm này, thậm chí cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn. Áp lực nguồn cung có thể lớn hơn, nhưng với nhiều cổ phiếu đã bị đưa về vùng giá hấp dẫn, các nhà đầu tư có thể bổ sung thêm tiền thay phần ký quỹ.

Vẫn nhiều doanh nghiệp trả cổ tức khủng

Ghi nhận trong tuần từ 14/9 đến 18/9, nhiều doanh nghiệp sẽ chốt quyền chi trả cổ tức, phần lớn là trả nốt cổ tức năm 2019. Trong đó, không ít nơi có tỷ lệ chi trả cao đợt này như Bến xe Miền Tây - WCS (258%), Khánh Hội -KHA trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 67%, Dầu thực vật Tường An (TAC) trả cổ tức đặc biệt trước khi sáp nhập về Kido với tỷ lệ 75%.

Một số doanh nghiệp cũng đã sớm chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2020. Trong đó, CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) chốt quyền chi tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ lên tới 18% vào ngày 17/9. Tập đoàn Dabaco (DBC) và CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 15%. Dabaco tuần trước cũng đã phải thông qua việc chuyển hơn 630 tỷ đồng từ công ty con về bổ sung nguồn vốn chi trả cổ tức cho các cổ đông.

Thị trường chứng khoán: "Say sóng" cổ phiếu thoái vốn
Loạt doanh nghiệp lớn chuyển giao vốn về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gần đây được nhìn nhận là câu chuyện mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư