Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Vietnam Airlines mong cơ quan quản lý cân nhắc toàn diện việc huỷ niêm yết cổ phiếu HVN
Anh Minh - 16/12/2023 12:24
 
Việc Vietnam Airlines bị lỗ 3 năm liên tiếp và hiện đã âm vốn chủ sở hữu là chủ yếu là do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 - điều mà hầu hết các hãng hàng không lớn trên thế giới đang phải chật vật khắc phục.
Hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024.”
Vietnam Airlines sẽ đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi từ năm 2024.

Sáng nay (16/12), Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đây là kỳ đại hội thứ 8 kể từ khi Vietnam Airlines chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào năm 2015 nhằm thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.

Một trong những nội dung được nhiều cổ đông quan tâm chính là khả năng cổ phiếu HVN bị huỷ niêm yết tại HOSE do có 3 năm lỗ liên tục và đã bị âm vốn chủ sở hữu.

Theo ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cổ phiếu HVN là một  trường hợp khá đặc biệt, việc lỗ, âm vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguyên nhân bất khả kháng này hoàn toàn do yếu tố khách quan bên ngoài. Đây cũng là điều mà hầu hết các hãng hàng không lớn trên thế giới đang phải chật vật khắc phục.

Ông Hiền cũng lưu ý rằng, Vietnam Airlines là doanh nghiệp niêm yết luôn nghiêm túc thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, công bố thông tin công khai, minh bạch, không thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, công bố thông tin sai lệch theo quy định của thị trường chứng khoán.  Vietnam Airlines là công ty đại chúng quy mô lớn, có uy tín và có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, Vietnam Airlines luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp có số vốn hoá lớn nhất tại HOSE và có kết quả kinh doanh tốt.

“Vì vậy, chúng tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán sẽ có những đánh giá, xem xét một cách phù hợp cho trường hợp cụ thể này”, ông Hiền cho biết.

Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, để xử lý hậu quả do đại dịch để lại, hãng đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Vietnam Airlines kỳ vọng việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp theo 2 Đề án này sẽ giúp bổ sung dòng tiền, thu nhập, phục hồi năng lực tài chính của Vietnam Airlines, đưa Vietnam Airlines về trạng thái tài chính lành mạnh, các chỉ số tài chính được cải thiện đủ điều kiện để duy trì niêm yết cổ phiếu trên HOSE (kinh doanh có lãi, không bị âm vốn chủ sở hữu).

Nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không và nỗ lực tự thân, dự kiến từ năm 2024 trở đi Vietnam Airlines có thể tự cân bằng dòng tiền để tổ chức sản xuất kinh doanh mà không cần hỗ trợ, qua đó khắc phục khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu HVN.

Một điểm rất tích cực là hiện dòng tiền của Vietnam Airlines hiện nay đã được cải thiện đáng kể, thậm chí là tích cực. Trong năm 2023, Tông công ty đã bố trí được 7.000 tỷ đồng để trả những khoản nợ đến hạn trả và hoãn được một số khoản nợ đến hạn khác.

Tuy nhiên, để xóa lỗ lũy kế, Vietnam Airlines có thể mất rất nhiều năm, trong đó quan trọng nhất là hãng cần được cấp có thẩm quyền sớm thông qua Đề án tái cơ cấu gồm tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu các công ty con và tái cơ cấu nguồn vốn. Ông Hiền bày tỏ mong muốn Chính phủ có thể thông qua chủ trương tái cơ cấu sớm nhất như thoái vốn Skypec, phát hành thêm cổ phiếu để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

Liên quan đến nội dung này, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết là Tổng cônh ty đã xây dựng và đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2025.

Nội dung nổi bật trong Đề án là các giải pháp nội lực từ chính nội tại của doanh nghiệp và các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ. Các giải pháp nội lực bao gồm các giải pháp tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp theo định hướng được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua gồm: tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu nguồn vốn, tái cơ cấu thoái vốn tại một số công ty có vốn góp, tái cơ cấu  tổ chức, lao động, tinh gọn bộ máy, tái cơ cấu phương án sử dụng đất và tài sản trên đất và tái cơ cấu, đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Mặc dù đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tự thân để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn và hậu quả vẫn còn kéo dài, Vietnam Airlines đã nghiên cứu đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ từ chính phủ với vai trò là Chủ sở hữu, trong đó trọng tâm là gói giải pháp bổ sung dòng tiền, nguồn vốn kinh doanh.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng kiến nghị các giải pháp ngắn hạn, cấp bách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cho Vietnam Airlines để thực hiện thoái vốn tại các đơn vị thành viên, các giải pháp trung hạn về kiểm soát quản lý vĩ mô ngành hàng không để tạo nền tảng vững chắc cho Vietnam Airlines phát huy vai trò sứ mệnh của Hãng hàng không quốc gia và phát triển bền vững trong dài hạn.

Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, việc chậm phê duyệt Đề án làm dẫn đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines để bổ sung dòng tiền và thu nhập như việc phát hành thêm cổ phần tăng vốn và tái cơ cấu, thoái vốn tại các đơn vị thành viên bị triển khai chậm so tiến độ đề ra.

Nguyên nhân do cơ chế chính sách hiện nay chưa đồng bộ, hoàn chỉnh dẫn đến các cơ quan chức năng cần có thời gian để rà soát các quy định, tìm phương án xử lý tháo gỡ phù hợp, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật.

 Việc chậm triển khai các giải pháp trong Đề án cũng đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động SXKD và nguồn lực tài chính của Vietnam Airlines. Thực tế là do chưa được bổ sung dòng tiền và thu nhập, các chỉ số tài chính vẫn đang chưa được cải thiện nên Vietnam Airlines đang bị hạn chế trong việc tiếp cận, huy động các nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu SXKD và đầu tư phát triển.

“Do vậy, Vietnam Airlines đang nỗ lực phát huy tối đa các nguồn lực của doanh nghiệp để điều hành hoạt động SXKD. Vietnam Airlines đã và đang tập trung triển khai hàng loạt các giải pháp tự thân nhằm cắt giảm, quản trị và tối ưu hóa chi phí để chủ động tháo gỡ một phần khó khăn về dòng tiền, thanh khoản như: hoàn thành thoái vốn giai đoạn 1 tại K6, bán và thanh lý tàu bay; tiếp tục quyết liệt thực hiện tái cơ cấu bộ máy tổ chức…”, ông Hoà thông tin.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư