Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
VIFOREST gửi tên các văn bản cản trở quá trình hoàn thuế VAT tới Chủ tịch Quốc hội
Khánh Linh - 17/08/2023 16:35
 
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Quốc hội xem xét và tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Đây là mục tiêu của Công văn vừa được Hiệp hội gửi tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trong Công văn do Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập ký gửi Chủ tịch Quốc hội vào ngày 14/8, khó khăn của các hội viên trong việc hoàn thuế VAT được nêu song song với những vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này.

Các văn bản "làm khó" quá trình thực thi

Cụ thể, VIFOREST đã nhắc đến hàng loạt văn bản do Tổng cục Thuế ban hành, như Công văn 2124/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 về việc giải quyết hoàn thuế gửi cục thuế các tỉnh và thành phố; Công văn 633/TCT-TTKT ngày 7/03/2022 về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế GTGT...

Giải trình chi tiết, VIFOREST nhắc tới các quy định đang làm khó quá trình thực thi của Công văn 2124/TCT-TTKT.

Đó là, khi thực hiện thanh tra, cục Thuế phải chủ động phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn, như Hải quan, Biên Phòng, Kiểm lâm… trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ…  Hay quy định đối với hàng hóa có nguồn gốc thu mua trực tiếp từ người dân theo bảng kê hàng hóa, phải thực hiện xác minh trực tiếp đến từng người dân theo yếu tố rủi ro. Khi thực hiện kiểm tra về phương tiện vận chuyển, thì phải đối chiếu giữa lịch trình di chuyển của từng xe, theo từng lái xe....

Với Công văn số 633/TCT-TTKT, các doanh nghiệp Hiệp hội cho rằng, việc triển khai công tác thanh tra/kiểm tra các doanh nghiệp F0 cần tập trung đối chiếu, xác minh, làm rõ những dấu hiệu sai phạm (nếu có) về hoàn thuế GTGT của các doanh nghiệp qua các khâu từ F1, F2, F3...đến khâu cuối theo hướng dẫn tại các văn bản của Tổng cục Thuế… đối với đầu vào; và rà soát, xác minh các nội dung rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu (Hồ sơ hải quan, thanh toán qua ngân hàng, xác minh thông tin về các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài….) qua kiểm tra, rà soát phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế...” đối với đầu ra đang gần như làm khó không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan thuế địa phương.

Vì, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, việc xác định đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế VAT  tới tận người trồng rừng/người nhập khẩu sẽ mất rất nhiều thời gian, cần rất nhiều nguồn lực và không khả thi dẫn đến vi phạm về thời hạn hoàn thuế. Đồng thời việc xác minh tính chính xác của nhà nhập khẩu nước ngoài cũng gây hoang mang cho khách hàng nhập phẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của doanh nghiệp trong nước.

Thêm vào đó, việc xác minh đầu vào truy xuất tới người trồng rừng theo quy định tại văn bản số 633/TCT-TTKT là trái với quy định của Luật Lâm nghiệp. Khoản 1, Điều 59 của Luật Lâm nghiệp quy định “Chủ rừng tự quyết định việc khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình”.

Đáng nói là chưa kể đến thời gian triển khai Công văn chỉ “trong tháng 2/2022 và kết thúc chậm nhất trong tháng 5/2022”, nhưng các cục thuế vẫn tiếp tục sử dụng các quy định tại công văn này để làm căn cứ khi gửi công văn xác minh nguồn gốc.

Điểm chưa phù hợp khi xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước

Trong Công văn gửi Chủ tịch Quốc hội, VIFOREST cũng đã nhắc được văn bản 8187/BNN-TCLN ngày 5/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Trong đó, Công văn khẳng định: “Theo quy định tại các Điều 15, 16 và 20 Thông tư số 27/2018/TT BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp”.

Đồng thời, văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh rằng, việc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khi phát hiện một loại sản phẩm gỗ (ván dán) có rủi ro trong hoàn thuế VAT mà đưa tất cả các loại sản phẩm gỗ khác vào danh mục rủi ro là không thỏa đáng.

Cụ thể, văn bản của Bộ nêu rõ “Văn bản số 2124/CT-TTKT của Tổng cục Thuế xác định các doanh nghiệp và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế VAT, trong đó chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT”.

Khó gỡ vướng mắc trong hoàn thuế nếu không sửa đổi/bãi bỏ

Cũng phải nói thêm, trong thời gian qua, đã có rất nhiều chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và nhiều đề xuất và kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các chi hội trực thuộc và các cục thuế địa phương thúc đẩy tiến độ hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp.

"Nhưng cho tới nay các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế", VIFOREST báo cáo với Chủ tịch Quốc hội.

Cụ thể, việc doanh nghiệp không được hoàn thuế chủ yếu do sự bất cập trong quy định tại văn bản số 2124/TCT-TTKT ban hành ngày 22/5/2020 và số 633/TCT-TTKT ban hành ngày 7/03/2022 của Tổng cục Thuế quy định về thanh kiểm tra trong việc hoàn thuế đối trong đó có việc xác minh nguồn gốc tới người trồng rừng", VIFOREST báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Ngoài các bất cập đã nêu trên, theo VIFOREST, Công văn số 2124/TCT-TTKT và Công văn 633/TCT-TTKT còn có dấu hiệu trái với các văn bản quy phạm pháp luật. Vì Các công văn này buộc tất cả các cục thuế và chi cục thuế tại các địa phương phải tuân theo hướng dẫn nghiệp vụ thanh/kiểm tra trong Tổng cục Thuế.

Thời hạn hiệu lực của Công văn số 633/TCT-TTKT đã hết, nhưng vẫn sử dụng làm căn cứ trích dẫn trong các văn bản xác minh nguồn gốc của các cục thuế và chi cục thuế gửi các bên liên quan.

VIFOREST cho rằng, nếu các công văn này không được bãi bỏ/sửa đổi, bổ sung thì các vướng mắc trong hoàn thuế sẽ không được giải quyết triệt để. Doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế VAT vẫn sẽ không được hoàn. 

"Kính đề nghị Chủ tịch Quốc Hội, ở cương vị trọng trách của mình, xem xét và có các quyết định phù hợp để giúp doanh nghiệp ngành gỗ được hoàn thuế kịp thời, tránh được nguy cơ phá sản, tăng cường hiệu quả kinh doanh rừng trồng, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho một bộ phận rất đông dân cư nông thôn của nước ta", VIFOREST gửi đề xuất tới Chủ tịch Vương Đình Huệ.

Lại đến lượt doanh nghiệp Hàn Quốc “tâm tư” việc chậm hoàn thuế VAT
Một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM phản ánh đang bị chậm hoàn thuế VAT khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư