Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Vina Samex trở thành quán quân Blue Venture Award 4
Thị Hồng - 31/03/2022 17:40
 
Vượt qua Vacetco và Sokfarm, Vina Samex vừa trở thành quán quân Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng – Blue Venture Award mùa 4.

Vina Samex là thương hiệu thuộc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam, đã có hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất quế và hoa hồi, hướng đến nâng tầm giá trị cây quế Việt trên thị trường quốc tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao.

Nguyễn Thị Huyền, giám đốc điều hành Vina Samex cho biết, sản phẩm kinh doanh chính của công ty là quế và hoa hồi. 

Cơ duyên đến với sản phẩm này của Huyền bắt nguồn từ lần đầu tiên đi làm và phải đưa khách lên trên rừng hồi, bao trùm không gian xung quanh và cây hồi và cây quế. 

Nông dân ở đó chia sẻ, hơn 50 hecta rừng hồi đang được dân tộc thiểu số canh tác, 90% là người Tày và người Nùng, 95% trong số đó là phụ nữ.

Họ không biết công dụng của sản phẩm là làm gì và sản phẩm ấy bán được ở đâu mà chỉ biết thành phẩm được mang sang Trung Quốc để bán và thường trong tình trạng bị ép giá. 

Những khi không bán được hàng, họ sẽ bị không có tiền để trang trải các sinh hoạt phí cũng như không có điều kiện cho con đi học. 

.
Người lao động làm việc tại nhà máy của Vina Samex (Nguồn: Vina Samex).

Đau đáu trước vấn đề này của người nông dân, nhìn thấy người nông dân cứ mãi nghèo vì không có tư duy và cách làm khác, Huyền nhìn thấy sứ mệnh của mình và muốn làm một điều gì đó cho nông dân Việt Nam, giúp đồng bào tiêu thụ được sản phẩm họ làm ra.

Vina Samex ngay sau đó được ra đời.

Nhận thấy không thể phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hoặc Ấn Độ và phải tạo ra sự cạnh tranh bằng những giá trị khác biệt, Vina Samex đã có nhiều kế hoạch để khẳng định thương hiệu của quế và hồi Việt Nam trên bản đồ gia vị thế giới. 

Năm 2016, Vina Samex đã xin được chứng nhận quốc tế của 4 thị trường cao cấp nhất là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Nếu như trước kia doanh nghiệp chỉ xuất khẩu sản phẩm thô thì nay doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu ra nhiều loại hình sản phẩm khác như bột, tinh dầu,… mang thương hiệu Vina Samex. 

Vina Samex cũng là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sản xuất thực phẩm – đồ uống – dược mỹ phẩm trong và ngoài nước. 

Cách thức mà Vina Samex đã triển khai là tham gia nhiều hội chợ quốc tế, gặp mặt trực tiếp khách hàng để giới thiệu sản phẩm của mình, đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu,… 

.
Nguyễn Thị Huyền, giám đốc điều hành Vina Samex nhận giải nhất Blue Venture Award 4 (Nguồn: BTC).

Hiện, nhóm khách hàng B2B đến từ  châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 90% doanh thu của Vina Samex, còn với kênh B2C, doanh nghiệp này đang phân phối trên các kênh thương mại điện tử, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ và một số siêu thị,… 

Trong suốt 10 năm đi cùng Vina Samex, điều mà Huyền tự hào là đã thực hiện được hai ước mơ lớn của mình. 

Thứ nhất là giúp cho bà con dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống, khi hỗ trợ cho 15.000 hộ nông dân ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn thay đổi được nhận thức và thay đổi được cuộc sống.

Thứ hai là có những dự án tác động về bình đẳng giới, khi tác động 1.225 người phụ nữ hiểu về bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ, tự lập và tự tin hơn trong cuộc sống,… 

Nhà máy của Vina Samex cũng đã tạo ra 300 cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, Vina Samex cũng thường xuyên có những buổi chia sẻ cho nông dân những tiêu chuẩn nông sản của thế giới.

Doanh nghiệp này cũng chủ trương trao đổi với nông dân không nên dùng chất hóa học trên vùng nguyên liệu, nhằm đảm bảo vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu, đồng thời sử dụng các sản phẩm hữu cơ trong nhà máy và phân loại rác để nâng cao trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với xã hội. 

Mặc dù trong hai năm qua bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng doanh thu của Vina Samex vẫn tăng trưởng mạnh với năm 2020 là 151 tỷ đồng và năm ngoái là 275 tỷ đồng. 

Huyền đặt mục tiêu IPO Vina Samex vào năm 2026.

Trước mắt, công ty này sẽ mở rộng các nhà máy ở Lào Cai và Lạng Sơn để sản xuất các sản phẩm chuyên sâu từ quế và hồi, hỗ trợ cơ hội việc làm cho lao động địa phương và góp phần giúp các tỉnh thành khác chuyển đổi cây trồng để tăng thêm thu nhập.

Vacetco và Sokfarm đồng giải nhì Blue Venture Award mùa 4 và tổng giá trị giải thưởng (bao gồm giải nhất) lên tới 400 triệu đồng.

Ngoài ra, quán quân của cuộc thi là Vina Smax sẽ nhận được sự hỗ trợ tư vấn và huấn luyện từ hội đồng cố vấn của chương trình để có cơ hội nhận được nguồn vốn từ cộng đồng thông qua nền tảng gọi vốn quốc tế INDIEGOGO và hỗ trợ của nhà tài trợ Pernod Ricard Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu riêng cho quế hồi Việt Nam
Quế, hồi hiện tại ở Việt Nam đang là thế mạnh trên thế giới, nhưng vì người nông dân và sản xuất chưa biết khai thác điều đó, tạo thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư