Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vinacomin lo khâu tiêu thụ dù lợi nhuận tăng đột biến
Hoàng Nam - 14/07/2017 19:09
 
Trong nửa đầu năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã đạt mức lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu than tại khu vực cảng Hòn Nét (Quảng Ninh)	. Ảnh: Thanh Hương
Xuất khẩu than tại khu vực cảng Hòn Nét (Quảng Ninh) . Ảnh: Thanh Hương

Lợi nhuận tăng đột biến

Theo Vinacomin, trong tổng doanh thu 54.577 tỷ đồng đạt được trong nửa đầu năm 2017, đóng góp từ than là 27.520 tỷ đồng; từ tiêu thụ khoáng sản là 5.670  tỷ đồng, từ sản xuất - bán điện là 6.121 tỷ đồng... Vinacomin đã nộp ngân sách 8.098 tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và bằng 126% cùng kỳ năm 2016.

Trong 6 tháng qua, lượng than nguyên khai sản xuất là 19,96 triệu tấn, than sạch thành phẩm đạt 17,89 triệu tấn, đều vượt so với kế hoạch được giao và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Đã có 18,14 triệu tấn than được tiêu thụ, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, phần tiêu thụ trong nước là 17,43 triệu tấn và xuất khẩu đạt 716.000 tấn. Riêng lượng than xuất khẩu đã tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước có nguyên nhân là được giao hạn ngạch xuất khẩu sớm.

Điểm đáng chú ý là, tổng lao động toàn Vinacomin tới thời điểm 30/6/2017 là 108.180 người, đã giảm được 2.400 người so với đầu năm 2017. Nhờ vậy, mức tiền lương bình quân 6 tháng

vẫn đạt 9,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng khối sản xuất than là 9,6 triệu đồng/người.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh, việc giảm chi phí sản xuất, giảm giá than là sức ép rất lớn với Vinacomin do lượng lao động lên tới 110.000 người và cần phải áp dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản trị, phân cấp để phát triển bền vững, lâu dài.

Năm 2015, Vinacomin lãi 839 tỷ đồng. Con số này năm 2016 là 1.036 tỷ đồng và nửa đầu năm 2017 đã đạt mức lợi nhuận 1.000 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tài chính nửa đầu năm 2017 giảm 70 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016, dù mặt bằng lãi suất vay ngắn hạn 6 tháng 2017 cao hơn so với năm 2016.

Lo tiêu thụ

Dẫu vậy, câu chuyện tiêu thụ than vẫn là bài toán làm đau đầu Vinacomin. Tổng giám đốc Vinacomin, ông Đặng Thanh Hải giữa tháng 6/2017 cho hay, than sạch tồn kho của Tập đoàn hiện ở mức 9,3 triệu tấn, giảm gần 3 triệu tấn so với lượng tồn 12 triệu tấn cuối năm 2016, nhưng vẫn ở mức cao.

Việc thị trường tiêu thụ than có sự biến động lớn so với kế hoạch đầu năm có nguyên nhân do các công ty nhiệt điện, công ty xi măng chưa thực hiện nhận than theo kế hoạch. Được biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất giảm nhu cầu sử dụng than từ Vinacomin từ 19,92 triệu tấn xuống còn 17,92 triệu tấn, tức là giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch đặt ra đầu năm để chuyển sang mua than của 2 đơn vị mới.

Điều này khiến ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐQT của Vinacomin rất lo lắng. “Với 2 triệu tấn mà EVN đang không muốn mua từ Tập đoàn, cộng thêm 2 triệu tấn sản xuất tăng để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7% năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, tổng mức tồn kho của Vinacomin sẽ là trên 13 triệu tấn. Như vậy, Vinacomin rất khó cân đối được về mặt tài chính”, ông Chuẩn nói.

Lãnh đạo Vinacomin cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) không giảm mua than trong năm nay để Vinacomin ổn định sản xuất, góp phần sản xuất tăng thêm 2 triệu tấn nữa. Từ năm 2018, nếu các tập đoàn lớn không mua than của Vinacomin, Tập đoàn sẽ cân đối lại trong điều hành.

Đồng tình với việc ưu tiên tiêu thụ than nội địa, nhưng ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, thực tế giá than trong nước đang cao hơn giá nhập khẩu, nên khó cạnh tranh được. Đơn cử, giá than cám 4b nhập khẩu khoảng 1,5-1,6 triệu đồng/tấn, trong khi giá than cùng loại của Vinacomin lại cao hơn từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/tấn. “Giá than nội phải cạnh tranh, phải theo nguyên tắc thị trường”, ông Tuấn khuyến cáo.

Đẩy mạnh cơ giới hóa

Để nâng cao sức cạnh tranh của than nội, nhiều chương trình đầu tư đã và đang được khẩn trương triển khai trong ngành than. Tính đến tháng 6/2017, tất cả các đơn vị hầm lò đã triển khai chống neo, một số đơn vị có số mét lò chống neo cao như Mạo Khê, Mông Dương, Quang Hanh và Vàng Danh. Sản lượng cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác than cũng đã tăng cao, đạt 1,48 triệu tấn/22,35 triệu tấn than khai thác hầm lò - chiếm tỷ trọng 6,6 % và tăng 100% so với năm 2016.

Chẳng hạn, Công ty Than Mạo Khê đã đầu tư hệ thống điều khiển tập trung các tuyến băng tải vận chuyển than dưới hầm lò và trên mặt bằng; Công ty Than Hà Lầm đưa vào vận hành hệ thống điều khiển tự động, trạm biến áp 110 kV; Công ty Tuyển than Cửa Ông cũng đưa vào hoạt động hệ thống tự động phân xưởng bến 2 đã tiết kiệm được hàng trăm nhân lực vận hành.

Dự án khai thác than hầm lò Núi Béo đã sản xuất ra tấn than đầu tiên tại lò chợ 411.01 và dự kiến sản lượng cả năm đạt 150.000 tấn theo kế hoạch giao.

Trước đó, cuối năm 2016, Đảng ủy Vinacomin đã có Nghị quyết số 12-NQ/ĐU, chỉ rõ mục tiêu của năm 2017 theo hướng tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác mỏ hầm lò, phấn đấu nâng tỷ lệ khai thác than hầm lò bằng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ lên 15 - 20% tổng sản lượng than khai thác hầm lò vào năm 2020.

Song theo các lãnh đạo Vinacomin, còn những khó khăn nhất định trong việc đầu tư phát triển cơ giới hóa, đặc biệt là cơ giới hóa khai thác than, vì tổng quan điều kiện địa chất các mỏ than của Việt Nam nói chung, các mỏ Vinacomin quản lý nói riêng rất phức tạp. Cụ thể, vỉa than biến động về chiều dày, góc dốc lớn; nhiều phay phá, đứt gãy, nếp uốn. Trong khi đó, trong nước chưa chủ động được công nghệ, thiết bị; nhân lực cho vận hành đồng bộ các thiết bị cơ giới hóa phải đào tạo mới từ đầu, nên còn thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống thực tế.

Ngoài ra, công nghệ, thiết bị phụ thuộc nước ngoài, phụ tùng thay thế phải nhập khẩu cũng làm gián đoạn sản xuất, giảm năng suất, đồng thời cũng có một phần do công nhân vận hành thiếu kinh nghiệm xử lý các sự cố trong sản xuất.

Lợi nhuận 1.000 tỷ đồng có xa với Vinacomin?
Mục tiêu được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đặt ra trong năm 2017 là đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư