Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
VN-Index tăng 9,4 điểm, sắc đỏ bao trùm cổ phiếu thép
Thanh Thủy - 17/11/2021 19:20
 
VIC là đầu tàu kéo chỉ số tăng, đồng thời, phiên tăng hôm nay còn đưa Vingroup trở lại ngôi vương vốn hóa thị trường.

Sắc xanh nhanh chóng trở lại, HNX-Index lập đỉnh mới gần 463 điểm

Trái với tâm lý lo sợ áp đảo trong phiên hôm qua, sắc xanh trở lại đồng loạt trên cả ba sàn. Riêng HNX-Index với 10 phiên tăng điểm không ngưng nghỉ cũng đang xác lập kỷ lục mới về điểm số. VN-Index lấy lại gần hết những điểm số đã mất trong phiên điều chỉnh hôm qua.

VN-Index đóng cửa tăng 9,4 điểm (0,64%) lên 1.475,85 điểm. HNX-Index tăng 10,7 điểm (2,37%) lên mức 462,95 điểm. UPCoM-Index tăng 0,73 điểm (0,65%) lên 112,21 điểm.

Từ đầu tháng 10/2021, sàn HNX chỉ có hai phiên giao dịch giảm. Còn tính từ đầu năm, HNX-Index đã tăng 2,28 lần. Không ít những cổ phiếu trụ có quy mô vốn hóa lớn thay phiên tăng, đưa chỉ số sàn này lên vùng giá mới. Ba phiên gần đây, cổ phiếu của ThaiHoldings (THD) là trụ cột chính, đóng góp 7,35 điểm tăng cho HNX-Index.

Trên sàn HoSE, vai trò dẫn dắt thuộc về cổ phiếu của Vingroup. VIC tăng 1,58% so với phiên liền trước, nâng vốn hóa thị trường của công ty bất động sản này lên 366.442 tỷ đồng. Vingroup lấy lại vị trí số 1 dù không quá cách biệt với Vinhomes và Vietcombank đứng liền sau.

Sắc xanh chiếm ưu thế nhưng cũng không quá vượt trội. Toàn sàn có 494 mã tăng, 79 mã tăng kịch biên độ; trong khi số mã giảm và giảm sàn lần lượt là 422 mã và 11 mã.

Thanh khoản trên thị trường đã giảm mạnh so với phiên liền trước, đạt 32.761 tỷ đồng trên cả ba sàn. Trong đó, tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.773 tỷ đồng, giảm 21% so với hôm qua. HPG là cổ phiếu có giá trị giao dịch nhiều nhất (1.558 tỷ đồng). Cùng đó, cổ phiếu hai công ty chứng khoán gồm SSI và VND đều quanh mức 900 tỷ đồng.

Khối ngoại không còn duy trì được trạng thái mua ròng. Dòng tiền của các nhà đầu tư ngoại vẫn dồn mạnh về một số chứng khoán như cổ phiếu VHM (148 tỷ đồng) hay chứng chỉ quỹ FUEVFVND dựa theo rổ chỉ số VNDiamond. Tuy vậy, một số cổ phiếu cũng bị bán mạnh quanh 100 tỷ đồng như VPB, HPG và VND.  

Cổ phiếu thép tiếp tục rơi sâu

Nhóm cổ phiếu tôn - thép tiếp tục giao dịch tiêu cực khi giá hàng hóa này đang trong xu thế đảo chiều từ đỉnh. Đa phần các cổ phiếu thép đều giảm trên 1%. “Ông lớn” ngành thép giảm 1,15% xuống 51.400 đồng tại thời điểm đóng cửa phiên. Đây cũng là cổ phiếu kéo chỉ số chung giảm nhiều nhất.  Đây đã là phiên giảm thứ ba liên tiếp của HPG. Tính từ mức đỉnh 58.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu HPG đã “bốc hơi” 11,4%. Các biệt, NKG giảm 2,7%; TVN cũng bốc hơi 2,6% giá trị.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dòng dầu khí tăng nổi bật với mức tăng hơn 4%, nhất là cổ phiếu hai đơn vị xăng dầu gồm Petrolimex và PV Oil lần lượt tăng 5,6% và 3,5%. Giá dầu thế giới đang trong nhịp giảm nhưng giá xăng trong nước tăng liên tiếp hai lần gần đây là tín hiệu tích cực đối với các đơn vị phân phối này.

Nhóm cổ phiếu bất động sản- xây dựng cũng là tâm điểm chú ý của thị trường phiên hôm nay khi đóng góp không ít gương mặt trong top 10 cổ phiếu tác động cả tích cực và tiêu cực đến hai chỉ số niêm yết. Trên sàn HNX, cổ phiếu SCG, CEO đều đóng góp điểm tăng đáng kể cho thị trường. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, L14 và IDC – hai cổ phiếu bất động sản từng qua giai đoạn tăng nóng lại trở thành yếu tố kéo tụt chỉ số chung. Còn trên sàn HoSE, cùng VIC, hai cổ phiếu VHM và BCM đều đóng góp đáng kể số điểm tăng. Dòng cổ phiếu ngân hàng cũng tiếp tục phân hóa với số mã tăng/giảm ngang ngửa.

“Gồng lãi” mỏi tay, cổ đông Chứng khoán APEC nhất trí tăng vốn lên 3.200 tỷ đồng
Với sự hưng phấn của cổ đông trước diễn biến tăng phi mã cổ phiếu APS, kỳ họp ĐHĐCĐ của Chứng khoán APEC thông qua các tờ trình một cách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư